Nội dung liên quan Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước

Chuyên trang Pháp luật và Xã hội - Báo KTĐT,

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết kháng cáo

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:02:07 03/10/2024 theo đường link https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-khang-cao-396619.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 24 người khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo, giảm trách nhiệm hình sự…
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên
Trong số 50 bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), có 25 người gửi đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Phần lớn các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, xin được giảm trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Hai em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự.
Bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu Kiểm toán viên Công ty CPA kháng cáo toàn bộ bản án, không đồng ý với nội dung và mức án mà bản án sơ thẩm đã quy kết.
Bị cáo Trần Thế Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.
Ngoài ra, 11 bị cáo khác cũng xin được giảm nhẹ hình phạt. Còn lại 9 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Một số bị hại làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Tập đoàn FLC tại phiên sơ thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên
Trước đó, hồi đầu tháng 8, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.
Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên phạt bị cáo Trịnh Minh Huế (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC) và Trịnh Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Công ty CP Chứng khoán BOS) lần lượt mức án 14 và 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".
Trong bản án tuyên chiều 5/8, HĐXX cho hay, trong quá trình lượng hình đã xét toàn diện vai trò của từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết được xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ ngoài thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả. HĐXX ghi nhận bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng Tập đoàn FLC trong quá trình hoạt động đã xây dựng nhiều công trình tại vùng sâu vùng xa Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa... được các địa phương này gửi đơn xin giảm nhẹ mức án.
Tòa cũng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có quan hệ anh em họ hàng, vợ chồng, cha con, những người trong cùng dòng họ.
TAND TP Hà Nội cho rằng, 25.853 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền mua cổ phiếu ROS mà không biết bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình. Tội phạm đã hoàn thành vào thời điểm các bị cáo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Vì vậy, 25.853 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu như đã nêu trên được xác định là bị hại.
Số cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 1/9/2016 đến ngày 5/9/2022 đã bị hủy niêm yết. Đến nay có 63.075 nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS, không tính số cổ phiếu do các bị cáo đứng tên.
"Những nhà đầu tư này không trực tiếp mua cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa đảo trực tiếp nên không được xác định là bị hại" - đại diện tòa án nêu.
Nhưng theo tòa, họ là những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, "phần nào chịu hậu quả của những hành vi đó", do đó cần đưa các nhà đầu tư này vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi cho họ.
Minh Dương
Sao chép thành công