Nội dung liên quan Canada, Tin Quốc Tế

Báo Vietnamnet,

Cú sốc ‘cứng miệng’ trước người bản xứ dù đạt 8.5 IELTS của thầy giáo tiếng Anh

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:22:46 01/10/2024 theo đường link https://vietnamnet.vn/cu-soc-cung-mieng-truoc-nguoi-ban-xu-du-dat-8-5-ielts-cua-thay-giao-tieng-anh-2327199.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đạt 8.5 IELTS và làm chủ kênh Youtube dạy tiếng Anh có gần 300.000 người đăng ký trước khi đi du học, Thịnh sốc khi bản thân lắp bắp lúc trò chuyện với người bản xứ và bị bạn chê ‘điểm cao mà nói kém’. Nguyễn Đức Thịnh sinh năm 1994, quê Thái Bình. Dù đã sở hữu điểm IELTS 8.5 trước khi sang Canada du học, Thịnh vẫn đối mặt với nhiều thử thách về giao tiếp và hòa nhập văn hóa khi sống và làm việc tại nước ngoài. Từng có lúc muốn bỏ về nước và mất tự tin về khả năng tiếng Anh của mình, Thịnh đã vượt qua để làm việc tại Đài truyền hình quốc gia Canada (CBC) và hiện là phóng viên cho tờ báo The Guardian ở Prince Edward Island.
Bước khởi đầu với IELTS 8.5 tại Việt Nam
Trước khi du học Canada, Thịnh có gần 10 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh tại Việt Nam và đạt điểm IELTS 8.5, bao gồm điểm tuyệt đối cho kỹ năng Đọc và Nghe. Nhưng ít ai biết, hành trình chinh phục ngôn ngữ và phát triển nghề nghiệp của Thịnh không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Nguyễn Đức Thịnh tại Charlottetown - thành phố lớn nhất của tỉnh bang Prince Edward Island (Canada). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thịnh kể, thời cấp 3, mình tập trung học tiếng Anh nhưng chủ yếu về ngữ pháp, ít chú ý tới Nói và Viết. Từ khi học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Ngân hàng, Thịnh bắt đầu biết đến IELTS và đăng ký thi lần đầu khi sắp tốt nghiệp. Kết quả, mặc dù điểm Nghe và Đọc cao, nhưng kỹ năng Nói và Viết chỉ dừng ở mức trung bình (Nói 7.0 và Viết 6.0).
Sau lần đó, với quyết tâm cải thiện điểm số, Thịnh xây dựng lộ trình và ôn luyện cật lực. Không còn áp dụng cách học thuộc lòng cấu trúc mẫu, Thịnh tập trung rèn đồng đều các kỹ năng, nhất là những thứ mình còn yếu: Nghe Podcast, và xem TV shows bằng tiếng Anh mỗi ngày, luyện nói thật tự nhiên cũng như đọc và viết về nhiều chủ đề… “Có những dịp mình ở nhà cả ngày chỉ làm bài IELTS, nhiều hôm tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt”, Thịnh nhớ lại.
Nỗ lực này đã giúp Thịnh đạt điểm IELTS 8.5 trong lần thi thứ hai. Sau khi đạt điểm cao, Thịnh chủ yếu giảng dạy tiếng Anh tại nhà và bắt đầu mày mò lập kênh Youtube chia sẻ hành trình, cách học tiếng Anh hiệu quả. Kênh này đạt gần 300.000 lượt đăng ký vào năm 2018.
Sốc văn hóa khi du học Canada
Năm 2019, Thịnh quyết định du học ngành Báo chí và Truyền thông tại Canada sau khi giành giải Nhất trong cuộc thi IELTS Prize của Hội đồng Anh, cùng với suất học bổng trị giá 190 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến xứ lá phong, Thịnh bị sốc văn hoá tới mức gặp vấn đề nghiêm trọng với việc nói tiếng Anh.
"Ở Việt Nam, mình chủ yếu tiếp xúc với tiếng Anh qua sách vở, hoặc các chương trình TV show Mỹ... Đến Canada, mọi thứ đều khác biệt, từ giọng nói, ngữ điệu, lối sống… Mình mất tự tin, không thể nói trôi chảy như khi đi thi. Mình nhận ra, cuộc sống không phải kỳ thi, mà là chuỗi giao tiếp tự nhiên. Không phải giám khảo hỏi mình trả lời, mà với mọi người, mình phải biết cách duy trì cuộc giao tiếp, biết lắng nghe, đối đáp, hỏi lại - tất cả không dễ dàng”, Thịnh chia sẻ.
Nguyễn Đức Thịnh có nhiều bài viết trên trang CBC của Canada. Ảnh chụp màn hình trang Cbc.ca
