Báo Lao Động Online,

Độc đáo những sản phẩm làm từ xơ mướp ở TP Đà Nẵng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 17:37:34 14/09/2024 theo đường link https://laodong.vn/kinh-doanh/doc-dao-nhung-san-pham-lam-tu-xo-muop-o-tp-da-nang-1394186.ldo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Mai Hương
Từ bỏ công việc làm giảng viên một trường Cao đẳng, đầu năm 2022, chị Võ Thị Ngọc Thư khởi nghiệp với xơ mướp và cho ra nhiều sản phẩm độc đáo từ loại quả này.
Xuất phát từ ý tưởng tận dụng xơ mướp để cho ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã khởi nghiệp và sản xuất những mặt hàng phục vụ trong đời sống từ xơ mướp như miếng rửa chén, đèn ngủ, dép, miếng cọ lưng, miếng rửa mặt, lót giày....
Những sản phẩm này đã góp phần giảm lượng rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, những sản phẩm này được xuất ra nước ngoài và được ưa chuộng tại các thị trường như Bắc Mỹ, Canada...
Chị Ngọc Thư bên cạnh những sản phẩm từ xơ mướp. Ảnh: Mai Hương
Theo chị Ngọc Thư, xơ mướp thu mua về được giặt nhiều lần qua nước để loại bỏ hạt và nhớt. Sau đó đem phơi khô dưới ánh nắng trước khi đưa vào tạo hình. Những sản phẩm từ xơ mướp thường rất bền và không gây độc hại, giảm lãng phí tài nguyên. Vì thế, những sản phẩm này được người nước ngoài ưa chuộng bởi độ lành tính, thân thiện với môi trường của xơ mướp.
"Xơ mướp sau khi qua các công đoạn xử lý rất mềm mại nên phù hợp với da nhạy cảm… Bằng việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn và có ý thức bảo vệ môi trường" - chị Ngọc Thư chia sẻ.
Nói về vùng trồng mướp, chị Ngọc Thư cho hay, chị thu mua mướp từ những người nông dân ở Quảng Nam. Để chủ động nguồn nguyên liệu, chị Ngọc Thư đã ký hợp đồng với nông dân địa phương, bao tiêu đầu ra cho cây mướp.
Thời gian đầu, những người nông dân tỏ ra e ngại với ý tưởng của chị, bởi nhiều năm nay, họ canh tác các loại rau, củ, nay chuyển sang trồng mướp, họ chưa thực sự yên tâm.
Trước khi tạo hình sản phẩm, xơ mướp được làm sạch và mềm. Ảnh: Mai Hương
Thế rồi, chị Thư phải vận động từng hộ dân, thuyết phục để họ hiểu và cam kết bao tiêu sản phẩm với từng hộ. Đến nay, đã có khoảng 15 hộ nông dân hợp đồng trồng vùng nguyên liệu, cung cấp nguồn xơ mướp ổn định cho cơ sở sản xuất.
Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, chị Thư đã mất nhiều thời gian để mày mò, nghiên cứu quy trình trồng mướp. Chị mất vài trăm triệu để trồng thử nghiệm. Mỗi một hạt mướp được tính là 1.000 đồng mà có nhiều bao tải hạt mướp để trồng thử nghiệm nên số tiền chị Thư phải bỏ ra là rất lớn.
Xơ mướp được phơi khô dưới ánh nắng. Ảnh: Mai Hương
Sau khi ổn định sản phẩm, chị Thư bắt đầu tìm cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, chị Thư xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Hàn… với số lượng đều đặn.
Khi đưa sản phẩm lên sàn Amazon, khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng và đặt mua nhiều. Không chỉ đưa những sản phẩm bằng xơ mướp lên sàn thương mại điện tử, chị Thư còn tích cực tham gia quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện du lịch trong nước và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop…
"Sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng là động lực để tôi tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm từ xơ mướp. Hy vọng rằng, mỗi sản phẩm từ xơ mướp sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn và giúp mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường" - chị Thư chia sẻ.
Sao chép thành công