Báo Công An Nhân Dân,

Đề nghị cho thanh toán trước quỹ đất để gỡ vướng cho dự án chống ngập 10 nghìn tỷ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 19:20:18 28/09/2024 theo đường link https://cand.com.vn/Xa-hoi/de-nghi-cho-thanh-toan-truoc-quy-dat-de-go-vuong-cho-du-an-chong-ngap-10-nghin-ty-i745478/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 24/9 vừa qua về phương án tháo gỡ vướng mắc cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ) đã bị "đắp chiếu" nhiều năm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết dự án đã thi công đạt trên 90% khối lượng. Trong đó các hạng mục quan trọng như cống Bến Nghé đã đạt 97% khối lượng, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%...
Đến nay tổng vốn đầu tư dùng để thanh toán cho nhà thầu sau khi dự án hoàn thành đã vượt qua con số 10 nghìn tỷ đồng và mức vốn đầu tư này đã khiến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Để tháo gỡ tình trạng trên, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất phương án thực hiện và báo cáo Chính phủ trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về nguyên nhân dẫn đến việc không có nguồn vốn để hoàn thành công trình, theo ông Mãi là do ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn. Cũng do dự án chưa được thanh toán nên BIDV vẫn chưa thể giải ngân cho nhà đầu tư.
Để giải quyết vấn đề vốn, vào tháng 6 UBND thành phố đã kiến nghị Tổ công tác của Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành nghị quyết để chấp thuận cho thành phố được thực hiện phương án ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty đầu tư tài chính Nhà nước thành phố cho nhà đầu tư dự án vay để hoàn thành công trình. Tuy vậy, tháng 8 vừa qua Tổ công tác của Chính phủ cho rằng kiến nghị này không phù hợp quy định pháp luật.
Một công trình cống kiểm soát triều của dự án chống ngập 10 nghìn tỷ.
Sau khi phân tích các thiếu sót về thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và phương án thanh toán cho nhà đầu tư, người đứng đầu UBND thành phố cho rằng để khắc phục vấn đề này cần phải điều chỉnh phương án thanh toán của hợp đồng BT đã ký kết. Việc này được thực hiện theo cách thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị dự án BT đã hoàn thành theo tiến độ. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng về nội dung này, Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ sẽ cơ bản khắc phục được các thiếu sót. Khi đó UBND thành phố thực hiện trình tự thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư như các dự án BT thông thường.
Do việc điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, nên ông Mãi cũng đề nghị Chính phủ cho thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, dự án sẽ cơ bản được khắc phục các thiếu sót và đây là cơ sở để TP Hồ Chí Minh có thể bắt đầu thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Việc này sẽ giải quyết được nguồn vốn để nhà đầu tư hoàn thành dự án, đồng thời giảm bớt chi phí lãi vay phát sinh trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Theo ông Mãi, vào ngày 20/9 vừa qua ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã có tờ trình báo cáo xin ý kiến và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua phương án này.
Vốn đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tăng gần gấp đôi sau nhiều năm bị "treo"
Mặc dù ngay từ năm 2002, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm nhưng do chưa thể triển khai nên dự án đã bị "treo" nhiều năm. Đến năm 2017 dự án đã được UBND quận Bình Thạnh đưa vào trong kế hoạch sử dụng đất của quận, nhưng đã tiếp tục phải dừng lại đến nay. Ngày 27/9, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu đã biểu quyết việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này. Theo đó, HĐND thành phố phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 9.664 tỷ đồng lên hơn 17.229 tỷ đồng. Mức vốn đầu tư này gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật với số tiền hơn 13.937 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.729 tỷ đồng, còn lại là các khoản chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí dự phòng.
HĐND thành phố cũng đã quyết định điều chỉnh việc bố trí vốn cho dự án ngay trong giai đoạn 2021-2025 với số tiền lên đến hơn 15.476 tỷ đồng, phần còn lại được bố trí cho giai đoạn sau 2025.
Theo UBND thành phố, trong số hơn 7.565 tỷ đồng vốn đầu tư tăng thêm của dự án này, đã có hơn 7.353 tỷ đồng dành cho chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật, phần chi phí xây dựng chỉ tăng hơn 294 tỷ đồng. Nguyên nhân làm tăng mức vốn đầu tư cho dự án được UBND lý giải trước HĐND là do các địa phương áp dụng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 và Nghị định số 88/2024 của Chính phủ dẫn đến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư tăng lên. Với mức vốn đầu tư lớn như vậy, HĐND thành phố đã giao UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội về tình hình triển khai dự án, nhất là các vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng cấp quốc gia. (Bảo Sơn)
Sao chép thành công