Ảnh minh họa.
Nam miền Bắc
Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
(PLVN) - Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 xảy ra tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố.
17 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Che giấu tội phạm”. Các bị can gồm Trần Tùng (SN 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên); Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt); Lê Thị Phượng (SN 1969, cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương); Nguyễn Văn Văn (SN 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam); Lê Ngọc Tường (SN 1979, cựu Phó Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam)…
Theo KLĐT, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được lãnh đạo các cấp, ban ngành và dư luận đặc biệt quan tâm.
Hành vi của các bị can đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan Nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch COVID-19 cần đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nói riêng; xâm phạm hoạt động đúng đắn của các Cơ quan tư pháp, che giấu hành vi phạm tội, gây cản trở quá trình điều tra; làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Do đó, cần phải đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Tại giai đoạn 2 vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã điều tra triệt để, khách quan, làm rõ toàn bộ hành vi, phương thức thủ đoạn, bản chất hành vi phạm tội của các bị can, cũng như các dấu hiệu sai phạm khác có liên quan. Đến nay, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã hoàn thành việc điều tra vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, đủ căn cứ kết luận và đề nghị truy tố các bị can theo quy định của pháp luật.
Tài liệu điều tra thể hiện, tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3/2020, Chính phủ tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4/2020, Chính phủ tiếp tục tổ chức một số chuyến bay chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở Quân đội (chuyến bay “Giải cứu”).
Do nhu cầu công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, từ tháng 2/2020 đến 29/4/2021, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Tổ công tác 4 Bộ (do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng) xây dựng kế hoạch triển khai, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét, quyết định kế hoạch tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước theo tháng/quý.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, giao thẩm quyền quyết định phê duyệt các chuyến bay cho Tổ công tác 5 Bộ (bổ sung thêm Bộ Công an). Việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước được thực hiện dưới 3 hình thức: Chuyến bay do Cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức đưa công dân về nước cách ly tại cơ sở Quân đội (gọi tắt là chuyến bay “Giải cứu”); Song song với các chuyến bay giải cứu, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay thí điểm, hình thức trọn gói đón công dân Việt Nam về nước bằng kinh phí tự nguyện của công dân (gọi tắt là chuyến bay “Combo”); Chuyến bay đơn lẻ, phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.
Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa, nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương. Trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa hối lộ, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Có bị can còn lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của Cơ quan chức năng.