Báo điện tử Tổ Quốc,

Đắk Lắk nỗ lực thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:36:05 06/10/2024 theo đường link https://toquoc.vn/dak-lak-no-luc-thu-hut-dau-tu-phat-trien-du-lich-cong-dong-20241005104131621.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Cùng với cảnh sắc và tài nguyên thiên nhiên phong phú, Đắk Lắk là nơi hội tụ 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, với nhiều nét sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán độc đáo của các cộng đồng dân cư bản địa, như Ê đê, M'nông, Xê Đăng,...Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với việc bảo tồn và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ khi buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột được tỉnh Đắk Lắk công nhận là buôn du lịch cộng đồng vào năm 2021, chị Dyum Byă dệt vải không kịp tay để bán các sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào Ê Đê cho khách du lịch. Ngôi nhà sàn của chị tuần nào cũng đón tiếp những vị khách đến tham quan, tìm hiểu....
Chị Dyum Byă cho biết: "Trước đây tôi dệt vải chỉ để dùng thôi, bây giờ nhiều người biết đến đồ truyền thống của mình để mua, để mặc, hoặc làm quà lưu niệm, mình cảm thấy rất vui, có thu nhập, và có việc làm. Thấy các đoàn đến đây chơi vui, uống rượu cần, hát múa, tìm hiểu để các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mình rất vui."
Chị Dyum Byă dệt vải để bán các sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào Ê Đê cho khách du lịch.
Buôn du lịch cộng đồng – điểm đến mang dấu ấn riêng có và hấp dẫn du khách gần xa đến Đắk Lắk trong những năm qua. Nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn đã chủ động liên kết các hộ gia đình cùng làm du lịch, với việc đảm nhận vai trò khác nhau: Hộ làm rượu cần, hộ dệt vải, hộ làm tượng nhà mồ,… phục vụ du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Từ đó, họ đã có thêm thu nhập và vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Tuy nhiên, để thật sự níu chân du khách và phát triển thành sản phẩm du lịch bền vững, các buôn làng cần có sự đầu về cơ sở hạ tầng, không gian lưu trú,…Bởi đa phần các buôn du lịch cộng đồng hiện tại do chính người dân tự đầu tư, còn hoang sơ và chưa bài bản.
Bà H'yam Bkrông, trưởng nhóm buôn du lịch cộng đồng Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ: "Đầu tư ở đây nói chung là mức độ của chúng tôi chỉ thế thôi. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư về đầu tư chỗ du lịch cộng đồng của buôn Tơng Jú. Thứ nhất là để văn hóa dân tộc Ê Đê chúng tôi được lan truyền, thứ 2 là để tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số..".
Du khách xem cách làm rượu cần.
Những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch. Bình quân mỗi năm tỉnh Đắk Lắk đón trên dưới 1 triệu du khách, trong đó có khoảng 10% du khách quốc tế. Những số liệu như vậy còn ít so với tiềm năng hiện có; sản phẩm du lịch chưa được doanh nghiệp dốc sức đầu tư có chiều sâu và chất lượng hơn. Do vậy, Đắk Lắk đang kêu gọi, thu hút đầu tư vào "ngành công nghiệp không khói" dựa trên thế mạnh văn hoá sẵn có với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Nhiều năm gắn bó với đời sống đồng bào các dân tộc tại khu vực Tây nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk riêng, bà Linh Nga Niê Kdăm, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: "Nếu các nhà đầu tư về đây thì có một lợi thế là Tây Nguyên rất giàu bản sắc văn hóa; đời sống của Tây Nguyên là gắn bó với rừng, lợi thế đó đồng bằng có ít hơn hoặc không có. Các nhà đầu tư có thể hỗ trợ rất nhiều, ví dụ như lớp học tiếng Anh giao tiếp – điều đó rất quan trọng; thứ 2 là các ngành chức năng có thể hỗ trợ bà con kiến thức về du lịch cộng đồng; và các thứ 3 nữa là nguồn kinh phí hỗ trợ cho bà con cơ sở vật chất để làm tốt hơn."
Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với việc bảo tồn và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Từ nguồn vốn của Dự án 6, ngành chức năng đã hỗ trợ người dân, đồng bào dân tộc thiểu số như khôi phục các làng nghề, nghi lễ truyền thống của các dân tộc tại chỗ; thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như mở các câu lạc bộ về dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy sử thi, kể khan...Các hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Cũng qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch từ sản phẩm văn hóa của mình để được hưởng lợi từ du lịch.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại đã có 5 thôn, buôn được chọn để tập trung hỗ trợ phát triển mô hình này. Bên cạnh đó, địa phương đang nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian lưu trú,…; hỗ trợ hình thành tour/tuyến, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao giá trị từ mô hình du lịch cộng đồng.
Hương An
Sao chép thành công