Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nằm ở phía cực Nam tỉnh Phú Yên nối liền địa phận tỉnh Khánh Hòa trên huyết mạch giao thông QL1A xuyên Việt qua đèo Cả, thị xã Đông Hòa là địa phương giàu tiềm năng kinh tế và du lịch biển có 3 di tích lịch sử, danh thắng quốc gia đang là điểm đến hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm trong hành trình du lịch Nam Trung bộ.
Đi qua đèo Cả nằm phía trên hầm đường bộ Đèo Cả, du khách có dịp thưởng ngoạn cảnh quan hùng vĩ bởi những cung đường uốn lượn quanh co trên lưng dãy núi Trường Sơn chồm mình vươn ra phía biển. Ngước lên đỉnh núi sẽ nhìn thấy Đá Bia, còn gọi là Thạch Bi Sơn – một danh thắng quốc gia có nhiều huyền tích nằm ở độ cao 706m so với mặt nước biển. Đó là khối đá khổng lồ cao 76m, sừng sững vươn lên bầu trời.
Từ trên cao nhìn xuống, danh thắng quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện có dáng dấp bản đồ Việt Nam thu nhỏ. Ảnh: Bùi Văn Hải
Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh – một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội kinh thành Huế. Khoảng giữa thế kỷ 19, ông Phan Thanh Giản - quan đại thần triều Nguyễn đi qua đèo Cả, ngước nhìn lên Đá Bia tưởng nhớ đến vua Lê Thánh Tông, nên ông đã viết bài thơ chữ Hán, được dịch nghĩa: “Mảnh đá đầu non dựng. Tầng cao ngất một phương. Chia bờ nêu cột Hán. Đuổi giặc trú xe Đường. Chữ triện mây lu nét. Công thần sử dọi gương. Chạm bia người đã vắng. Lữ khách chạnh lòng thương”. Mùa đông năm 1946, khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã để lại cho đời bài thơ “Đèo Cả” nổi tiếng nhất trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất trong thế kỷ 20.
Để khai thác tiềm năng văn hóa du lịch ngọn núi thiêng, con đường có những bậc thang len lỏi đường rừng dài 2.280m từ quốc lộ 1A lên tới Đá Bia đã được xây dựng từ năm 2000, thu hút nhiều nhóm du khảo, leo núi trải nghiệm. Hơn 10 năm qua, mỗi năm Phú Yên đều tổ chức Giải việt dã chinh phục đỉnh cao núi Đá Bia.
Từ trên đỉnh đèo Cả nhìn xuống phía Đông là vịnh biển Vũng Rô xanh màu ngọc bích nằm giữa vòng tay ôm ấp của dãy núi hình vòng cung. Giữa năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận nơi này là Khu di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô. Cách vịnh Vũng Rô về phía Bắc chừng chục phút ô tô là di tích danh thắng quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện. Năm 1890, Varella - một sĩ quan hải quân Pháp đề xuất xây dựng ngọn hải đăng Mũi Điện là điểm cực Đông trên đất liền Tổ quốc đón ánh bình minh sớm nhất mỗi ngày. Thú vị hơn nữa là từ trên cao nhìn xuống, dải đất danh thắng này như dáng hình đất nước Việt Nam thu nhỏ.
Tại ba di tích danh thắng quốc gia nêu trên, trong năm 2023 đã thu hút 161.351 lượt du khách tham quan, trong đó có 1.226 khách quốc tế, 9 tháng đầu năm nay, số lượng du khách đã tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước và dự báo sẽ có thêm nhiều du khách trong thời gian tới.
Danh thắng quốc gia Bãi Môn – Mũi Điện. Ảnh: Hữu Toàn
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa cho biết, địa bàn này nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên với hạ tầng đô thị hiện đại và không chỉ là cửa ngõ hướng ra biển, mà còn là cực tăng trưởng rất quan trọng của tỉnh Phú Yên. Ngoài 3 di tích danh thắng quốc gia nêu trên, thị xã Đông Hòa còn có 9 di tích lịch sử cấp tỉnh và bờ biển dài gần 50km với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như hát Bài Chòi, hát Lăng, Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân.
Thị ủy, UBND thị xã Đông Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về xây dựng, đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Theo đó, 3 mục tiêu đã được thị xã Đông Hòa đặt ra và nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp. Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch; xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.
Hai là, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực về tài nguyên, đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn để phát triển du lịch; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch.
Ba là, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch, phát huy vai trò trung tâm của doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, sự phối hợp liên ngành trong chuỗi giá trị, tạo nên sản phẩm du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong phát triển kinh tế du lịch.
Một góc vịnh biển Vũng Rô. Ảnh: Hữu Toàn.
Cùng với việc phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, UBND thị xã Đông Hòa đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng ven biển phường Hòa Hiệp Trung, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều hoạt động phong phú. Nhiều dự án du lịch trên địa bàn Đông Hòa đã được mời gọi đầu tư với nhiều triển vọng như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô, Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Rạng Đông, Khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn Nưa, Khu đô thị du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ - Đá Bia, Khu du lịch Bãi Tiên, Khu du lịch Rosa Varella…
Diện mạo kinh tế - xã hội thị xã Đông Hòa trong những năm qua luôn đổi mới và phát triển, trong đó tiềm năng du lịch đã và đang được đánh thức trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước.