Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Gần 1 tháng trôi qua kể từ khi bão Yagi tràn qua gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại Lào Cai, các doanh nghiệp vẫn đang gồng mình khắc phục hậu quả. Với sự đồng hành từ Chính phủ, chính quyền địa phương và ngân hàng, công cuộc tái thiết lại cuộc sống, vực dậy sản xuất đang được các doanh nghiệp rốt ráo thực hiện.
Những ngày này, dấu vết của thiên tai ở Lào Cai vẫn ngổn ngang khắp nơi. Đường sá sạt lở, nhiều nhà cửa vẫn tan hoang, đổ nát. Tại Nhà máy thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, tình trạng đổ nát vẫn vương vãi khắp nơi. Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành tạm thời nhà máy cho biết, đến bây giờ, các công nhân vận hành nhà máy vẫn chưa hết sốc vì thiệt hại nặng nề mà cơn bão gây ra.
"Dự án của chúng tôi bị sạt lở nghiêm trọng, san phẳng toàn bộ khu điều hành của nhà máy. Đau xót hơn, 5 cán bộ nhân viên của nhà máy bị thiệt mạng, trong đó có 1 cặp vợ chồng. Ngoài ra, nước sông lên cao làm toàn bộ nhà máy thủy điện bị ngập nước, gây tê liệt hoàn toàn, không vận hành được. Đến nay là nửa tháng rồi chưa có điện để chúng tôi bơm nước, bùn ra để sửa chữa, khắc phục hậu quả bão, lũ. Ước tính thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng của chúng tôi lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy và không có doanh thu", ông Tất Anh chia sẻ.
Công nhân Nhà máy thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc dọn dẹp để tái sản xuất kinh doanh sau bão số 3.
Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất của nhà máy, giao thông cũng là vấn đề đáng lo ngại. Sau khi cơn bão đến, toàn bộ đường giao thông đều bị sạt lở, Nhà máy thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc bị cô lập hoàn toàn, không đi vào - ra được. Sau 10 ngày, lãnh đạo nhà máy mới có thể đi bộ vào để xem xét hiện trường. Đến nay đã nửa tháng, chỉ có xe nhỏ hoặc xe công trình mới vào được. Trên tuyến đường đi vào nhà máy có nhiều điểm bị sạt lở, chính quyền địa phương đã cho xe gạt đất đi để cho xe đi vào nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tiềm ẩn.
Đường đồi núi khó khăn là thế, nhưng ngay giữa lòng thành phố Lào Cai, bão lũ cũng gây ra những thiệt hại to lớn. Sụt lún đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 53 căn nhà ở mặt đường thuộc phường Nam Cường, TP Lào Cai, trong đó có Công ty TNHH Một thành viên Văn Tịnh. "Công ty bị thiệt hại một kho nhà xưởng chứa vật liệu xây dựng và toàn bộ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cơ sở hạ tầng đã bị lún và sập, ảnh hưởng rất nặng nề, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có các công trình bị ảnh hưởng do mưa, sạt lở và hiện tại cũng đang được khắc phục. Khi nhận được tin, tôi cũng rất bàng hoàng, tôi không nghĩ là một công trình ở giữa thành phố mà lại bị sạt lở", ông Bùi Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Văn Tịnh thông tin.
Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, các doanh nghiệp tại đây đang bắt tay để khắc phục hậu quả, vực dậy sản xuất từ trong đống đổ nát. Là công ty chuyên về vật liệu xây dựng, công ty cũng đang lên kế hoạch thuê đất chỗ khác dựng lại nhà xưởng để hoạt động lại bình thường. Tương tự, tại thuỷ điện Nậm Lúc, ngay sau khi xảy ra sự cố thiên tai thiệt hại về người và của, chính quyền hỗ trợ rất nhiều về cứu hộ cứu nạn, trong đó có cứu hộ, cứu nạn doanh nghiệp.
Các lực lượng gồm 100 chiến sĩ Bộ đội, Công an, Dân quân tự vệ trong 5 ngày đến tìm kiếm đưa các thi thể ra ngoài. Chính quyền, công ty cũng đã đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ các gia đình có người mất. Song song với đó, nhà máy cũng đang khắc phục sản xuất bằng cách sử dụng máy phát điện bơm toàn bộ nước trong hầm thủy điện ra để khắc phục, sau đó vệ sinh và kiểm tra từng hạng mục và đánh giá thiệt hại, đưa ra phương án tối ưu nhất để thay thế và vận hành.
"Tập đoàn giao chỉ tiêu cho nhà máy là 3 tháng để hoàn thiện, khắc phục các thiết bị bên trong. Hiện nay, chúng tôi đang đánh giá tình trạng thiết bị, một số vấn đề liên quan đến dòng chảy, sau thời gian bị bùn đất vùi lấp. Sắp tới là mùa khô thì sẽ nạo vét phần hạ du để nước thoát đi. Hiện nay chúng tôi đang dồn toàn bộ nguồn lực cho thủy điện về cả nhân lực, thiết bị, hỗ trợ để xử lý, giải phóng, vệ sinh thiết bị bị ngập nước. Kỳ vọng đến tháng 12, nhà máy mới có thể hoạt động trở lại", lãnh đạo Nhà máy thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc kỳ vọng.
Tuy nhiên, để có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền, đặc biệt là từ phía các ngân hàng.
Được biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân tái thiết lại cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh, tại Chỉ thị 04 về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế vừa mới ban hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cho vay mới. Hiện nay, các ngân hàng đều đồng loạt tung ra các chương trình miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là điểm tựa tài chính, là động lực để doanh nghiệp và người dân sớm ổn định lại cuộc sống, tái sản xuất kinh doanh.