Báo Điện tử Chính phủ,

Đề nghị IAEA hỗ trợ dự án lò nghiên cứu hạt nhân mới của Việt Nam

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 16:34:41 20/09/2024 theo đường link https://baochinhphu.vn/de-nghi-iaea-ho-tro-du-an-lo-nghien-cuu-hat-nhan-moi-cua-viet-nam-102240919102555732.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Chinhphu.vn) - Việt Nam hiện vận hành lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt và đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới, củng cố cam kết của Việt Nam đối với việc ứng dụng năng lượng hạt nhân cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Phiên toàn thể của Khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng IAEA
Tin từ Bộ KH&CN cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16-18/9, tại Vienna (Áo), Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tại Hội nghị toàn thể, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đã nhấn mạnh những ưu tiên hàng đầu của IAEA. Ông Rafael Mariano Grossi cho biết, IAEA tập trung vào việc củng cố và ngăn chặn sự suy thoái của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân, cơ chế này đã góp phần duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu suốt hơn nửa thế kỷ.
Bên cạnh đó, IAEA cũng giải quyết các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và những bất công kéo dài liên quan đến nghèo đói và bệnh tật.
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của IAEA trong việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vì sự phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu thông qua các sáng kiến của IAEA, như dự án ZODIAC (kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, NUTEC Plastic (quan trắc và giảm thiểu vi nhựa trong đại dương), Atoms4Food (tăng cường sản xuất lương thực và an toàn thực phẩm) và Rays of Hope (kiểm soát và giảm thiểu ung thư).
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Việt Nam hiện vận hành lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt và đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới, củng cố cam kết của Việt Nam đối với việc ứng dụng năng lượng hạt nhân cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật thúc đẩy Chương trình Phát triển an toàn Lò phản ứng. Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với IAEA trong việc tư vấn, phát triển nguồn nhân lực và nhiều lĩnh vực khác để đảm bảo thành công của dự án.
Đoàn Việt Nam làm việc với Phó Tổng Giám đốc IAEA Lydie Evrard và cán bộ của IAEA
Cũng trong khuôn khổ Khóa họp, Thứ trưởng Lê Xuân Định đã có buổi làm việc với bà Lydie Evrard, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng ban An toàn và An ninh hạt nhân.
Thứ trưởng cảm ơn IAEA đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ cho Việt Nam nhiều năm qua trong tăng cường năng lực kỹ thuật của quốc gia nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử bảo đảm an toàn, an ninh và vì mục đích hòa bình.
Chia sẻ về dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân tại tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, đây là dự án quan trọng, sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử và ứng dụng bức xạ ở Việt Nam trong nhiều năm tới. Việt Nam đề nghị IAEA phối hợp hỗ trợ trong việc thẩm định thiết kế cơ sở của lò phản ứng và các báo cáo phân tích an toàn liên quan đến địa điểm và FS của dự án.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ KH&CN đang được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Những điều chỉnh và bổ sung sẽ tập trung vào cập nhật các chính sách và quy định liên quan đến việc nội luật hóa các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân mà Việt Nam đã ký kết.
Bộ KH&CN cũng đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược theo "Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" sau khi được phê duyệt.
Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, Việt Nam trân trọng sự trợ giúp của IAEA nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong tăng cường năng lực và hoàn thiện thể chế quốc gia về an ninh hạt nhân.
Hỗ trợ này bao gồm việc lắp đặt hệ thống Cổng giám sát phóng xạ (RPM) tại các sân bay quốc tế và việc thực hiện Phái đoàn Đánh giá an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) tại Việt Nam (tháng 3/2023), rà soát cập nhật bản Kế hoạch an ninh hạt nhân bền vững tích hợp (INSSP) (tháng 11/2024), đã giúp xác định các nhu cầu cụ thể và các hoạt động trong tương lai để hỗ trợ việc phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các hành vi trái phép liên quan đến các vật liệu nằm ngoài kiểm soát pháp quy (MORC).
Việt Nam đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động thực hiện INSSP giai đoạn 2024-2027 và cam kết tiếp tục phối hợp với Ban Thanh sát hạt nhân IAEA tiến hành các hoạt động thanh sát hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp định thanh sát hạt nhân toàn diện (CSA) và Nghị định thư bổ sung (AP).
Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị IAEA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong khai thác phương pháp luận và các công cụ của Dự án quốc tế về đổi mới các lò phản ứng hạt nhân và các chu trình nhiên liệu (INPRO) cho nghiên cứu đề xuất kế hoạch sử dụng bền vững năng lượng hạt nhân.
Phó Tổng Giám đốc Lydie Evrard khẳng định IAEA luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn và an ninh, đặc biệt đối với các nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam đang triển khai, đồng thời bà cũng giao các đơn vị liên quan của IAEA trực tiếp làm việc với Việt Nam để triển khai các nhiệm vụ đã có trong kế hoạch.
* Như Báo điện tử Chính phủ đã đưa, dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân có cấu phần chính của trung tâm này là lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng trên diện tích 100 ha tại TP. Long Khánh (Đồng Nai).
Hiện nay, công tác rà soát bom mìn tại địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân đã thực hiện xong. Tới đây, các đơn vị chức năng sẽ khoan khảo sát dưới lòng đất để lấy số liệu đánh giá độ nguy hiểm động đất, từ đó đưa ra phương án thiết kế lò.
Ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh là: Sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu tiên tiến, thúc đẩy đưa ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các lĩnh vực đời sống xã hội.
Hoàng Giang
Sao chép thành công