Nội dung liên quan Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế, Tin Trong Nước
Báo điện tử Tổ Quốc,
Đến Quần thể Di tích Cố đô Huế, khám phá loạt Bảo vật quốc gia quý giá
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
03:50:39 04/10/2024
theo đường link
https://toquoc.vn/den-quan-the-di-tich-co-do-hue-kham-pha-loat-bao-vat-quoc-gia-quy-gia-20241003000431067.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Ngoài đền đài, lăng tẩm, đến với Quần thể Di tích Cố đô Huế, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về hệ thống các hiện vật, cổ vật vô cùng đồ sộ. Nhiều hiện vật trong số này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Là kinh đô của nhà Nguyễn (1802-1945) – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, Cố đô Huế ngày nay vẫn giữ trong mình những di sản vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm. Ngoài đền đài, lăng tẩm với những nét đặc trưng riêng có, đến với Quần thể Di tích Cố đô Huế, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về hệ thống các hiện vật, cổ vật vô cùng đồ sộ với đầy đủ loại hình, kiểu cách, chất liệu… Đặc biệt, nhiều hiện vật trong số này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Bảo vật quốc gia "Cửu Đỉnh" được đặt tại Thế Miếu (Đại Nội Huế). Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện đơn vị này đang quản lý 8 hiện vật/bộ hiện vật (với 33 hiện vật đơn lẻ) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm: Cửu vị thần công, Cửu đỉnh, Bộ sưu tập vạc đồng, Ngai vua triều Nguyễn, Áo tế Giao, Bia Khiêm Cung Ký, Đại Hồng Chung, Bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự. Trong số các hiện vật/bộ hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, chỉ có hiện vật Áo tế giao là được bảo quản tại kho cổ vật Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, các hiện vật còn lại đều được trưng bày phục vụ du khách. Tại các điểm trưng bày, bên cạnh đặt biển giới thiệu tại chỗ, đơn vị quản lý di tích đồng thời gắn mã QR code để du khách có thể truy cập thông tin, tìm hiểu sâu hơn về hiện vật. Toàn bộ các Bảo vật quốc gia đều được số hóa 3D để phục vụ việc quản lý và phát huy giá trị. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã xuất bản ấn phẩm "Bảo vật quốc gia thời Nguyễn tại Huế" để giới thiệu rộng rãi về các Bảo vật quốc gia do đơn vị quản lý đến với đông đảo người dân, du khách. Có chuyến tham quan tại Kinh thành Huế, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (du khách TPHCM) bất ngờ và ấn tượng với hệ thống các Bảo vật quốc gia đang được trưng bày, giới thiệu tại đây. Theo chị Minh Tâm, đa số các bảo vật này đều có kích thước lớn, được bố trí trưng bày ở không gian mở, như Cửu vị thần công đặt tại cửa Quảng Đức và Thể Nhơn; Cửu Đỉnh đặt ở sân Thế Miếu; Bộ sưu tập vạc đồng được đặt rải rác ở điện Cần Chánh, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung… Tại các điểm đặt các Bảo vật Quốc gia đều gắn các mã QR code kèm theo, rất tiện lợi cho du khách khi muốn tìm hiểu các thông tin liên quan. Du khách tìm hiểu về Bảo vật quốc gia "Cửu vị thần công" khi tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế. "Đến đây rồi mới thấy, ngoài đền đài, lăng tẩm thì Huế cũng đang lưu giữ nhiều bảo vật vô cùng quý giá. Mỗi Bảo vật quốc gia đã được công nhận đều mang trong mình những câu chuyện, những giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa của một triều đại đã từng kéo dài dưới sự trị vì của 13 vị vua. Các Bảo vật Quốc gia tại Huế rất đáng để du khách tìm đến để khám phá và tìm hiểu", chị Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, để phát huy giá trị của các hiện vật, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành số hóa 3D, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, trưng bày hiện vật. Thường xuyên quảng bá hình ảnh hiện vật và Bảo vật quốc gia trên các phương tiện thông tin, giới thiệu qua các bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các vị truyền thông làm phim truyền hình về các bảo vật, giới thiệu trên truyền thông quốc tế. Đưa thông tin và giá trị các hiện vật, Bảo vật quốc gia vào chương trình Giáo dục di sản nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu biết về nguồn gốc lịch sử, giá trị của bảo vật, để các em có ý thức gìn giữ góp phần vào công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị của bảo vật. Ngoài 8 hiện vật/bộ hiện vật (33 hiện vật đơn lẻ) đã được công nhận, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia cho 4 bộ hiện vật, gồm: Ngai vua Duy Tân, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Cặp rồng chầu thời vua Thiệu Trị, tại sân Duyệt Thị Đường; Chuông Ngọ Môn thời vua Minh Mạng, tại lầu Ngũ Phụng và Bức phù điêu thời vua Minh Mạng, đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Lê Chung