Nội dung liên quan Singapore, Tin Quốc Tế

Báo Nhân Dân,

“Cứu cây xanh” Thủ đô: Nhìn từ mô hình bác sĩ cây xanh tại Trung Quốc và Singapore

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:12:03 05/10/2024 theo đường link https://nhandan.vn/cuu-cay-xanh-thu-do-nhin-tu-mo-hinh-bac-si-cay-xanh-tai-trung-quoc-va-singapore-post834917.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
NDO -
Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội khẩn trương tìm phương án "cứu" cây xanh bị gãy đổ do siêu bão Yagi (bão số 3). Đáng chú ý, trong số này có 35 cây xanh mang tính quý, lịch sử. Cơ quan chức năng đã cứu được 33 cây, 2 cây bị đổ thân toác sâu xuống gốc nên không thể cứu.
Trong khi chờ đợi và hy vọng những kết quả khả thi, Báo Nhân Dân mời bạn đọc tham khảo mô hình bác sĩ cây xanh tại 2 quốc gia lân cận Việt Nam là Trung Quốc và Singapore.
TỪ CÁC TỔ "BÁC SĨ CÂY XANH" ĐẶC BIỆT TẠI TRUNG QUỐC
Một buổi sáng cuối tháng 9/2024, Liu Fangling, chuyên gia về bệnh lý thực vật tại Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) mang theo máy móc cùng các đồng nghiệp bắt đầu ngày làm việc bình thường của mình.
Di chuyển qua đám đông nhộn nhịp ở công viên trung tâm thành phố, cả nhóm tiếp cận… “bệnh nhân” mới nhất của mình: Một cây bạch quả cổ thụ. “Bác sĩ” Liu, tay cầm thiết bị chụp cắt lớp, áp sát vào thân cây sần sùi để… siêu âm cho “khách hàng” đã có 1.700 năm tuổi đời.
Cùng lúc, Gou Yubo, một đồng nghiệp khác lại chăm chú… khám tổng thể cho cây bạch quả khổng lồ. Anh dùng máy quét cảm biến Lidar* để tái hiện mô hình 3D của cây, nhằm thu thập dữ liệu quan trọng như chiều cao, chiều rộng tán lá và đường kính thân cây.
* Máy quét cảm biến Lidar sử dụng tia laser để đo khoảng cách đến vật thể, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực trắc địa công trình hiện đại. Hoạt động dựa trên nguyên tắc phát xung tia laser và ghi nhận thời gian phản hồi, Lidar tạo ra “đám mây điểm” 3D chi tiết, phản ánh chính xác địa hình và các đối tượng trong khu vực khảo sát.
Giải thích rõ hơn, cô Liu Fangling cho biết: Thiết bị chụp cắt lớp hoạt động tương tự như chụp CT trên cơ thể người.
“Với sự giúp đỡ của các phần mềm chuyên dụng, chúng tôi có thể biết được tình trạng thực tế bên trong thân cây, từ đó phát hiện mức độ mục ruỗng chính xác”, Liu nói.
Cây xanh gãy đổ do bão số 3 tại Hà Nội.
Trong khi đó, việc thu thập số liệu thông qua Lidar hay các mẫu lá, đất… chung quanh cây sẽ giúp nhóm của cô có thể chẩn đoán toàn diện các “thông số” khác như sâu bệnh, độ tơi xốp và mức độ dinh dưỡng của đất… nhằm đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời và chính xác.
Chỉ trong vòng nửa giờ, việc… kiểm tra sức khỏe cho cây bạch quả được hoàn tất. Nhóm “bác sĩ cây xanh” đặc biệt của thành phố Thành Đô lại tiếp tục di chuyển tới thăm khám cho bệnh nhân tiếp theo của mình. Trung bình, mỗi ngày, “tổ y tế” có thể kiểm tra từ 4 đến 5 “ca bệnh” tương tự.
Cùng thời điểm, ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Wang Lijun, người đứng đầu nhóm các bác sĩ cây xanh cũng đang kiểm tra và xử lý cho một cây đa hơn 100 năm tuổi đang gần đổ gục do bão. Sau khi cắt bỏ phần mục nát, Wang cùng cộng sự dựng các cột chống. Để bảo đảm khả năng phục hồi, họ thậm chí còn phải cắt bỏ lá nhằm giảm sự bốc hơi, trước khi “truyền” dinh dưỡng dạng lỏng vào thân cây sần sùi.
“Trong vòng nửa tháng, việc điều trị đã có kết quả. Lá ngừng rụng và những chồi non mới đã nảy ra”, bác sĩ Wang Lijun phấn khởi.
Bác sĩ cây xanh Wang Lijun "tiếp dưỡng chất" cho một cây cổ thụ. (Ảnh: Chinadaily)
Liu Fangling, Gou Yubo và Wang Lijun chỉ là 3 trong số rất nhiều vị “bác sĩ cây xanh” – lực lượng chuyên biệt được thành lập ở rất nhiều tỉnh thuộc Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh giá sức khỏe cũng như đưa ra liệu trình điều trị cho hàng vạn cây cổ thụ trên khắp đất nước tỉ dân.
Quá trình làm việc, các “bác sĩ cây xanh” gặp rất nhiều khó khăn, như thường xuyên phải tiếp xúc với rắn rết, côn trùng. Đối với những “ca bệnh” ở vùng xa xôi, có khi các thành viên phải mang theo thiết bị đi bộ hàng giờ trên những con đường núi gập ghềnh, hiểm trở. Thế nhưng, họ cũng tìm thấy niềm vui mỗi khi cứu chữa thành công những ca khó.
