Báo SGGP Online,

Điện ảnh - Du lịch: Đừng để tiềm năng mãi "tiềm ẩn" - Bài 2: Điển hình… lẻ loi

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 19:32:53 03/10/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/dien-anh-du-lich-dung-de-tiem-nang-mai-tiem-an-bai-2-dien-hinh-le-loi-post761839.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Điện ảnh là công cụ hiệu quả để quảng bá và thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng lớn của các địa phương, hiệu quả khai thác còn hạn chế.
Nổi nhanh, quên lãng cũng nhanh
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhận định, điện ảnh Việt Nam gần đây đã cho ra nhiều bộ phim ấn tượng, thu hút sự chú ý. Nhiều phim trường lớn đã được hình thành, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành văn hóa và du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực, các cảnh đẹp trong phim vẫn chủ yếu đóng vai trò bối cảnh đơn thuần, làm nền cho nội dung phim, chưa thực sự phục vụ mục đích quảng bá du lịch. Nhiều vùng đất tiềm năng vẫn chưa được khai thác hiệu quả, và việc quảng bá điểm đến qua điện ảnh vẫn dừng lại ở một số ví dụ nhỏ lẻ.
Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt được đoàn phim “Hạnh phúc máu” cải tạo, sau quay phim bàn giao lại cho địa phương
Thực tế cho thấy, nhiều bối cảnh phim nổi lên mạnh mẽ sau bộ phim nhưng lại nhanh chóng bị quên lãng. Điển hình như cây cô đơn (hay còn gọi là cây vông đồng, nằm ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Sau khi bộ phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ gây sốt, cây cô đơn này thậm chí còn được đặt tên là “cây mắt biếc”, có biển chỉ dẫn cho du khách đến thăm. Nhưng sau một thời gian trở thành điểm check-in nhộn nhịp, nơi này cũng đã hạ nhiệt do không còn cảnh quan, dịch vụ nào khác… ngoài cây cô đơn. Điều này đặt ra bài toán, làm thế nào để tạo ra sự thu hút bền vững ở các địa điểm đã xuất hiện trong các bộ phim.
Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Giang, chia sẻ, vùng đất này có nhiều lợi thế như cảnh đẹp và văn hóa phong phú, nên thường được chọn làm bối cảnh cho các bộ phim, mà nổi bật có thể kể đến là Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, khởi chiếu năm 2006).
Trong 2 thập niên qua, phim trường nhà của Pao vẫn là điểm đến không thể thiếu khi du khách đến Hà Giang. Gần đây, 2 bộ phim Tết ở làng địa ngục và Kẻ ăn hồn cũng góp phần đưa ngôi làng cổ Sảo Há (xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, vốn là nơi không điện, không nước, không sóng điện thoại, quanh năm bị bao phủ bởi sương mù lạnh lẽo) đã trở thành điểm du lịch khám phá, “chữa lành”, thu hút nhiều du khách.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoài cũng thẳng thắn: Hà Giang là viên ngọc quý còn thô sơ. Dù là địa phương có cảnh quan thiên nhiên đẹp và văn hóa dân tộc đa dạng nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến sản xuất.
Hà Giang không phải là địa phương cá biệt, khi nhiều tỉnh thành khác có không ít danh thắng nổi tiếng nhưng cũng chưa một lần có cơ hội hiện lên màn ảnh rộng, chưa nói đến việc tạo tiếng vang. Theo nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền, các nhà làm phim luôn muốn bối cảnh đẹp, mới mẻ nhưng việc đi tìm kiếm khá nan giải. Chị dẫn chứng là phải “mò mẫm” qua 22 tỉnh, thông qua nhiều mối quan hệ mới chọn được 6 tỉnh làm bối cảnh cho bộ phim Kiều.
"Sự kết hợp giữa văn hóa, du lịch và điện ảnh tạo ra hiệu quả cao và cần được quy hoạch lâu dài. CineV Studio mới triển khai thí điểm mô hình phim trường ngoại cảnh để hoàn thiện chuyên môn trước khi phát triển du lịch. Một số trường học đã quan tâm, đề nghị chúng tôi mở tour giáo dục ngoại khóa về lịch sử cho học sinh, nhưng CineV Studio chưa tiến hành do cần chiến lược đầu tư lâu dài để đảm bảo hiệu quả".
Bà Lê Thị Kiều Nhi
Giám đốc điều hành CineV Studio
Trăn trở phim trường du lịch mượn - trả
Khai thác du lịch từ các bối cảnh phim, gồm địa điểm tự nhiên và phim trường, vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là đa phần bối cảnh sau khi quay phim xong đều phải thực hiện cam kết “mượn như thế nào sẽ phải trả về nguyên vẹn như vậy”.
