Báo Sức Khỏe & Đời Sống,

Đề xuất mỗi thôn bản có một nhà an toàn để người dân tránh trú khi thiên tai

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 09:01:23 03/10/2024 theo đường link https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-moi-thon-ban-co-mot-nha-an-toan-de-nguoi-dan-tranh-tru-khi-thien-tai-169241003072510625.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
SKĐS - Chuyên gia đề xuất, tại thôn bản có nguy cơ cao có thể xây dựng một nhà an toàn cho người dân để khi xuất hiện nguy cơ, người dân có thể lánh nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Vào cuối giờ chiều ngày 2/10/2024, một số trang truyền thông trên mạng xã hội đã đưa tin “Ba Vì vừa xảy ra sạt lở tại đường lên Đền Thượng - Vườn quốc gia Ba Vì”.
Cần xây dựng bản đồ nguy cơ cao sạt lở Cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu của bão vừa qua đã "đổ" xuống các tỉnh, thành phố phía Bắc một lượng mưa khổng lồ, gây ra lũ quét, sạt lở đất đá nghiêm trọng. Trong đó, thảm họa sạt lở vùi lấp thôn Làng Nủ (ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã gây thiệt hại khủng khiếp về người và của.
Sau vụ việc trên, giới chuyên gia địa chất đã nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu và khuyến nghị Nhà nước cần nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm; các địa phương cần khẩn thiết trồng rừng, gia cường ổn định mái dốc tại các khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở - bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày khốc liệt, nguy cơ nhiều "thảm họa Làng Nủ" sẽ còn xảy ra.
Lũ bùn đá san phẳng Làng Nủ, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng.
Theo GS. Đỗ Minh Đức, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, hiện tượng phát triển rừng sản xuất, trồng cây keo lai ở vùng đất dốc dẫn đến nguy cơ hình thành khối trượt quy mô lớn, đặc biệt là ở miền Trung. Ông đề xuất để phòng tránh lũ bùn đá, cần rà soát thường xuyên hệ thống sông suối, thành lập các tổ đội xung kích, nếu phát hiện cây cối đất đá lấp dòng chảy cần nhanh chóng khai thông.
Giải pháp căn cơ hơn, theo GS Đức, cần xây dựng hệ thống bản đồ, từ đó khoanh định các khu vực có rủi ro cao với các loại hình trượt lở, lũ quét khác nhau. Tuy nhiên, ông Đức lưu ý, nếu chỉ có bản đồ tai biến địa chất thì không thể tính toán được tác động của thiên tai. Cần phải kết nối bản đồ tai biến này với các thông tin về dân cư, hạ tầng trong khu vực. Trên cơ sở đó, xây dựng được kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố.
Các nhà khoa học cho rằng, việc cảnh báo mưa cực đoan là rất quan trọng. Theo GS. Đức, mạng lưới đo mưa ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đủ dày. Những xã trọng điểm có nguy cơ cao nên có ít nhất một trạm đo mưa, đồng thời cần nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo nguy cơ mưa lớn cực đoan trong phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc, nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
GS. Đức đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề truyền thông hiệu quả cho người dân trong vùng nguy cơ cao. "Khi chúng tôi làm việc với người dân và chính quyền địa phương nhận thấy, việc truyền thông cực kỳ quan trọng để người dân sống ở vùng nguy cơ có thể hiểu, nắm bắt và thực hiện được các kịch bản ứng phó", ông nói.
Một số giải pháp lâu dài khác được các chuyên gia đề cập như bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn; xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện trong vùng có rủi ro trượt lở, có xét đến thiên tai cực đoan trong biến đổi khí hậu.
Cần có nhà an toàn để người dân lánh nạn PGS.TS Tạ Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam cho biết, chúng ta đã xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm tương đối đầy đủ đến tận xã, thôn bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong cảnh báo sớm như mạng lưới đo mưa còn mỏng, chưa dự báo được mưa cực đoan trong diện rất hẹp. Đặc biệt, cả Việt Nam cũng như thế giới đều chưa thể dự báo chính xác ở thời điểm cụ thể nào, tại vị trí cụ thể nào có thể xảy ra lũ quét hay trượt lở đất.
PGSTS Nguyễn Châu Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện có một số giải pháp công nghệ tiên tiến hỗ trợ công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đã được ứng dụng, như tại Nhật Bản, ở vùng nguy cơ cao, họ lắp thiết bị đo rung động dọc các suối, thực hiện biện pháp công trình, làm đập hở, khi dòng lũ đi qua thì nước đi qua, giữ bùn đá lại. Công nghệ này cũng bắt đầu được áp dụng ở Việt Nam, tuy nhiên đây là những giải pháp rất tốn kém, cần nguồn lực và mức đầu tư rất lớn.
PGS Lân khuyến cáo, không chỉ tại Lào Cai, nhiều địa phương ở vùng núi phía Bắc cũng đang đối mặt với nguy cơ trượt lở/lũ bùn đá. Ông kiến nghị trước mắt cần xác định khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để tìm cách phòng tránh an toàn. Đối với các khu vực đã hình thành vết nứt cần sử dụng ngay các giải pháp công trình như che phủ bạt để không cho nước ngấm vào khe nứt, đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước hoặc thoát nước ngang khu vực mái dốc.
Theo GS.TS Đỗ Minh Đức, Làng Nủ không phải hiện tượng cá biệt, nhiều khu vực ở vùng núi nước ta có điều kiện địa hình, địa chất và đặc điểm phân bố dân cư tương tự. Với đặc điểm địa chất phong hóa mạnh kết hợp với mưa lớn cực đoan, rất nhiều nơi có nguy cơ lớn về trượt lở/lũ bùn đá.
Theo GS. Đức, hiện tượng trượt lở/lũ bùn đá từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, thể hiện rất rõ qua những dòng suối uốn cong nhiều lần. Những khu vực làng bản sống ở những vùng đất thấp, gần những nơi có suối uốn cong có nguy cơ cao. "Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế ở Làng Nủ nhận thấy gần đó có những thôn bản xuất hiện nguy cơ tương tự. Việc tái định cư an toàn cần thực hiện ở cả những thôn bản này", GS. Đức đề xuất.
PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhấn mạnh việc xác định vị trí an toàn để bà con định cư là rất quan trọng. Ngay tại Làng Nủ, khi thảm họa xảy ra vẫn có những ngôi nhà an toàn do xây dựng ở vị trí khá cao. Nhiều thảm họa lũ bùn đá khác từng xảy ra nhưng thiệt hại được giảm thiểu do vị trí xây dựng nhà dân.
Theo PGS. Lân, việc tìm ra các vị trí an toàn cho người dân là rất khó khăn do vừa đảm bảo yếu tố an toàn, đồng thời phải đảm bảo canh tác gần những con suối. Tại thôn bản có nguy cơ cao có thể xây dựng một nhà an toàn cho người dân để khi xuất hiện nguy cơ, người dân có thể lánh nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Sao chép thành công