Một lần, nghe lời mỉa mai sau lưng từ một người đồng hương: "Ông này IELTS 8.5 mà nói tiếng Anh quá kém, thua xa tôi”, Thịnh càng nhận ra IELTS cao cũng chẳng để làm gì nếu không thể giao tiếp tự nhiên. Thất vọng về bản thân, Thịnh đã nghĩ đến việc bỏ về nước. Tuy nhiên, ràng buộc bởi học bổng và không muốn phụ lòng những người đã kỳ vọng vào mình, Thịnh quyết tâm ở lại và thử thách bản thân một lần nữa.
Đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn để tiến xa hơn
Tự nhận mình là người hướng nội và có nhiều nỗi sợ, Thịnh cũng hiểu rằng nếu không chủ động bước ra khỏi vùng an toàn thì sẽ không thể thay đổi.
Vì thế, Thịnh chủ động kết bạn với sinh viên quốc tế, tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm, và tiếp xúc nhiều hơn với người dân địa phương. Đặc biệt, ngành học Báo chí và Truyền thông buộc Thịnh phải thường xuyên đi phỏng vấn người lạ - một trải nghiệm đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để cải thiện khả năng giao tiếp.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại một trường cao đẳng địa phương, Thịnh có cơ hội làm việc tại Đài truyền hình quốc gia CBC của Canada - một thành tựu không phải người nhập cư nào cũng dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, sau 1,5 năm tại đây, Thịnh nhận ra mình không phù hợp với guồng làm việc quay cuồng từ sáng tới 20-21h, chẳng còn thời gian cho bản thân, nên quyết định chuyển sang làm cho tờ báo địa phương The Guardian ở Prince Edward Island.
Thịnh luôn tâm niệm: “Đã mất công sang xứ người thì phải làm được việc. Một người nhập cư càng phải nỗ lực hơn nhiều. Để mình có thể nổi bật, được chú ý thì càng cần chăm chỉ. Mình sẵn sàng nhận việc không ai muốn làm”.
Thịnh kể, hồi tháng 6/2023, tòa soạn cần người đưa tin về một bản báo cáo mới dài hơn 100 trang phơi bày nhiều tiêu cực tại một trường đại học. Dù không theo sát vụ việc đã kéo dài vài năm này và chưa có kiến thức về các vấn đề phức tạp được nêu ở báo cáo, trong khi chỉ còn 30 phút trước buổi phỏng vấn lãnh đạo cấp cao của trường, Thịnh vẫn trả lời “Ok, tôi làm được” khi được hỏi có muốn nhận nhiệm vụ.
“Lúc đó mình trả lời rất tự tin dù đang hoảng vì không biết bắt đầu từ đâu. Trên đường đến trường, mình tranh thủ lướt nhanh 100 trang báo cáo, nắm kiến thức nền và lập danh sách câu hỏi. Cuối cùng, mình phỏng vấn trơn tru và có bài đăng được đánh giá tốt”, Thịnh nhớ lại.
Nguyễn Đức Thịnh ở Banff, Alberta (Canada). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hay vài tháng trước, trong một sự kiện lớn với sự tham gia của các Bộ trưởng tỉnh, Thịnh đã tự nguyện đảm nhận việc thực hiện tin bài thay cho người phụ trách nghỉ dù bản thân chưa từng có kinh nghiệm viết bài về chính trị. “Khi ấy tôi chỉ nghĩ, mình chưa biết nhiều thì có thể đọc, chưa hiểu gì có thể hỏi, và cuối cùng cũng hoàn thành bài phóng sự”, Thịnh chia sẻ.
Thịnh cho rằng, việc thúc đẩy bản thân ra khỏi vòng an toàn, luôn nói “có” với những việc khó đã giúp mình sẵn sàng đối mặt với những nỗi sợ và nắm bắt được cơ hội tốt.
Hiện tại, Thịnh tiếp tục học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới, đặc biệt là tiếng Pháp - ngôn ngữ thứ hai tại Canada - để có thêm cơ hội trong công việc và phát triển bản thân.
Nam phóng viên cũng ấp ủ dự định quay trở lại với kênh YouTube để chia sẻ không chỉ kinh nghiệm học tiếng Anh mà cả trải nghiệm sống và làm việc tại nước ngoài với các bạn trẻ.
‘Giáo viên dạy tiếng Anh lắp bắp khi giao tiếp với người nước ngoài’ Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên dạy môn tiếng Anh THPT trong dịp giao lưu với đồng nghiệp Mỹ đã lắp bắp rồi lặng như tờ. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp cá biệt.
Sao chép thành công