Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB giáo dục).
Bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch HĐTV NXB giáo dục) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Bị can Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và bị can Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát) bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
5 bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên NXB giáo dục bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng ban Kế hoạch Maketing), Đinh Quốc Khánh (cựu Phó trưởng Phòng in), Phạm Gia Thạch (cựu thành viên HĐTV ), Hoàng Lê Bách (cựu Phó Giám đốc) và Lê Hoàng Hải (cựu Phó giám đốc).
Kết luận điều tra thể hiện, năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV NXB giáo dục. Theo đề nghị của Ngọc và Minh, Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định.
Bị can Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch HĐTV NXB giáo dục.
Theo đó, hai bị can Ngọc và Minh lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hoá thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho NXB giáo dục.
Giám định cho thấy, với 7 gói thầu giấy in, các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, để được tham gia và trúng thầu, hai bị can Ngọc và Minh đã nhiều lần đưa hối lộ cho Thái.
Từ năm 2017, Ngọc đã gặp, đặt vấn đề, hứa hẹn cảm ơn và được Thái đồng ý tạo điều kiện cho tham gia, trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học 2018 - 2019.
Sau khi trúng thầu, Ngọc chuẩn bị 3 tỷ đồng đựng trong túi xách giấy hai quai, buộc lại và lồng thêm túi giấy bên ngoài. Sau đó, Ngọc nhắn tin hẹn gặp và được Thái đồng ý.
Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam.
Ngọc xách túi tiền đến phòng làm việc của Thái tại tầng 9, trụ sở NXB giáo dục (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) để cạnh bàn uống nước và nói: “Có chút quà biếu cảm ơn". Khi Ngọc về, Thái mở túi kiểm tra và cất tiền tại két sắt trong phòng làm việc.
Từ năm 2018 đến năm 2021, các công ty của Ngọc tham gia và trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỷ đồng. Sau khi được Thái giúp đỡ, trúng thầu và ký hợp đồng, Ngọc đều đặn đưa 4 tỷ đồng một năm để cảm ơn Thái.
Trong 4 năm liền, cách thức đưa tiền đều giống nhau, thường vào các dịp cuối năm hoặc đầu năm dương lịch, Ngọc đều tự chuẩn bị số tiền 4 tỷ đồng đựng trong túi đựng quà tết. Sau đó, Ngọc xách theo, mang đến phòng làm việc của Thái rồi để lại.
Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên Đán từ năm 2018 đến năm 2022, Ngọc đều đặn cảm ơn Thái số tiền 200 triệu đồng một năm, tổng số tiền là 1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, Thái nhận hối lộ từ Ngọc 20 tỷ đồng và giúp nhóm công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Trí Minh, cơ quan điều tra xác định, năm 2017, Minh cũng đến gặp Thái và tự giới thiệu là đối tác cung cấp giấy nhiều năm cho NXB giáo dục.
Minh đề nghị và được Thái đồng ý tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát được tiếp tục cung cấp giấy cho NXB giáo dục. Sau đó, Công ty Minh Cường Phát được đưa vào danh sách ngắn, được tham dự và trúng một gói thầu. Đổi lại, Minh “tặng” Thái 400 triệu đồng kèm hộp bánh, chai rượu.
Để được trúng các gói thầu tiếp theo, Minh còn nhiều lần hối lộ Thái với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Công ty Minh Cường Phát do vậy được trúng 5 gói thầu của NXB giáo dục, tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra nhận thấy, việc mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của NXB giáo dục, được thực hiện hàng năm, giá giấy in chiếm từ 30 đến 40 % cơ cấu giá bán sách giáo khoa, việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.
Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.