Liu Fangling nhớ lại, năm 2017, nhóm của cô nhận nhiệm vụ chẩn đoán một cây bạch quả đã bị mục ruỗng nghiêm trọng tại Thành Đô. Sau quá trình thăm khám, các chuyên gia đã đề xuất liệu trình điều trị, bao gồm việc loại bỏ cây ký sinh, phục hồi hệ thống rễ và áp dụng các biện pháp chống côn trùng, chống thấm nước cho phần thân.
“5 năm sau, cây cổ thụ từng đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ đã trở lại xanh tốt”, Liu cười nói.
ĐẾN MÔ HÌNH QUẢN LÝ, ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG CÂY XANH ĐÔ THỊ Ở SINGAPORE
Không chỉ dừng lại ở việc khám, chữa cho các cây di sản nổi tiếng như Trung Quốc, Singapore còn đặc biệt quan tâm tới chất lượng của cây xanh đô thị.
Theo thống kê, Đảo quốc sư tử hiện có tới 7 triệu cây xanh. 2 triệu cây trong số đó là cây đô thị, được trồng trên các con phố, công viên và đều được Ủy ban Vườn quốc gia Singapore (NParks) quản lý.
Cũng giống như đất nước tỉ dân, NParks đã thành lập tổ bác sĩ cây xanh, bao gồm 250 thành viên nhằm thường xuyên chăm sóc và kiểm tra tình trạng cây. Các bác sĩ cũng có trách nhiệm phát hiện tình trạng bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác khiến cây dễ gãy đổ khi có gió mạnh.
Bà Ow Siew Ngim, Giám đốc Công nghệ và cảnh quan đường phố của Nparks giải thích: Cây xanh cũng giống như con người, cần phải được kiểm tra sau mỗi 6 đến 24 tháng.
Cây xanh tại Singapore. (Ảnh: CNA)
Đặc biệt, nhờ công nghệ cao, công việc của 250 “bác sĩ” trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Điển hình như xe tự hành dạng robot đã được Nparks đưa vào sử dụng. Đây là một thiết bị đặc biệt có hệ thống quét laser theo công nghệ Lidar như đã nhắc ở trên. Trong quá trình di chuyển, thiết bị sẽ tiến hành quét chung quanh nhằm tạo ra một bản sao kỹ thuật số dạng 3 chiều của toàn bộ cây xanh. Hệ thống cũng có thể mô phỏng chính xác khoảng cách, vị trí, thông số; thậm chí chẩn đoán được tình trạng sức khỏe sơ bộ của từng cây cụ thể.
Một chuyên gia chăm sóc cây xanh của NParks có thể kiểm tra khoảng 400 đến 500 cây mỗi tháng bằng phương tiện đặc biệt này. Khi phát hiện dấu hiệu sâu bệnh, quá trình kiểm tra chuyên sâu mới bắt đầu được tiến hành. Giai đoạn này, các thiết bị chụp cắt lớp âm thanh sử dụng sóng âm, máy đo điện trở gỗ… sẽ làm nhiệm vụ.
Xe tự hành có chức năng quét và lập bản đồ 3D cây xanh tại Singapore. (Ảnh: CNA)
NParks cho hay, khi phát hiện cây có dấu hiệu suy yếu, các bác sĩ sẽ xử lý theo từng liệu trình riêng biệt, như bón phân, tiếp dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu cây xanh có dấu hiệu rỗng mục hoặc có nguy cơ gãy đổ sẽ được loại bỏ ngay lập tức để tránh đe dọa tới an toàn của cộng đồng.
Để ứng phó với điều kiện thiên tai ngày càng khắc nghiệt, trong những năm gần đây, NParks còn sử dụng các công cụ khác, chẳng hạn như cảm biến không dây phát hiện cây nghiêng, thiết bị bay không người lái hoặc thuật toán có tên Tree Structural Model Plus có chức năng xử lý dữ liệu về sự ổn định của cây trong các điều kiện gió khác nhau. Thậm chí, NParks cũng đang hướng tới việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý, chẩn đoán sức khỏe cây xanh đô thị.
Nhờ cách làm khoa học này, cây xanh đô thị tại đảo quốc sư tử đã trở nên khỏe mạnh hơn. Nếu như năm 2001, Singapore có tới 3.100 vụ cây đổ thì tới năm 2023, số vụ việc tương tự đã giảm chỉ còn 480 vụ.
Chiều 3/10, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2024, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Đức Hưng cho biết, trong số các cây bị gãy, đổ do bão số 3 , số lượng cây đường phố thành phố quản lý là hơn 11,7 nghìn.
Sau bão, cơ quan chức năng đã dựng, trồng lại 3.515 cây, đưa về vườn ươm 608 cây; tổng số cây trồng tại chỗ và đưa về vườn ươm là 4.103 cây. Có 7.635 cây gãy, đổ không thể cứu, trồng lại được cắt thành khúc để thanh lý củi, gỗ.
Đáng lưu ý, thành phố cũng đã cứu, trồng lại 98 cây xanh quý hiếm , lịch sử, cổ thụ bị ảnh hưởng của bão số 3, trong đó cơ quan chức năng đã cứu được 33/35 cây quý hiếm, lịch sử.
Sao chép thành công