Báo Nhân Dân,

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:06:40 04/10/2024 theo đường link https://nhandan.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-cac-linh-vuc-nong-lam-nghiep-va-thuy-san-post834691.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
NDO -
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.
Tại hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Huế tổ chức.
Chiều 3/10, tại Hội trường Đại học Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ban, ngành liên quan của Trung ương và địa phương, các trường đại học, các doanh nghiệp cùng các nhà khoa học, cán bộ quản lý; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế.
Nguồn nhân lực cho các lĩnh vực còn nhiều hạn chế
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây không chỉ là giải pháp để giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giúp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Theo Tiến sĩ Vũ Thanh Mai, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Số lao động qua đào tạo được có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng 4,6%; công tác đào tạo tổ chức chưa đồng đều, chưa bao phủ hết các vùng sản xuất trọng điểm; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ quản lý có tầm tư duy chiến lược, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành, cán bộ có khả năng tham mưu, tư vấn chính sách mang tầm khu vực và quốc tế còn ít.
“Những hạn chế trên của nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong những nguyên nhân chính khiến cho năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tiến sĩ Vũ Thanh Mai nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện tại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 26% tổng số lao động trong cả nước. Trong khi đó, chỉ có chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học hàng năm đăng ký học đại học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Nếu không có giải pháp đủ mạnh, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nguy cơ không đạt được mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thông qua hội thảo khoa học lần này nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, mục tiêu, các giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý bàn nhiều giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, hội thảo sẽ nhận được những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, tập trung vào những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm nghiệp và thủy sản thời gian tới.
Nâng cao nhận thức, thúc đẩy các bên liên quan hành động
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền trung-Tây Nguyên và cả nước. Hiện nay, Đại học Huế có 13 đơn vị đào tạo gồm 8 trường đại học thành viên và 5 đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế; 9 viện, trung tâm nghiên cứu và nhà xuất bản.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Đại học Huế có 4.088 viên chức và người lao động, với 1832 giảng viên trong đó có 780 giảng viên chính và giảng viên cao cấp, 18 giáo sư, 178 phó giáo sư; 723 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ và 14 chuyên khoa 2; 1311 thạc sĩ và chuyên khoa 1 và 38 giáo sư danh dự. Với đội ngũ nhân lực dồi dào, hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Huế trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng về số lượng lẫn chất lượng, từ các công bố khoa học đến các sản phẩm ứng dụng chuyển giao.
Trong số các trường đại học thành viên của Đại học Huế, Trường đại học Nông Lâm tiền thân là Trường đại học Nông nghiệp II - Hà Bắc, được thành lập năm 1967, có sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học-công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền trung-Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, Trường đại học Nông Lâm là một trong những trường đại học hàng đầu của cả nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại hội thảo.
“Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, giảng viên Trường đại học Nông Lâm nói riêng, các trường học thành viên Đại học Huế nói chung có điều kiện tiếp cận thông tin, hợp tác, trao đổi, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm với các cơ quan quản lý, các đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương và doanh nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan”, Tiến sĩ Lê Anh Phương nhấn mạnh.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, tập trung vào những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét trong công tác đào tạo nguồn nông, lâm nghiệp và thủy sản thời gian đến.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cho rằng: "Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn liền với nông thôn, nông nghiệp. Do đó, để hiện thực hóa chủ trương về nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh, việc phát triển nguồn nhân lực trở thành yếu tố quyết định trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành nông nghiệp nông thôn".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, mặc dù lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm hơn 25% tổng số lao động của cả nước, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này tuy đông đảo nhưng vẫn còn yếu và thiếu hụt. Đặc biệt, số sinh viên đăng ký học lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học toàn quốc. Hằng năm, các trường chuyên đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chỉ tuyển sinh được dưới 50% chỉ tiêu được giao.
Gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống gần như không có hoặc rất ít sinh viên đăng ký học. Năm 2022, khối ngành đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản tuyển sinh chỉ đạt 0,86%; thú y đạt 0,51% so với tổng thí sinh trúng tuyển của các lĩnh vực, trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm).
“Đứng trước thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang có những giải pháp chính sách tích cực, kịp thời nhằm góp phần tăng cường hiệu quả cao nhất cho đào tạo năng lực của người học cũng như hiệu suất lao động sau khi tốt nghiệp. Điều này được thể hiện trong các con số của công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2024 và các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy tham luận tại hội thảo.
Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cho rằng, hội thảo khoa học hôm nay là cơ sở quan trọng để các đơn vị tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các bên liên quan hành động; đồng thời, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những quyết sách hợp lý để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Sao chép thành công