Nội dung liên quan Mỹ, Tin Quốc Tế

Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Để lục địa già không tụt lại phía sau

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:38:11 30/09/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/de-luc-dia-gia-khong-tut-lai-phia-sau-post391652.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
Khi châu Âu đối diện với áp lực kinh tế ngày càng gia tăng, vấn đề làm thế nào để khôi phục năng lực cạnh tranh trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Báo cáo mới đây của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi về tình trạng này đã đưa ra nhận định rõ ràng: Liên minh châu Âu (EU) đang bị tụt lại phía sau. Không chỉ bỏ lỡ cuộc cách mạng kỹ thuật số, châu Âu còn có nguy cơ rơi vào thế yếu trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, nếu không thực hiện cải cách mạnh mẽ, lục địa già sẽ đối mặt với "nguy cơ sống còn".
Lời cảnh tỉnh về nguy cơ "tụt hậu"
Trong báo cáo của mình, ông Draghi không né tránh khi cảnh báo rằng tăng trưởng của châu Âu đang tụt hậu so với Mỹ. Ông nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách toàn diện, bao gồm tăng mạnh đầu tư công - chính xác là 800 tỷ euro - để giải quyết vấn đề năng suất của châu Âu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các khuyến nghị của ông đã gây ra nhiều phản ứng trên khắp châu Âu, với sự nhiệt tình ở Rome, sự chấp nhận thận trọng ở Paris và tiếng phản đối ở Berlin.
Trong khi nhiều tít lớn tập trung vào lời kêu gọi đầu tư táo bạo của ông Draghi, ít người để ý đến chỉ trích của ông về thị trường tài chính phân mảnh của châu Âu. Theo ông Draghi, tình trạng phân mảnh này là lý do chính khiến châu Âu phải vật lộn để tài trợ cho đổi mới, khiến các công ty khởi nghiệp của châu lục phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Nếu không có thị trường vốn thống nhất, lục địa già sẽ tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. Nguồn: Bloomberg
Thực tế, ý tưởng thành lập liên minh thị trường vốn (CMU) không phải là mới. Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt vào năm 2015, kế hoạch thành lập liên minh này, do ủy viên của Vương quốc Anh tại Brussels khi đó là ông Jonathan Hill biên soạn, không đạt được nhiều tiến triển. Các chính trị gia EU, đặc biệt là những thành viên có khuynh hướng thiên tả trong Nghị viện châu Âu, vẫn còn nghi ngờ về chứng khoán hóa (một trụ cột chính trong kế hoạch), bởi họ vẫn liên tưởng khái niệm này với cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ.
Các doanh nghiệp châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài chính ngân hàng, trong khi Mỹ là nơi có hệ sinh thái vốn đầu tư mạo hiểm đang phát triển mạnh mẽ, tài trợ cho các công ty tăng trưởng mới. Tệ hơn nữa, 30% "kỳ lân" của châu Âu - các công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị 1 tỷ USD trở lên - chuyển đến Mỹ ngay khi họ đạt được sức hút trên thị trường.
Vì thế, ông Draghi kêu gọi thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hướng tới hội nhập thị trường vốn, nhấn mạnh rằng tình trạng hiện tại không còn bền vững nữa. Theo quan điểm của ông, việc EU quá phụ thuộc vào tài chính ngân hàng đang kìm hãm sự tăng trưởng và đổi mới. Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu về cải thiện các quy định tài chính chặt chẽ hơn, lập luận rằng khuôn khổ quy định hiện tại của châu Âu chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Cải cách để tăng cường năng lực cạnh tranh
Một phần quan trọng trong các khuyến nghị của cựu Chủ tịch ECB là thành lập một cơ quan quản lý chứng khoán châu Âu mạnh mẽ hơn. Hiện tại, Cơ quan Chứng khoán và thị trường châu Âu (ESMA) đóng vai trò hạn chế, chỉ giám sát các lĩnh vực cụ thể như các công ty xếp hạng tín dụng. Không giống như Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), ESMA không có thẩm quyền quản lý các sàn giao dịch chứng khoán địa phương, do đó tạo ra sự không nhất quán giữa các quốc gia thành viên, cản trở quá trình huy động vốn cho các doanh nghiệp.
