Báo Khánh Hòa điện tử,

Đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:46:05 06/10/2024 theo đường link https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/hoat-dong-lanh-dao-trung-uong/202410/de-xuat-co-che-dac-thu-dac-biet-cho-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-b1f7d6b/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam với hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn, tiết kiệm kinh phí nhất, triển khai nhanh nhất có thể, sớm phục vụ phát triển đất nước…
Sáng 5/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Cùng dự có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thông qua, giao Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải, cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Trên cơ sở đó, đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với chiều dài 1.541km, thiết kế với tốc độ 350km/h; trên tuyến bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, xuất phát từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh; tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu sau khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan đang tích cực xây dựng các dự án, triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc gồm tuyến: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Trong đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380km, dự kiến quy mô khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,6 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chiều dài khoảng 156km, dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,0 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 187km, dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7,0 tỷ USD.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đối với phát triển đất nước; phân tích bối cảnh tình hình đất nước, kinh nghiệm quốc tế trong đầu tư, vận hành, hiệu quả kinh tế - xã hội…; các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương của Trung ương, đặc biệt đề xuất cần cơ chế đặc thù về huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Các đại biểu cũng có ý kiến về hướng tuyến, định mức đầu tư, công nghệ; phát triển ngành công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, vận hành hệ thống đường sắt…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Cho biết Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương và những nội dung cơ bản về dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ chủ trì và các bộ, cơ quan liên quan bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu tối đa các ý kiến của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trước ngày 20/10/2024 để trình Quốc hội, với tinh thần “nghiên cứu kỹ càng, triển khai nhanh chóng”.
Cho biết Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, với vận tốc thiết kế 350km/h; là đường sắt lưỡng dụng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, phân tích rõ hiệu quả của dự án, không chỉ về mặt kinh tế, phải đánh giá hiệu quả tổng hợp.
Do đó, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam với hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn, tiết kiệm kinh phí nhất, triển khai nhanh nhất có thể, sớm phục vụ phát triển đất nước…
Bố trí các ga và xây dựng các ga phù hợp, phát huy công năng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng các địa phương và cả khu vực, có tầm nhìn xa, nhưng tránh lãng phí.
Tuyến đường sắt này phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, đảm bảo tính kết nối với các hạ tầng, phương thức giao thông khác như hàng không, hàng hải; kế nối các hành lang kinh tế trong nước và kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo chính xác nhất có thể; rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, các chính sách đặc thù về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng… với phương châm “thủ tục phải rút gọn, thi công rút ngắn”.
Trong đó, đề xuất các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước; những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ giao Thường trực Chính phủ chủ trì.
Về nguồn lực, phải đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hóa các động nguồn lực gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương; nguồn lực từ phát hành trái phiếu, nguồn vốn vay và các nguồn lực hợp pháp khác. Cùng với nguồn lực tài chính, huy động tổng lực nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.
Về tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, trong đó Tổ giúp việc có vai trò quan trọng, phải chỉ định 1 Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chuyên trách việc này, không cứng nhắc vì khi tình hình thay đổi phải thay đổi biện pháp thực hiện. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản trị để xây dựng, quản lý, vận hành tuyến đường sắt an toàn, khoa học, hiệu quả cao nhất.
Sao chép thành công