Đạo diễn Lý Hải chia sẻ, hầu hết các phần phim trước đó của series Lật mặt, mỗi khi quay xong phim anh đều phải dỡ bỏ toàn bộ bối cảnh để trả lại đúng nguyên trạng như cam kết ban đầu với chính quyền địa phương. Phải đến Lật mặt 7, khi xây dựng các bối cảnh trên chính mảnh đất của mình, anh mới có cơ hội giữ lại nguyên trạng để mở cửa miễn phí cho du khách tham quan.
Riêng ở Lật mặt 6, sau khi đoàn phim rời đi, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân nơi đây để bất kỳ ai nếu muốn đều có thể sử dụng với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng chiếu truyền thống Định Yên (tỉnh Đồng Tháp).
Cùng chung khó khăn này, nhà sản xuất Lê Thị Kiều Nhi, Giám đốc Điều hành CineV Studio, một trong những chủ nhân phim trường quy mô tại TPHCM hiện nay, cũng nêu ra nhiều thực trạng đáng suy ngẫm.
Chị dẫn chứng, một số bối cảnh chính trong phim Nhà bà Nữ: ngôi nhà, hành lang chung cư, quán Bà Nữ, hẻm...; hay bối cảnh lớn thứ 2 của phim Đất rừng phương Nam: cảnh xử tử Võ Tòng ở chợ Vĩnh Châu được dựng toàn bộ tại phim trường CineV. Chi phí thuê đất khá cao, thu không đủ bù chi, nhiều set quay đại cảnh dù dựng rất tốn kém nhưng phải dọn ngay sau khi quay hình để trả mặt bằng khai thác.
Câu chuyện hoàn trả mặt bằng cũng tương tự với bối cảnh phim Đào, Phở và Piano. Để tái hiện Hà Nội năm 1946-1947, đoàn làm phim đã phục dựng khu phố cổ Hà Nội dài 120m, với dãy nhà san sát hai bên, đường và vỉa hè rộng 15m. Khoảng 60 người, gồm thiết kế, họa sĩ và công nhân, đã thi công trong vài tháng tại một doanh trại bộ đội cũ cạnh hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc).
Chia sẻ với phóng viên tại trường quay lúc bấy giờ, NSND Trần Lực không giấu được sự phấn khích trước một bối cảnh tỉ mỉ đến thế: Đạo diễn không phải lo lắng về góc máy, bởi bất kể góc nào, cao hay thấp, đều không vướng nhà cao tầng hay dây điện”. Cũng như nhiều nhà sản xuất khác, NSND Trần Lực và NSND Trần Trung Hiếu đều tha thiết mong muốn trường quay này được giữ lại để khai thác du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, vì bối cảnh được dựng trên đất mượn, dù tiếc nuối đến mấy, họ vẫn phải hoàn trả mặt bằng cũ.
Đặc biệt hơn, như bối cảnh của phim Kong: Đảo đầu lâu “bom tấn” Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam, sau khi hoàn thành vào năm 2016, tỉnh Ninh Bình mong muốn giữ lại phim trường để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, do lý do bảo mật, phim trường đã bị tháo dỡ.
Đến năm 2017, nhờ bản vẽ của đoàn phim, phim trường được phục dựng. Nhưng chỉ sau 2 năm, phim trường lại bị đóng cửa theo khuyến nghị của UNESCO do nằm trong vùng lõi của di sản Tràng An. Trường hợp này cho thấy những thách thức và vấn đề phải cân nhắc với hình thức du lịch phim trường, nhất là khả năng đảm bảo gìn giữ môi trường tự nhiên, khả năng đáp ứng của cơ sở dịch vụ và hạ tầng địa phương.
Thực tế cũng đã có vài trường hợp tận dụng được bối cảnh quay để khai thác du lịch. Sau khi quay xong Gái già lắm chiêu V, đoàn phim đã tặng vườn bạch trà từng được xây dựng với chi phí hơn 2 tỷ đồng tại cung An Định cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, tạo điều kiện cho người dân địa phương và du khách đến tham quan.
Đoàn phim Hạnh phúc máu cũng chi số tiền không nhỏ để cải tạo Dinh tỉnh trưởng (TP Đà Lạt) phục vụ bối cảnh quan trọng của phim. Sau khi hoàn thành, ê kíp cũng bàn giao cho TP Đà Lạt khai thác du lịch. Điều đáng nói, trước khi cải tạo bối cảnh, 2 đoàn phim trên đều xin phép, có sự tham vấn với địa phương để đảm bảo tính chính xác về lịch sử, mỹ thuật… Tuy nhiên, những trường hợp như trên vẫn còn quá hiếm hoi.
Sao chép thành công