Nội dung liên quan Thái Lan, Tin Quốc Tế
Báo Vnexpress,
Cưới người đồng giới
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
23:04:21 02/10/2024
theo đường link
https://vnexpress.net/cuoi-nguoi-dong-gioi-4799139.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Chị có hai cô con gái đang du học. Mỗi năm, chị dành một kỳ nghỉ kéo dài một tháng để qua thăm và ở cùng các con. Sau chuyến đi gần đây nhất, chị phát hiện ra cả hai đứa đều yêu người cùng giới. Không đến nỗi sốc nặng nhưng chị không tránh khỏi cảm giác bối rối. Căn hộ chị thuê cho hai con, cứ mỗi cuối tuần lại có thêm hai cô bạn là người yêu của con gái đến chơi và ở lại. Chị trổ tài nấu nướng để đãi khách. Cả hai vị khách đều rất thích các món ăn Việt Nam do chị chế biến. Họ cũng gọi chị là "mẹ" bằng tiếng Việt. Những khoảnh khắc ấm áp và hạnh phúc như đã là một gia đình mà chị trải qua cùng các cô gái trẻ đang yêu nhau dần xua tan những lo lắng và bối rối ban đầu. Hai cô con gái cũng tích cực làm "công tác tư tưởng" cho mẹ với những giải thích rằng, ở đất nước mà họ đang sống và theo học, tình yêu đồng giới là hoàn toàn bình thường trong mắt mọi người. Hai cô bảo với mẹ rằng, một ngày nào đó không xa, họ tin gia đình và người thân sẽ nhìn thấy những điều tương tự ở Việt Nam. Chị dần cảm thấy yên tâm với tình yêu của hai con. "Giờ chị chỉ cầu mong cả hai cặp đều hạnh phúc", chị thổ lộ. Ước ao hiện tại của chị là Việt Nam sẽ sớm có luật công nhận hôn nhân đồng giới. Luật pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã có sự thay đổi theo xu hướng ngày một cởi mở hơn với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ (Lesbian - đồng tính luyến ái nữ, Gay - đồng tính luyến ái nam, Bisexual - song tính luyến ái, Transgender - chuyển giới và Queer - xu hướng tình dục khác hoặc Questioning - đang trong quá trình tìm hiểu bản thân). Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội ban hành năm 2000 cấm kết hôn giữa những người đồng giới. Bộ luật sửa đổi năm 2014, hiệu lực từ 1/1/2015, đã bỏ điều cấm đó, nhưng "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Với sự thay đổi này, những người đồng giới tính hiện tại được quyền tổ chức lễ cưới và có thể chung sống với nhau. Tuy nhiên, họ sẽ không được pháp luật bảo đảm về tính hợp pháp của vợ chồng cũng như các quyền và nghĩa vụ tương ứng (thừa kế, quan hệ tài sản, xác nhận con cái...). Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 8/6/2024, dự kiến Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình và thông qua vào kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025. Từ bước đệm thật sự có ý nghĩa này, nấc thang quan trọng tiếp theo trong tiến trình xây dựng và hoàn chỉnh luật pháp cho công dân thuộc cộng đồng LGBTQ+ được hy vọng hướng tới mục tiêu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đang được chờ đợi. Trên thế giới, số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới hiện tăng dần theo thời gian. Trong vòng năm năm qua, từ 2019 đến 2024, con số cụ thể đã tăng từ 28 đến 37 nước, trong đó phần đông thuộc châu Âu, châu Mỹ và các nước Nam Phi, New Zealand, Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Nepal với tổng số hơn 1,5 tỷ người (20% dân số thế giới). Hơn ba tháng trước, Thượng viện Thái Lan vừa thông qua dự luật hôn nhân đồng giới vào ngày 18/6. Dự luật này chỉ còn chờ Hoàng gia phê duyệt và sẽ có hiệu lực ngay sau đó 120 ngày. Cộng đồng LGBTQ+ ở Thái Lan, vốn là một trong những biểu tượng thu hút du lịch nổi tiếng của quốc gia này, xem đây là một thành quả lớn lao của họ sau nhiều thập niên bền bỉ đấu tranh cho phong trào bình đẳng giới. Quyết định pháp lý quan trọng có tính lịch sử từ một quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á làm dấy lên niềm hy vọng lớn cho gần hai triệu người thuộc cộng đồng LGBTQ+ tại Việt Nam. Họ chờ đợi hiệu ứng lan tỏa của sự tiến bộ trong thay đổi về nhận thức xã hội và tinh thần luật pháp về hôn nhân đồng giới của nước láng giềng sẽ tác động tích cực đến ý chí làm luật của các nhà lập pháp. Cộng đồng LGBTQ+ dù có số lượng nhỏ ở Việt Nam, vẫn là một bộ phận công dân của quốc gia. Hiện tại, các giá trị mang tính đa dạng, công bằng và hòa nhập ( Diversity, Equity & Inclusion) được thể hiện rõ và liên kết chặt chẽ thông qua văn hóa làm việc tại các tổ chức và doanh nghiệp. Các giá trị đó đang hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cá nhân thuộc nhóm LGBTQ+ cùng nỗ lực với các nhóm khác (nữ giới, người khuyết tật...) phát huy năng lực làm việc, thực hiện các nghĩa vụ quy định bởi pháp luật để cùng đóng góp vào sự tiến bộ và phát triển chung của xã hội. Tuần lễ VietPride, với các hoạt động mà chúng tôi chứng kiến một phần hôm đó, là một trong những sự kiện quan trọng của cộng đồng LGBTQ+, được tổ chức thường niên 12 năm qua. Chủ đề của năm nay là "Đã tới lúc", với hy vọng gợi nhắc công chúng về quyền bình đẳng và sự tôn trọng dành cho tất cả mọi người, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ. Nhìn nhận một cách tích cực, xã hội Việt Nam đã cởi mở hơn rất nhiều trong những năm qua. Người đồng tính đã có quyền được yêu thương, được kết hôn và mưu cầu hạnh phúc. Hôn nhân đồng giới, một ngày nào đó được luật pháp công nhận tại Việt Nam, sẽ là cánh cửa cuối cùng mở ra để những người đồng tính thật sự được đặt cả hai chân của họ vào thế giới bình đẳng của mọi công dân. Hà Đức Trí