Lời kêu gọi của ông Draghi về một Ủy ban Chứng khoán và giao dịch châu Âu nhắc lại các khuyến nghị trước đây của ông Jacques de Larosière, người từng lập luận về một cơ quan tương tự sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặc dù ESMA đã chứng minh được tính hữu ích của mình, nhưng đây vẫn chưa phải là cơ quan quản lý toàn châu Âu cần thiết để thúc đẩy thị trường vốn thống nhất.
Mặc dù chiến dịch thành lập cơ quan quyền lực hơn không phải là mới, nhưng nó đang trở nên mạnh mẽ hơn gần đây. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng đưa ra khuyến nghị tương tự, và việc đề xuất này có mặt trong báo cáo của Draghi đã chính thức đặt nó vào chương trình nghị sự của Ủy ban mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Khó khăn vẫn ở phía trước
Tuy nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy, nhưng thách thức vẫn nằm ở lĩnh vực chính trị. Việc thành lập một cơ quan quản lý chứng khoán châu Âu toàn quyền với đầy đủ các quyền hạn như đã đề xuất có thể sẽ đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước, vốn là bước đi mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu không muốn thực hiện. Việc sửa đổi các hiệp ước nền tảng của EU có thể mở ra các cuộc tranh luận gây tranh cãi mà nhiều quốc gia muốn tránh. Hơn nữa, một số nước sẽ cần tổ chức trưng cầu dân ý để phê chuẩn thay đổi, có khả năng làm nảy sinh các phong trào phản đối EU gợi nhớ đến Brexit. Trong khi đó, hầu hết các cuộc trưng cầu dân ý về hội nhập châu Âu đều thất bại ngay từ lần đầu tiên.
Bất chấp những thách thức đó, ông Draghi lập luận rằng vẫn có thể đạt được tiến bộ đáng kể mà không cần thay đổi hiệp ước. Một trong những đề xuất chính của ông là cải cách cơ cấu quản trị của ESMA, khiến nó giống với cơ cấu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hơn. Bằng cách thành lập một cơ quan quản lý tập trung vào lợi ích của châu Âu thay vì lợi ích quốc gia, ESMA có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát các thị trường vốn trên khắp châu Âu. Cụ thể, hội đồng của nó sẽ do các đại diện từ các cơ quan quản lý của quốc gia thành viên chi phối, trong khi ban giám đốc của ECB bao gồm 6 thành viên được yêu cầu hành động vì lợi ích của châu Âu, không phải lợi ích của quốc gia họ.
Ngoài ra, các sàn giao dịch chứng khoán và hệ thống thanh toán bù trừ của châu Âu có thể được đưa vào sự giám sát của ESMA, mặc dù động thái như vậy chắc chắn sẽ vấp phải một số phản đối. Chẳng hạn, liệu Pháp có cho phép Bourse de Pris (Sở giao dịch chứng khoán Paris) nằm dưới sự quản lý của một cơ quan châu Âu, ngay cả cơ quan này có trụ sở tại Paris không? Trong khi đó, Chính phủ Đức đã công khai phản đối việc sáp nhập xuyên biên giới giữa UniCredit và Commerzbank. Vì vậy, khả năng họ cho phép Deutsche Börse - cơ quan điều hành các sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Đức, được giám sát bởi một cơ quan quản lý siêu quốc gia là không cao.
Nói chung, theo các nhà quan sát, tương lai của sức cạnh tranh châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo EU sẽ sẵn sàng gạt bỏ các cân nhắc quốc gia để ủng hộ liên minh thị trường vốn như thế nào. Những tháng tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu châu Âu có thể vượt qua được những chia rẽ nội bộ để khôi phục vị thế của mình trên sân khấu kinh tế toàn cầu hay không. Nếu không thực hiện cải cách đáng kể, lục địa già không chỉ có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh, mà còn mất đi sức mạnh trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa và công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Ngọc Minh (Theo PS)
Sao chép thành công