Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Đào tạo nhân viên bằng cách "bắn chun" là trái với Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 22:33:07 27/09/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/dao-tao-nhan-vien-bang-cach-ban-chun-la-trai-voi-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-20240827094844444.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hoàng Sa
Cảnh "bắn chun" vào cổ tay cô nhân viên gây phản cảm, đi ngược với các quy định trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Ngày 23/9/2024, trên mạng xã hội xuất hiện clip một CEO dùng dây chun bắt vào tay nữ nhân viên và đưa ra lời mắng mỏ xỉ vả vì cho rằng người này không hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh. Sự việc khiến dư luận bức xúc và cho rằng đây là hình ảnh đào tạo mang hình thức đa cấp rất phản cảm, đi ngược với Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Trong đoạn clip, người phụ nữ đứng trên sân khấu tỏ ra hung hăng, liên tục lớn tiếng mắng mỏ nữ nhân viên là "không xứng đáng làm người đứng đầu", "không nỗ lực", "mày là người không trung thực". Sau đó “bắn dây chun” vào cổ tay nữ nhân viên, khiến người này đau đớn bật khóc. Điều này cũng khiến hàng chục nữ nhân viên, học viên có mặt trong phòng tỏ vẻ run sợ và bật khóc theo hai người phụ nữ đang diễn trên sân khấu.
Ngay sau khi đoạn clip đó được tung lên mạng xã hội, dư luận đã xôn xao bàn tán, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, đây là chiêu trò đào tạo bán hàng mỹ phẩm giống như các hoạt động bán hàng đa cấp trước kia. Họ dùng chiêu này để thao túng tâm lý những người tham gia, khiến người tham gia tin vào những hứa hẹn đầu tư lớn, rồi tăng áp lực trong kinh doanh bằng cách bỏ tiền đầu tư thêm.
Sau màn "bắn chun" là cảnh ôm nhau khóc trên sân khấu
Chị Phan Thị Hằng, ở TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, nhận xét: “Tôi thấy chiêu trò đào tạo hệ thống kinh doanh như thế này rất phản cảm. Có lẽ nữ nhân viên bị “bắn chun” kia khóc do đau tay quá thôi. Còn người ở dưới sợ là "nạn nhân" tiếp theo nên cũng khóc trước. Họ thể hiện là doanh nhân nhưng việc làm như vậy thật không đúng với văn hóa doanh nhân. Kiếm tiền cũng quan trọng thật nhưng những không nên áp dụng những chiêu trò hành động lố lăng đi ngược với thuần phong mỹ tục”.
Sau khi clip đăng tải lên mạng xã hội và nhận về nhiều chỉ trích, người phụ nữ “bắn chun” vào cổ tay nhân viên, được cho là CEO của một thương hiệu mỹ phẩm, đã lên tiếng thanh minh về vụ việc và cho biết đây là hình ảnh khi tham gia một chương trình đào tạo đội nhóm, với vị trí khách mời. Theo cô, trò chơi "bắn chun" trong chương trình nhằm "minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh".
Người này cũng cho rằng, clip đưa lên mạng xã hội là do trợ lý của mình đã chia sẻ một đoạn video nhưng không ngờ lại tạo ý kiến trái chiều. Cô nhận định "do những ai không tham dự chương trình nên không hiểu được bối cảnh và mục đích của trò chơi".
Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Hùng Mạnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Với cách đào tạo “bắn chun vào cổ tay” hay nhiều trò khác có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của con người, thì không nên áp dụng. Bởi việc đào tạo là phải có phương pháp khoa học, chứ không thể sử dụng các hình thức hành hạ về tinh thần và thể xác để mong người được đào tạo tiến bộ trong hoạt động kinh doanh. Một người cần có sự thay đổi thì cũng phải có thời gian, lộ trình và nhiều yếu tố, chứ không thể chỉ là một trò chơi mang tính bạo lực mà nói là giúp người ta thay đổi ngay được.
Trước đó, nhóm người này từng tổ chức hành động cõng nhau đi chân trần trên hoa hồng gai đã gây phản ứng trong dư luận
Mỗi tổ chức đơn vị, doanh nghiệp đều hướng đến việc xây dựng những quy tắc, những hệ giá trị riêng, hay còn gọi là văn hóa, là bản sắc của doanh nghiệp ấy, và ở đó, không ai khuyến khích cho những hành vi mang tính bạo lực, làm tổn thương đến tinh thần và thể xác của người lao động. Họ hướng đến xây dựng một môi trường làm việc công bằng, văn minh dựa trên những giá trị chuẩn mực áp dụng cho mọi nhân viên. Đồng thời qua đó cũng đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững theo những giá trị cao đẹp mà xã hội đang hướng đến.
Ông Phùng Quang Mười (Viện Nghiên cứu Văn hóa ứng dụng) cho biết: Nhìn nhận dưới góc độ văn hóa ứng xử, thì hành động đào tạo bằng cách “bắn chun” vào tay nhân viên như trên là không phù hợp, đi ngược với những quy định về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó nêu rõ:
"Người tham gia mạng xã hội phải có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội".
"Vì vậy, qua vụ việc này, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra xác minh, và có biện pháp xử lý các hành vi trên theo các quy định của pháp luật, tránh tạo ra những thứ rác mạng, gây bức xúc trong dư luận xã hội", ông Mười cho biết.
Sao chép thành công