Báo Hải Quân Việt Nam,

Đổi mới công tác tuyên truyền biển, đảo

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 02:50:02 05/10/2024 theo đường link https://baohaiquanvietnam.vn/tin-tuc/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen-bien-dao
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
HQVN -
Cùng với đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho Quân chủng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân (CĐKTHQ) đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền biển, đảo, thu hút nhân lực xây dựng Quân chủng hiện đại đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Truyền đạt ngắn gọn, dễ hiểu
Chúng tôi theo chân cán bộ, học viên Trường CĐKTHQ đi tuyên truyền biển, đảo tại tỉnh Tây Ninh. Lịch làm việc là 8 giờ sáng nhưng từ 7 giờ hơn 3.000 học sinh đã tập trung đầy đủ, xếp hàng ngay ngắn trên sân trường. Là địa phương không có biển nên các em rất háo hức muốn biết về tình hình biển, đảo, nhất là vùng biển Trường Sa và nhiệm vụ của bộ đội Hải quân. Ngay từ khi mở đầu chương trình, nhiều học sinh đã đặt câu hỏi với Thiếu tá Đặng Xuân Cường, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành học viên Học viện Hải quân, Trường CĐKTHQ.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh nghe tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực. Ảnh: TTV
Không chỉ thông tin để các em học sinh quan tâm đến nội dung tuyển sinh, tiêu chí vào các trường Quân đội nói chung, Học viện Hải quân, Trường CĐKTHQ nói riêng mà báo cáo viên còn giải đáp về trách nhiệm và nghĩa vụ quân sự đối với công dân. Các em học sinh cũng được báo cáo viên của nhà trường giới thiệu về chế độ đãi ngộ: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tứ thân phụ mẫu, trợ cấp cho thân nhân khi ốm đau, hỗ trợ tiền đào tạo nghề sau xuất ngũ đối với công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự; được chu cấp tiền ăn ở, quân phục, học phí, phụ cấp sinh hoạt, trợ cấp cho gia đình có khó khăn đột xuất…
Tùy theo đối tượng mà chúng tôi xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp. Với học sinh THPT, báo cáo viên đi sâu thông tin tuyển sinh quân sự, quyền lợi và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân… Do đó, cán bộ đi tuyên truyền phải nắm vững chỉ tiêu sức khỏe, ngành nghề đào tạo, các bước sơ tuyển… giúp các em có thông tin chính xác về các đợt tuyển sinh, tuyển quân hàng năm-Thiếu tá Đặng Xuân Cường, chia sẻ.
Trong các buổi tuyên truyền, báo cáo viên của nhà trường thông tin đến người nghe về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ của Hải quân Việt Nam; tình hình trên các vùng biển, đảo của nước ta; quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Thực tế không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng rất muốn nghe những thông tin liên quan về biển, đảo, được chính những người trong cuộc là bộ đội Hải quân cung cấp. Theo thầy Nguyễn Văn Quây, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh: Những thông tin đầy đủ, chính xác trong các buổi tuyên truyền giúp chúng tôi vừa yên tâm vừa có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội…
Còn em Bùi Lê Minh Thư, học sinh Trường THPT Quang Trung cho biết: Em rất biết ơn về những đóng góp và hy sinh của bộ đội Hải quân. Với bản thân, em sẽ quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt để thực hiện ước mơ của mình.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền
Điểm hạn chế chung dễ nhận thấy trong công tác tuyên truyền biển, đảo, thu hút nguồn nhân lực ở một số đơn vị hiện nay là hình thức có phần còn đơn điệu. Báo cáo viên chỉ chủ yếu tập trung vào các buổi nói chuyện, cung cấp thông tin qua trình chiếu PowerPoint mà chưa khai thác hết thế mạnh của các hình thức truyền thông hiện đại; chưa lồng ghép các yếu tố sinh động, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng… Nhận thức được vấn đề trên, những năm gần đây, công tác tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực của Trường CĐKTHQ đã có nhiều đổi mới. Nếu trước đây, nhiệm vụ này được giao cho Phòng Chính trị thì nay cả Phòng Đào tạo, các khoa giáo viên cùng tham gia.
Phát tài liệu tuyên truyền về Học viện Hải quân, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân tới học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TTV
Trung tá Phạm Đức Lợi, Chủ nhiệm Chính trị Trường CĐKTHQ cho biết: Sự phối hợp giữa các đơn vị trong nhà trường đã nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ nói chung, hoạt động tuyên truyền nói riêng. Nếu cơ quan chính trị chuẩn bị nội dung tuyên truyền biển, đảo thì cơ quan đào tạo cung cấp thông tin về tuyển sinh, quyền lợi chế độ, ưu đãi đối với học viên... Chúng tôi đa dạng hóa các hình thức như: Phối hợp với đơn vị ký kết tuyên truyền biển, đảo đưa thông tin, các hoạt động của nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Hải quân trên website các trường học, địa phương trước khi buổi tuyên truyền diễn ra; sử dụng video, ấn phẩm truyền thông hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của tuổi trẻ.
Các báo cáo viên của Trường CĐKTHQ còn làm mới, tạo sự hấp dẫn bằng cách lồng ghép các yếu tố lịch sử, văn hóa như: Kể lại những tấm gương, chiến công của bộ đội Hải quân; giới thiệu về vũ khí hiện đại của Quân chủng… và sử dụng hình ảnh, video minh họa hoặc tổ chức giao lưu với đối tượng tuyên truyền. Sự tích cực đổi mới hình thức, nội dung công tác tuyên truyền biển, đảo thu hút nguồn nhân lực của Trường CĐKTHQ thời gian qua đã nhận được phản hồi tích cực của nhân dân, học sinh, sinh viên các đơn vị ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo.
Xuân Hương
Thời gian qua, Trường CĐKT đã tổ chức tuyên truyền được gần 4.000 lượt người tham gia, trong đó có hơn 3.000 lượt học sinh tại Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh; cấp phát 1.000 bộ tài liệu tranh ảnh tuyên truyền; đăng, phát và chia sẻ hơn 300 bài viết, clip về các hoạt động của nhà trường…
Sao chép thành công