Nội dung liên quan Xã Yên Phú, Huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên, Tin Trong Nước
Báo Nhân Dân,
Đáp ứng nguồn cung hạt giống rau màu ở các tỉnh phía bắc
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
07:36:57 08/10/2024
theo đường link
https://nhandan.vn/dap-ung-nguon-cung-hat-giong-rau-mau-o-cac-tinh-phia-bac-post835382.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Bão số 3 và hoàn lưu bão gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất rau màu ở các tỉnh phía bắc. Những ngày qua, tranh thủ nước rút, người dân các địa phương đã tập trung khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tái sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nguồn cung cây giống, hạt giống các loại rau màu. Vườn ươm giống rau màu tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tính đến ngày 17/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại gần 51.000 ha rau màu ở các tỉnh phía bắc. Trong đó, thành phố Hà Nội thiệt hại gần 11.000 ha, Nam Ðịnh 3.800 ha, Thái Bình 3.345 ha, Hải Phòng 3.305 ha, Hải Dương 3.202 ha, Hưng Yên 2.727 ha, Lạng Sơn 2.669 ha, Tuyên Quang 2.502 ha… Gian nan tái sản xuất Xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Những ngày qua, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất của người dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Phú Nguyễn Ðình Cầu cho biết, ngày 9/9, những cánh đồng rau ở Yên Phú bắt đầu bị ngập úng. Ðến ngày 19/9, hầu hết diện tích trồng màu bị ngập nước đã rút, trong đó khoảng 50% diện tích nước đã rút hoàn toàn. Ước tính đến nay, khoảng 258 ha rau màu của xã bị thiệt hại. Sau 10 ngày ngâm trong nước, những đồng rau chuyển sang ngả vàng, thối rữa, người trồng gần như mất trắng. Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân vun luống cao, đào rãnh, hạ thấp mực nước nhằm hạn chế rễ cây bị hỏng. Ðối với những diện tích có thể phục hồi chủ yếu là các loại rau ăn lá như: Rau muống, mồng tơi, người dân đã thực hiện ngay các biện pháp tiêu úng. Ðối với diện tích rau bị thiệt hại hoàn toàn, chính quyền địa phương hướng dẫn mọi người thu gom, xử lý rau bị dập, thối, làm đất, chuẩn bị hạt giống để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú Nguyễn Hữu Hưng: Việc tái sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn. Ðất bị ngập lâu ngày bết dính, nông dân chỉ có thể dùng máy cày loại nhỏ hoặc làm đất thủ công bằng cuốc, cho nên tiến độ rất chậm. Trước đây, mỗi ngày hợp tác xã có thể dùng máy cày to làm cả vài héc-ta nhưng giờ mỗi ngày chỉ làm được 1-2 sào. Việc thuê nhân công cũng rất khó, vì hầu hết nhà nào cũng có rau màu bị ngập. Ðể bảo đảm nguồn cung rau cho thị trường, hiện hợp tác xã ưu tiên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày như: Cải ngồng, rau muống, mồng tơi. Tuy nhiên, những ngày qua, đã xảy ra tình trạng khan hiếm cây giống và hạt giống của nhiều loại rau. Trước bão số 3, nhiều hộ đã gieo giống rau vụ đông như bắp cải, su hào, cà chua… tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa bão hầu hết diện tích rau giống của Yên Phú đã bị hỏng. Hiện tại, giá cây giống tăng khá cao nhưng cũng không có để mua. Ðơn cử như giống súp lơ, cà chua, bắp cải những năm trước bán với giá 300-400 nghìn đồng/1 nghìn cây; hiện giá đã tăng lên 1 triệu 200 nghìn đồng/1 nghìn cây, cây giống xấu và không có đủ nguồn giống để mua. Do thiếu cây giống, vụ đông ở Yên Phú sẽ chậm hơn mọi năm từ 1-1,5 tháng. Ðối với các loại hạt giống rau ăn lá ngắn ngày như mồng tơi, cải ngọt, cải ngồng hiện giá tăng từ 10-15% và cũng xảy ra tình trạng khan hiếm, khó mua. Thậm chí có những loại giống như cải chíp đã cháy hàng, người dân không thể đặt mua được. Trước đây, khi lựa chọn hạt giống, hợp tác xã sẽ lựa chọn dựa vào khả năng chịu bệnh, năng suất, mẫu mã, chất lượng của cây. Hiện tại do cung không đủ cầu, cứ có hạt là cơ sở mua. Cần đáp ứng đủ nguồn cung và bình ổn giá hạt giống Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, nhu cầu giống rau các loại để khôi phục sản xuất hiện nay cần 112,5 tấn; giống ngô khoảng 1.080 tấn. Trong khi đó, kho dự trữ quốc gia chỉ có khoảng 0,25 tấn giống rau và khoảng 275,4 tấn ngô giống. Trước nhu cầu cây giống cấp bách của các địa phương, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất các tỉnh phía bắc. Theo đó, Cục Trồng trọt đề nghị các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của mưa bão. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán trong dịp này nhằm góp phần giúp nông dân vùng mưa bão giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, đối với những diện tích rau màu chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi, sau khi nước rút người dân thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp kịp thời cho thị trường khi giáp vụ. Ðối với diện tích thiệt hại nhẹ, người dân cần chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, không để nước đọng trên mặt luống. Cần dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh. Sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây. Với vùng chuyên rau màu, cần khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút, cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ đông 2024.