Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 4/10, BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) TP Đà Nẵng cho biết đang khẩn trương thực hiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch, đầu tư 3 KCN mới gồm KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2; KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn.
Theo đó, BQL Khu công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm - Giai đoạn 2 theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Hiện BQL đang kiểm tra, rà soát các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng. Đồng thời, đơn vị đang cập nhật các quy định mới của Luật Đất đai 2024, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 16/9/2024 để tổ chức triển khai theo đúng quy định pháp luật.
Đà Nẵng tiếp tục thu hút nhiều dự án đầu tư mới trong năm 2024,
Đối với KCN Hòa Ninh, sau khi HĐND thành phố đã thông qua tại Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 15/11/2023 chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, BQL đã tham mưu UBND thành phố có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố rút hồ sơ kèm theo Tờ trình để rà soát, chỉnh sửa và cập nhật lại toàn bộ hồ sơ dự án.
Đến tháng 1/2024, BQL đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng xem xét lựa chọn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư KCN Hòa Ninh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020…Tháng 3/2024, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc rút hồ sơ của UBND thành phố. Hiện BQL tiếp tục phối hợp và chủ động cung cấp hồ sơ khi các cấp Trung ương yêu cầu.
Một góc nhà máy bia Heineken tại KCN Hoà Khánh- Đà Nẵng.
Ngày 29/5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4445/BKHĐT-QLKKT ngày 11/6/2024 gửi UBND thành phố, theo đó thống nhất dừng quy trình thẩm định chủ trương đầu tư và hoàn trả hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Hòa Ninh do UBND thành phố lập. UBND thành phố đã có Công văn số 3227/UBND-KT ngày 17/6/2024 về việc rút hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án KCN Hòa Ninh, giao BQL thông báo rộng rãi và hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm liên hệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nộp hồ sơ thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Mặt khác, ngày 17/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4663/BKHĐT-QLKKT về việc lấy ý kiến thẩm định hồ sơ dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Ninh (Phú Mỹ 3 Đà Nẵng IP), trong đó đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ…
Đối với KCN Hòa Nhơn, Theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2146/UBND-SXD ngày 28/4/2023, theo đó BQL các dự án đầu tư CSHT ưu tiên thành phố Đà Nẵng chủ trì triển khai quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn (theo quy mô mới sau điều chỉnh là khoảng 237ha) trong tổng thể quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh. Sau khi Đồ án Quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh được duyệt, Ban Quản lý các dự án đầu tư CSHT ưu tiên TP Đà Nẵng sẽ trích xuất, bàn giao hồ sơ liên quan đến quy hoạch phân khu KCN Hoà Nhơn đến Ban Quản lý để tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo, lựa chọn Nhà đầu tư hạ tầng theo quy định. Theo phân kỳ đầu tư, KCN Hòa Nhơn triển khai trong giai đoạn 2025-2030.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trao đổi với đại diện tập đoàn bán dẫn tới từ Hoa Kỳ bên lề hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn ngày 30/8/2024.
Trong những năm qua, TP Đà Nẵng đã chú trọng phát triển hạ tầng và chính sách để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Các KCN ở Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trong các KCN, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã đóng góp đáng kể vào tỷ trọng xuất nhập khẩu và thu nộp ngân sách cho TP Đà Nẵng. Theo Cục thống kê TP Đà Nẵng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2024 ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,27 %; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,99%; khu vực dịch vụ tăng bứt phá ở mức 9,86%. Với mức tăng 8,35% trong quý II/2024, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án đầu tư tại các KCN Đà Nẵng đã được cấp phép đầu tư hoặc mở rộng quy mô đầu tư. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng đã thu hút tổng cộng 523 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao và các KCN; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 34,5 ngàn tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2,07 tỷ USD. Đặc biệt, nhờ vào việc phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp, vị trí chiến lược và lực lượng lao động tay nghề cao, Đà Nẵng đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng hay Nvidia, Qualcomm, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư và có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư 135 triệu USD vào Đà Nẵng và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới. Hiện nay, quỹ đất sạch dành cho nhà đầu tư tại các KCN không còn nhiều.
Đà Nẵng dành nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao.
Từ cuối năm 2023 đến nay, TP Đà Nẵng đã có nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu miền Trung Việt Nam. Cùng với việc xây dựng Cảng Liên Chiểu, thực hiện đề án xây dựng Khu Thương mại tự do, thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và Khu Công nghệ thông tin tập trung… việc tiếp tục đầu tư mới 3 KCN tại Đà Nẵng được ví như công cuộc “xây tổ đón đại bàng” với kỳ vọng tạo sự bứt phá cho Đà Nẵng phát triển.