Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Triển khai hiệu quả Đề án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:48:32 23/09/2024 theo đường link https://baodantoc.vn/dong-hy-thai-nguyen-trien-khai-hieu-qua-de-an-8-thuoc-chuong-trinh-mtqg-1719-1726833097522.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thảo Khánh
Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện hiệu quả Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS miền núi, gọi tắt là Chương trình MTQG 1719.
Chị Trương Thị Chua (Chi hội Trưởng Hội LHPN xóm Lân Quan) tuyên truyền, chia sẻ về xóa bỏ định kiến, bình đẳng giới và thay đổi nhận thức, để bảo vệ quyền lợi của bản thân tốt hơn cho bà Ngô Thị Sái, xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Đồng Hỷ là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên. Toàn huyện có 15 đơn vị hành chính, gồm 12 xã và 03 thị trấn, trong đó 01 xã đặc biệt khó khăn và 04 xã ATK. Dân số toàn huyện hiện có 24.379 hộ với 99.090 khẩu, trong đó: 1.341/24.379 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,5%, hộ cận nghèo 1.084/24.379 hộ, chiếm tỷ lệ 4,45%. Trên địa bàn huyện có 32 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Mông, Ngái …
Triển khai Đề án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đồng Hỷ đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động Dự án, giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch các năm 2022, 2023, 2024 tới các xã thực hiện Dự án.
Cụ thể, Hội LHPN huyện đã tổ chức 5 cuộc phát động tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới với Chủ đề: “Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại tình dục”, có 250 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia chiến dịch, đi tuyên truyền lưu động trên các trục đường chính của các xã thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, mở 19 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 950 lượt người là ủy viên BTV Hội LHPN xã, Bí thư, Trưởng xóm, Chi hội trưởng, Chi hội phó phụ nữ, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng, thành viên địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Người có uy tín trong cộng đồng, hội viên phụ nữ tại 5 xã thực hiện Dự án. Ra mắt 15 Tổ truyền thông cộng đồng tiên phong, tuyên truyền về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong bình đẳng giới của đồng bào DTTS, cùng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Thành lập 3 Câu Lạc bộ Thủ lĩnh, tại 3 xã Trường THCS Tân Long, Cây Thị, Văn Lăng; hỗ trợ duy trì 4 mô hình địa chỉ tin cậy; Tổ chức 05 cuộc đối thoại chính sách cấp xã với chủ đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thành lập Đội tuyển tham gia giao lưu tại Liên hoan các mô hình truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em, do Hội LHPN tỉnh tổ chức đạt giải Nhì.
Đồng thời, cử các mô hình tham gia gian hàng tại Chương trình “Giao lưu kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người”; tổ chức Hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép với Phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại xã Quang Sơn có 400 đại biểu và Nhân dân tham dự. Năm 2024, Hội LHPN huyện Đồng Hỷ còn tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên Tổ truyền thông cộng đồng với 100 người tham gia.
Ghi nhận tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ , một trong những xã khó khăn, đa phần là người đồng bào DTTS, thông qua việc triển khai dự án người dân sinh sống trên địa bàn đã có nhiều thay đổi nhận thức về giới.
Chị Trương Thị Chua (Chi hội Trưởng Hội LHNP xóm Lân Quan) đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn
Cũng như bao người phụ nữ Mông, chị Sùng Thị Vinh (sinh năm 1989), xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ vẫn giữ được nét tần tảo, chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, gần đây, chị Vinh cũng đã mạnh dạn, chủ động hơn khi bàn bạc, trao đổi với chồng những công việc chung trong gia đình với mong muốn xây dựng cuộc sống ngay một tốt hơn.
Chị Vinh bộc bạch: Gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp, trồng ngô, lên rừng hái củi, hái măng, thu nhập thấp. Nhà có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, trước đây mọi công việc đều do tôi cáng đáng, thế nhưng từ khi được chính quyền, đặc biệt là Chi hội phụ nữ quan tâm, thường xuyên trao đổi, chia sẻ về vai trò, vị thế của người phụ nữ. Thì giờ đây, chồng đã biết chia sẻ với mình lo toan việc gia đình, biết chăm lo, thương vợ thương con nhiều hơn.
Tương tự như chị Vinh, bà Ngô Thị Sái (sinh năm 1963) cũng là một người phụ nữ tảo tần, cam chịu. Trước đây, chồng bà thường hay uống rượu say, mọi công việc nhà, chăm sóc con cái đều do bà đảm nhiệm. Nhưng thời gian gần đây, chồng bà đã có sự thay đổi khi ít uống rượu, biết giúp bà trồng ngô, nuôi bò, đưa đón cháu đi học.
Bà Sái phấn khởi: Gia đình giờ vui lắm, có được sự thay đổi này là từ vợ và chồng cùng tham gia các buổi sinh hoạt của Tổ truyền thông xóa bỏ định kiến về giới do Hội LHPN huyện, xã tổ chức. Trưởng thôn và Chi hội trưởng cũng thường xuyên đến nhà trao đổi, động viên, sẻ chia, để từ đó người đàn ông đã chủ động thấu hiểu hơn với người phụ nữ.
Chị Trương Thị Chua, Chi hội Trưởng Hội LHPN xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn xóm Lân Quan có 90 hội viên thuộc Chi Hội LHPN, 100% các chị em là người đồng bào DTTS, gồm các dân tộc, như Mông, Dao, Tày, Nùng…
Để từng bước xóa bỏ định kiến, phát huy bình đẳng giới, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động để thay đổi nếp nghĩ, cách làm xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng… Thông qua các buổi sinh hoạt, những câu chuyện của các hộ gia đình, của chị em phụ nữ chia sẻ tại đây và được Chi hội phụ nữ lắng nghe, tư vấn. Qua đó, giúp chị em phụ nữ tự tin, mạnh dạn hơn trong việc phát huy vai trò của mình trong gia đình, cộng đồng.
Cũng theo chị Chua, do đặc thù các hội viên thuộc Chi hội là đồng bào DTTS nên quá trình tuyên truyền gặp không ít khó khăn khi nhiều người không biết tiếng phổ thông. Để giúp họ có thể hiểu được các nội dung trong công tác tuyên truyền thì bản thân chị phải biết và sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ, như tiếng: Mông, Dao, Tày, tiếng phổ thông, để có thể linh hoạt trong giao tiếp.
“Mặc dù, thời gian thực hiện Dự án chưa dài nhưng các mô hình và cách làm đã giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là các hội viên phụ nữ. Thông qua hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân bản đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các kiến thức về hôn nhân và gia đình…”, chị Chua chia sẻ thêm.
Ông Đàm Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, khẳng định: Trong cộng đồng dân tộc Mông có những định kiến về giới tồn tại bao đời nay khiến chị em phụ nữ rất thiệt thòi, như phải có con trai để thừa kế tài sản, áp lực lao động đè nặng lên vai… Những vấn đề rút ra từ thực tiễn này đã được lồng ghép vào các buổi tuyền truyền tại cộng đồng, để làm sao cho người phụ nữ biết tự bảo vệ mình, sau đó là giúp nam giới hiểu và biết chia sẻ với người phụ nữ trong gia đình.
Các hoạt động của Dự án 8 đã bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn xã, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương, do đó các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao về hiệu quả của Dự án này.
Sao chép thành công