Nội dung liên quan Xã Ta Ma, Huyện Tuần Giáo, Tỉnh Điện Biên, Tin Trong Nước
Báo Nhân Dân,
Điện Biên ưu tiên nguồn lực xây dựng trường, lớp học
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
13:35:16 01/10/2024
theo đường link
https://nhandan.vn/dien-bien-uu-tien-nguon-luc-xay-dung-truong-lop-hoc-post834058.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Dù điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn nhưng hằng năm, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng thêm trường, lớp, bảo đảm điều kiện học tập cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội tích cực kêu gọi, vận động nguồn lực xã hội hóa làm thêm các phòng học, phòng ở kiên cố góp phần nâng cao điều kiện học tập, ăn ở cho học sinh các huyện vùng cao, biên giới. Điện Biên ưu tiên nguồn lực xây dựng trường, lớp học. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn, từ sau khi chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, dẫu bộn bề khó khăn nhưng chỉ sau 46 ngày ra mắt, đi vào hoạt động, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã có nghị quyết xác định coi trọng phát triển quy mô, tốc độ ngành học, cấp học, đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên luôn quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng trường, lớp, thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Tại cấp tỉnh, dù hằng năm phải dựa vào hơn 90% ngân sách từ Trung ương cấp, nhưng Điện Biên luôn bố trí hơn 20% ngân sách cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cụ thể, năm 2021, tỉnh Điện Biên bố trí 26,96%, năm 2022 bố trí 25,08%, năm 2023 bố trí 22,58% và năm 2024 bố trí 31% ngân sách cho sự nghiệp giáo dục. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Điện Biên đã bố trí 971,8 tỷ đồng (chiếm 13,8%) vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tại huyện Tuần Giáo, việc phân bổ nguồn kinh phí đầu tư trường, lớp học được thực hiện đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp điều kiện thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy dạy và học tại các xã khó khăn, huyện dành nguồn xây dựng, sửa chữa phòng học, trường học khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo Đỗ Văn Sơn cho biết: Triển khai các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn huyện đã bố trí 79,446 tỷ đồng xây dựng hạ tầng trường, lớp cho các trường phổ thông dân tộc bán trú thuộc các xã: Ta Ma; Phình Sáng, Nà Tòng, Mường Mùn, Khong Hin. Nhờ đó, năm học 2023-2024, tỷ lệ phòng học kiên cố của toàn huyện Tuần Giáo đã đạt hơn 89,3% (1.029/1.152 phòng học). Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Hằng năm, nguồn chi huyện đầu tư xây dựng các công trình trường, lớp học chiếm hơn 30% tổng chi ngân sách của huyện. Nhờ đó, trong khoảng 10 năm gần đây Mường Nhé đã xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá; hiện huyện có gần 900 phòng học đều đạt chuẩn phòng học kiên cố, bán kiên cố; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm hơn 51% tổng số trường trong toàn huyện. Cũng cách làm này, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nậm Pồ được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng 145 phòng học mới với tổng kinh phí 91,9 tỷ đồng; năm học 2023-2024, Nậm Pồ xây dựng được 47 phòng học có tổng mức đầu tư hơn 40,9 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh huy động được 363,1 tỷ đồng nguồn xã hội hóa để xây dựng phòng học, phòng nội trú, phòng công vụ, hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo, sách vở. Toàn tỉnh có thêm hàng trăm phòng học được xây mới tại các thôn, bản từ nguồn xã hội hóa, đáp ứng điều kiện học tập cho hàng chục nghìn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt: Năm 2013, tỉnh có 6.955 phòng học thì mới có 3.815 phòng học kiên cố, bán kiên cố (đạt 54,85%); còn lại phòng học tạm. Điều đáng nói, trong số phòng học được kiên cố thì cấp mầm non có tỷ lệ phòng học được kiên cố thấp nhất (43,73%), trong khi các cấp học trên lần lượt là 45,15% (tiểu học), trung học cơ sở là 84% và trung học phổ thông là 95,83%. Tuy nhiên nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công và ngân sách sự nghiệp hằng năm lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; nông thôn mới) để đầu tư cơ sở vật chất, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố trong toàn tỉnh đã đạt 97,2%; tỷ lệ phòng ở của học sinh dân tộc nội trú kiên cố, bán kiên cố cũng đạt hơn 91,6%. Cuối năm học vừa qua, toàn tỉnh có 365/464 trường mầm non và phổ thông (chiếm 78,66%) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; 372/464 trường mầm non và phổ thông (chiếm 80,17%) đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng chí Mùa A Sơn khẳng định, kết quả đạt được chính là hành động thực chất góp phần quan trọng chăm lo sự học, việc học cho con em đồng bào các dân tộc, để học sinh vùng khó khăn được thụ hưởng điều kiện học tập bằng và tốt hơn nơi khác, giúp học sinh và phụ huynh yên tâm cho con em theo học. Ngay đầu năm học này (2024-2025), ngành giáo dục và các đơn vị liên quan của tỉnh Điện Biên chủ động tham mưu, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện phòng học tạm, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ học tập đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập nhất là hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số.