Nội dung liên quan Xã Định Biên, Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên, Tin Trong Nước
Báo Quân đội Nhân dân,
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: Đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
11:03:20 21/09/2024
theo đường link
https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/doi-viet-nam-tuyen-truyen-giai-phong-quan-doi-quan-chu-luc-dau-tien-cua-cach-mang-viet-nam-795273
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tháng 10-1944, không khí cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc sục sôi, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng lên kế hoạch chuẩn bị phát động khởi nghĩa trên địa bàn khi thực dân Pháp tăng cường đàn áp khủng bố phong trào cách mạng, khiến cho cơ sở ở nhiều nơi bị phá vỡ. Cuối tháng 10 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về huyện Hà Quảng, chỉ đạo hoãn cuộc khởi nghĩa và Người chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động... Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...” [1] . Giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ tổ chức, thành lập và chỉ đạo hoạt động của đội quân này, Người phác thảo ra những nét chính, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn để cung cấp lương thực, đạn dược, quan hệ giữa đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Người nhắc nhở quán triệt phương châm: “Người trước, súng sau”. Các đội viên phải chọn những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Trong Đội phải có đủ thành phần Tày, Nùng, Mán, Kinh, người địa phương nào cũng có nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi. Trước lúc đi, Người còn dặn thêm: “Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta” [2] . Theo chỉ dẫn của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Lê Quảng Ba trao đổi chọn người và tập trung vũ khí, lên kế hoạch cụ thể. Về tên gọi của Đội, các đồng chí trao đổi kỹ và thống nhất lấy tên là Đội Việt Nam giải phóng quân. Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu Khi các kế hoạch cho lễ thành lập Đội đã hoàn thành, các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba báo cáo và được Người nhất trí. Riêng về tên gọi của Đội, “Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên đội quân giải phóng cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó” [3] . “Bác yêu cầu thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tốt cho công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng” [4] . Lúc chia tay, Người còn dặn thêm: “Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch ở Tây. Lai vô ảnh khứ vô hình”. Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư của lãnh tụ Hồ Chí Minh đựng trong một vỏ bao thuốc lá. Đó chính là chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, do đích thân Người viết. 17 giờ ngày 22-12, lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân bắt đầu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên kỳ đài làm lễ chào cờ. Sau khi ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập và giao nhiệm vụ cho đội. Tiếp đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc Mười lời thề danh dự. Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao, cùng những tiếng hô “Xin thề” đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động núi rừng. Đại diện Liên tỉnh ủy đọc lời chào mừng và tin tưởng Đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương lên chúc mừng Đội bằng những lời cảm động và tin tưởng. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có 34 đội viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Đội biên chế thành 3 tiểu đội. Chiều hôm đó cả Đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng. Sau bữa cơm không rau, không muối là đêm du kích đầm ấm, cảm động diễn ra đến nửa đêm cạnh đống lửa bập bùng cháy giữa rừng mùa Đông giá lạnh. Mỗi đội viên đứng lên giới thiệu bí danh, xuất thân, quê quán, con đường đến với cách mạng, từ đó vạch trần những tội ác mà đế quốc thực dân gây ra cho bản thân, gia đình và quê hương mình. Sau ngày thành lập, đội xuất quân và giành thắng lợi giòn giã trong hai trận đánh Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu và đã ra quân là đánh thắng của quân đội ta. Tiếp đó, đội tiến hành hoạt động vũ trang tuyên truyền phát triển phong trào các mạng ở Việt Bắc. Chấp hành nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15-5-1945, lễ thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức tại đình làng Quặng, xã Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Việt Nam Giải phóng quân đã cùng bộ đội địa phương, tự vệ và nhân dân chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ chính quyền cách mạng ở những nơi mới thành lập, sẵn sàng tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến. Như vậy là, chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Sự ra đời và hoạt động của Đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng nước ta lúc đó, đánh đấu bước phát triển rất quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong quá trình hình thành và phát triển từ bắt đầu năm 1930, với các đội tự vệ đỏ đến Quân đội nhân dân cách mạng hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày nay. Đó cũng là cái mốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Từ đây, đất nước ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, đã ra quân là đánh thắng. Nhà nghiên cứu người Mỹ William Duiker đã đánh giá: “Với việc hình thành đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên ngày 22-12-1944, diện mạo của lực lượng vũ trang tương lai, còn gọi là Việt Nam Giải phóng quân, bắt đầu hình thành. Đội Tuyên truyền vũ trang là đơn vị chính quy đầu tiên của phong trào. Lực lượng này sẽ tăng viện cho lực lượng du kích được tổ chức và chỉ đạo ở cấp huyện, các đơn vị tự vệ được tuyển từ các làng dưới sự chỉ đạo của Đảng” [5] Đại tá, TS PHAN SỸ PHÚC [1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử , Sđd, trang 141. [2] Võ Nguyên Giáp – Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.123. [3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử , Sđd, trang 143. [4] Vũ Anh - Những ngày gần Bác trong sách Đầu nguồn (tập hồi ký), Sđd, tr. 270. [5] William Duiker - Hồ Chí Minh, Hyperion, New York, 2000 (bản Tiếng Việt của Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao, tháng 5-2001, tập 1, tr. 192. * Mời bạn đọc vào chuyên mục V ữ ng bư ớ c dư ớ i Quân k ỳ Quy ế t th ắ ng xem các tin, bài liên quan.