Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
SVVN - Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 2000) tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa loại Giỏi của Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa. Với nghị lực vượt lên số phận cùng tình yêu mãnh liệt dành cho ngành Y, nữ sinh gốc Nghệ An đã chinh phục kì thi “khốc liệt” nhất của Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành Bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư năm thứ nhất.
Nguyễn Thị Nguyệt - Bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư năm thứ nhất, Trường ĐH Y Hà Nội
Nguyễn Thị Nguyệt được sinh ra và lớn lên tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Nguyệt sinh ra trong gia đình nông dân, có 5 anh chị em, em gái đang phải khám và điều trị thuốc hàng tháng. Cả 5 chị em Nguyệt đang theo học đại học, THPT, THCS nên mẹ Nguyệt phải tranh thủ làm thêm công nhân vệ sinh ở chợ gần nhà vào buổi tối để nuôi các con đi học. “Sức khỏe của bố mẹ cũng không tốt, mẹ mình bị thoát vị đĩa đệm nhưng không dám điều trị vì là trụ cột chính trong gia đình, chỉ sợ nghỉ ngơi không có nguồn thu nhập cho các con đi học”, Nguyệt xúc động chia sẻ.
Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa loại Giỏi của Trường ĐH Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa.
Làm thêm ở quán cà phê, phục vụ ở quán nước, bán đồ nông sản ở lề đường, gia sư, nhân viên lễ tân, đánh máy kết quả, dọn dẹp vệ sinh ở phòng khám tư… là những công việc mà Nguyệt đã làm để có tiền trang trải cho việc thực hiện ước mơ trở thành Bác sĩ. Nguyệt tâm sự: “Những công việc làm thêm đã giúp mình có thêm thu nhập để trang trải học phí và phí sinh hoạt thường ngày, mình còn có thể tích góp để hỗ trợ bố mẹ trong những lúc gia đình khó khăn. Việc đi làm thêm giúp mình vượt qua được nỗi sợ về sự tự ti, mình dũng cảm chấp nhận bản thân và gia đình. Hơn nữa, khi được tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau, mình hiểu được sự vất vả của các ngành nghề, giúp mình trân trọng, học được cách quản lý tiền bạc và thời gian. Trong quá trình đi làm thêm, mình cũng đã gặp gỡ nhiều anh chị, xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh, gặp được những người tốt”.
Điều Nguyệt trân trọng nhất trong thời gian sinh viên là có được một công việc ở phòng khám tư. Mặc dù chỉ làm những việc liên quan đến hành chính, tiếp đón bệnh nhân nhưng Nguyệt đã học được nhiều điều bổ ích về cả chuyên môn cũng như kỹ năng giao tiếp. Nữ sinh bộc bạch: “Mình may mắn được gặp các anh chị, các bác có kinh nghiệm trong ngành nghề, đã hỗ trợ và chỉ dạy mình rất nhiều trong quá trình làm việc cũng như định hướng nghề nghiệp”.
Nữ sinh luôn nỗ lực và phấn đấu học tập để đạt được ước mơ.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Nguyệt vẫn cố gắng học tập và lao động để thực hiện ước mơ trở thành Bác sĩ. Với những cố gắng và nỗ lực, nữ sinh đã tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa loại Giỏi của Trường ĐH Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa. “6 năm không ngắn cũng không dài, hoàn cảnh gia đình mình cũng rất khó khăn, mình từng có thời gian nghĩ rằng không thể theo đuổi được việc học tập. Mình từng tự ti so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng chưa thử thì không biết được khả năng của bản thân lại vô hạn đến đâu, chúng ta chỉ đang tự giới hạn cho bản thân trong sự sợ hãi. Mình từng thắc mắc rất nhiều điều gắn liền với nỗi sợ hãi: Liệu gia đình có đủ sức để nuôi mình đi học không, liệu việc đi làm thêm hay tham gia hoạt động có ảnh hưởng tới việc học tập của mình nhiều không, việc đứng ra trước tập thể có làm mình xấu hổ và tự ti hơn không… Nhưng khi bắt tay lên kế hoạch và làm từ những bước đi nhỏ nhất, mình thấy mọi thứ cũng không phải là không thể, cứ dũng cảm lựa chọn thì nhất định vượt qua được nghịch cảnh”.
Nguyệt được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Với tình yêu mãnh liệt dành cho ngành Y, nữ sinh tiếp tục dự thi vào kì thi được đánh giá là khốc liệt nhất của Trường ĐH Y Hà Nội – kì thi Bác sĩ nội trú. Trải qua những ngày tháng ôn luyện vất vả, Nguyệt đã xuất sắc đỗ Bác sĩ nội trú chuyên ngành Ung thư của Trường ĐH Y Hà Nội. Nguyệt vỡ òa hạnh phúc khi nhận được kết quả: “Ngày nhận kết quả đỗ Bác sĩ nội trú, mình đã vỡ òa trong hạnh phúc với kết quả trong mong đợi, lựa chọn được chuyên ngành Ung thư, là chuyên ngành mình mong muốn được học tập, cống hiến để giúp đỡ và sẻ chia cùng bệnh nhân trong những giai đoạn khó khăn nhất. Ngoài vui mừng, mình còn đan xen một số ít lo lắng, việc trường lớp mới còn bỡ ngỡ, học phí cho những năm học tiếp theo. Biết là chặng đường sắp tới còn rất dài, gian truân, nhưng mình mong bản thân sẽ giữ vững tâm - trí để theo đuổi đam mê và nghề nghiệp”.
Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội.
Theo Nguyệt, quá trình ôn thi Bác sĩ nội trú là một chặng đường tích lũy kiến thức dài hạn, việc quan trọng nhất trong con đường này là xác định đúng mục tiêu mà bản thân đặt ra, lập kế hoạch học tập và thực hiện kế hoạch. “Mình tin rằng, muốn đạt được kết quả tốt, việc giữ vững lập trường tư tưởng cũng là một vấn đề quan trọng. Khi xác định được mục tiêu ôn thi nội trú, việc lựa chọn thời gian ôn thi nên được sắp xếp cẩn thận, không nên tách rời việc ôn thi nội trú và việc học tập theo chương trình đào tạo của nhà trường. Học chắc, học sâu kiến thức của các môn theo yêu cầu đào tạo và kể cả những môn không có trong chương trình thi Bác sĩ nội trú, như một mạng lưới internet, nên học cách liên kết các kiến thức lại với nhau”.
Nguyễn Thị Nguyệt từng đảm nhiệm vai trò Liên chi Hội Phó Liên chi Hội Sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội.
Nguyệt cho rằng hành trình ôn thi Bác sĩ nội trú là quá trình vất vả và căng thẳng nhất mà cô bạn từng trải qua. Vào những tháng cuối, mỗi ngày, Nguyệt và các bạn cùng ôn thi đến thư viện để tự học từ sáng đến tối, tranh thủ ăn uống ngay tại trường. Lịch trình lặp đi lặp lại khiến Nguyệt cảm thấy chán nản muốn bỏ cuộc. Những tuần gần thi, nữ sinh mất ngủ, lo lắng và bồn chồn. “Có những hôm, mình phải dùng thuốc an thần để có thể ngủ và chuẩn bị cho một ngày học tập tiếp theo. Việc giữ vững tinh thần rất quan trọng, ngay cả trong lúc ôn tập cũng như những ngày trước thi, những ngày mất bình tĩnh, mình luôn cố gắng tự nhủ với bản thân, hãy cố gắng hết sức mình, cho dù kết quả như thế nào, thì mình cũng không phải ân hận khi đã cho mình cơ hội để cố gắng”, Nguyệt bày tỏ.
Để việc học có hiệu quả, Nguyệt thường lập bảng lịch trình theo tháng, tuần, ngày. Với Nguyệt, muốn học tập tốt phải giữ vững thành tích học tập tốt. Vậy nên, cô bạn luôn đặt mục tiêu học tập cho bản thân ở mỗi năm học, kỳ học, mỗi tháng và mỗi môn học. Đặt mục tiêu và theo dõi quá trình học tập cũng là một vấn đề cần cân nhắc để tự đánh giá quá trình học. Không cần phải đặt mục tiêu quá cao nhưng đủ để đánh giá quá trình học tập.
“Là một đảng viên trẻ, mình ưu tiên phát triển, trau dồi kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Dám thử và dám làm, đương đầu với khó khăn cũng là cách để xây dựng con người và tính cách của bản thân. Dũng cảm nhận sai và chấp nhận sửa đổi là một đức tính đáng được coi trọng và khích lệ. Mình nghĩ mỗi bạn trẻ đều có những cách đóng góp cho xã hội theo cách riêng, dù bé hay lớn nhưng mỗi hành động đều đang chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đẹp hơn. Việc đầu tư vào bản thân mình là điều vô cùng quan trọng, khi một cá nhân tốt đẹp lên, cả cộng đồng cũng sẽ tốt đẹp lên. Vì vậy, việc đầu tiên mà ai cũng có thể thực hiện được để đóng góp cho xã hội là trau dồi đạo đức, đẩy mạnh học tập, phát triển bản thân. Khi mỗi bạn trẻ nhận thức được bản thân là nền móng của một xã hội, mới đóng góp được cho xã hội”, thông điệp nữ Bác sĩ nội trú gửi đến các bạn trẻ.
Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Nguyệt:
- Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường năm học 2018-2019, 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022;
Giấy khen “Cá nhân có thành tích Xuất sắc trong Công tác Đoàn và Phong trào Thanh niên năm học 2018-2019”;
- Giấy khen “Cá nhân có thành tích Xuất sắc trong Công tác Đoàn và Phong trào Thanh niên năm học 2019-2020”;
- Giấy khen Hiệu trưởng “Cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Lớp, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên năm học 2020-2021”;
- Giấy khen BCH HSV Trường “Cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên năm học 2020-2021”;
- Giấy khen BCH HSV Trường “Cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên năm học 2021-2022”;
- Giấy khen Hiệu trưởng “Sinh viên công tác tốt toàn khóa niên khóa 2018-2024”;
- Giấy chứng nhận “Sinh viên hoạt động Đoàn thể xuất sắc niên khóa 2018-2024”.