Phòng CSGT công an tỉnh Lào Cai ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Ảnh minh họa: Nguyễn Hải).
(PLVN) - Đây là một trong những nội dung mà Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ở lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, qua thực tiễn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm TTATGT đường bộ.
Cụ thể, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm liên tiếp trong những năm gần đây; năm 2023, đường bộ xảy ra 22.391 vụ so với cùng kỳ giảm 1.287 vụ; tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, đường bộ xảy ra 12.257 vụ, so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.654 vụ. Tuy nhiên, tình hình TTATGT đường bộ vẫn diễn biến phức tạp; xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ vẫn còn diễn ra phổ biến; vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, tình trạng lùi xe, đi ngược chiều, đỗ xe trên đường cao tốc, xe mô tô đi vào đường cao tốc, dừng, đón trả khách; nhận và trả hàng trên đường cao tốc, tình trạng chở quá số người quy định, đặc biệt là chở quá số người trong dịp lễ, Tết vẫn diễn ra; các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện vẫn xảy ra nhiều... Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều loại hình phương tiện giao thông đường bộ mới được đưa vào sử dụng nên cần phải có quy định bao quát, đầy đủ hơn…
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi GPLX là hết sức cần thiết.
Quy định 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm GPLX
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm. Những hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm gồm điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35km/h, lùi xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc, đây là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; nhóm hành vi gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không sang tên chuyển chủ.
Cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, quy định này được quy định để phù hợp với Luật TTATGT đường bộ theo hướng: Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX; nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được theo dõi, quản lý, lưu trữ trên môi trường điện tử, trong cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính TTATGT do Cục Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành.
Đề xuất nâng mức phạt lên 30-40 triệu đồng với hành vi lái xe đi lùi, đi ngược chiều trên đường cao tốc
Cụ thể, Cơ quan chủ trì soạn thảo quy định, đối với hành vi lái xe ô tô đi ngược chiều và lùi xe trên đường cao tốc, đề xuất nâng mức phạt lên 30-40 triệu đồng (tại dự thảo hồi tháng 8 và quy định đang có hiệu lực, tài xế lái xe đi lùi hoặc đi ngược chiều trên đường cao tốc bị phạt từ 16-18 triệu đồng). Đồng thời, tài xế vi phạm bị trừ toàn bộ 12 điểm GPLX. Mức phạt này bằng với vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng cao nhất.
Cùng với đó, Bộ Công an cũng đề xuất giữ nguyên mức phạt tiền từ 10-12 triệu và trừ 6 điểm (dự thảo trước đó đề xuất trừ 3 điểm) GPLX đối với người điều khiển ô tô có hành vi: Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe theo quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Theo quy định tại Luật TTATGT đường bộ, mỗi GPLX có 12 điểm. Nếu bị trừ hết điểm, người có GPLX sẽ không được điều khiển phương tiện theo loại GPLX đó trong 6 tháng kể từ ngày hết điểm. Sau 6 tháng, để có thể được điều khiển lại phương tiện, người sở hữu GPLX hết điểm phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về Trật tự an toàn giao thông đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.
Nâng mức phạt tài xế vượt đèn đỏ, đi ngược chiều
Theo dự thảo mới nhất, Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức phạt thành 6-8 triệu đồng (so với mức đang áp dụng là 4-6 triệu đồng) và trừ 3-4 điểm đối với nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đó là những hành vi gồm: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cho rằng cần tịch thu phương tiện là xe máy đối với người vi phạm các lỗi như: Buông cả hai tay khi điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh. Đồng thời, các hành vi này sẽ bị trừ hết 12 điểm bằng lái xe.
Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất nâng mức phạt thành 2-3 triệu đồng (thay vì 800.000 - 1 triệu) và trừ 4 điểm GPLX nếu tài xế lái xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.