Báo Vnexpress,

Đồng Nai đề xuất nắn đường giữ biệt thự 100 tuổi

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:01:21 28/09/2024 theo đường link https://vnexpress.net/dong-nai-de-xuat-nan-duong-giu-biet-thu-100-tuoi-4797771.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Sở Xây dựng đưa ra 4 phương án giữ lại biệt thự cổ ven sông Đồng Nai, trong đó ưu tiên giải pháp nắn đường vì kinh phí thực hiện thấp nhất.
Trong đề xuất gửi UBND Đồng Nai ngày 27/9, Sở Xây dựng cho rằng phương án nắn đường tối ưu vì không ảnh hưởng nhiều tiến độ dự án ven sông, giữ được biệt thự. Đây là giải pháp có thời gian hoàn thành ngắn và kinh phí phát sinh thấp nhất, không thu hồi thêm đất.
Biệt thự cổ được đề xuất giữ nguyên vị trí. Ảnh: Phước Tuấn
Theo đơn vị này, từ mép kè bên sông đến hiên biệt thự rộng 27,4 m. Khoảng cách này đủ nắn tuyến đường tránh biệt thự và bảo đảm lòng đường rộng 24 m trên toàn tuyến. Ngoài ra đoạn đường chưa thi công dài 650 m đủ nắn cong, tránh công trình cổ mà không tạo khúc cua gắt, không thắt cổ chai.
Phương án trên sẽ giảm vỉa hè hai bên tuyến đường từ 5 m xuống còn 4 m. Khi đó, mép lộ giới đường ven sông sát đường đi bộ dọc sông và 2 m dư ra sẽ là khoảng lùi giữa mái hiên biệt thự và đường ven sông. Khoảng 200 m chiều dài nắn tuyến và diện tích dôi dư ngoài bờ sông sẽ làm công viên, bãi xe.
Phương án nắn tuyến đường giữ lại biệt thự. Đồ họa: Đăng Hiếu
Giải pháp thứ hai là di dời biệt thự cổ. Theo Sở Xây dựng, nếu chọn cách làm này phải tìm đơn vị có kinh nghiệm, năng lực. Qua tham khảo, TP Huế năm 2022 di dời thành công biệt thự kiểu Pháp hơn 100 năm tuổi rộng 200 m2, chi phí 2,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên phần đất phía sau biệt thự cổ chỉ còn 6 m. Do đó địa phương phải bồi thường, giải phóng mặt bằng hộ dân phía sau, thời gian thực hiện lâu vì phải đối chiếu quy hoạch, pháp lý liên quan thu hồi, thực hiện dự án.
Phương án thứ ba là tạo vòng xuyến quảng trường quanh biệt thự . Cách làm này dựa trên cơ sở phương án đầu tiên nêu trên, quy hoạch lại cảnh quan, tôn tạo biệt thự thành quảng trường gốm sứ (với điều kiện Nhà nước trưng dụng toàn bộ biệt thự và cải tạo thành bảo tàng gốm sứ).
Với cách này, đường ven sông qua khu vực này làm hai nhánh, tạo thành khuôn viên trung tâm bảo tàng gốm sứ. Trong đó, một nhánh dịch ra phía sông Đồng Nai, một nhánh vòng về phía phải biệt thự. Sau đó hai nhánh nhập lại vào đường ven sông, lộ giới khoảng 17 m cho mỗi nhánh.
Phương án này tạo ra không gian ven sông tổ chức công viên cây xanh bổ trợ cho khu vực quảng trường. Tuy nhiên chính quyền cần thu hồi thêm 3.000 m2 đất, phát sinh thời gian lại thiết kế tuyến đường, lập quy hoạch điều chỉnh, thủ tục thu hồi đất.
Giải pháp cuối cùng là tổ chức giao thông khác cote (độ cao) nền kết hợp đảo hoa viên bao quanh biệt thự. Đoạn đường ven sông sẽ thiết kế khác độ cao với chiều dài 600-700 m, bề rộng cầu 24 m, chiều cao thông thủy 11-12 m (chiều cao biệt thự khoảng 11 m). Phía bờ sông vẫn bảo đảm bố trí công viên và hai đường dẫn rộng 7 m tiếp cận đảo hoa viên. Biệt thự sẽ thành bảo tàng gốm sứ.
Song với đề xuất 4 phương án, cùng ngày Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP Biên Hòa chỉ đạo nhà thầu tạm ngưng thi công đoạn tuyến qua biệt thự. Chính quyền tổ chức bố trí rào, giới hạn ra vào khu vực trên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và an toàn lao động đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.
Biệt thự nằm sát tuyến đường ven sông Đồng Nai đang triển khai. Ảnh: Phước Tuấn
Biệt thự đang được tỉnh Đồng Nai xem xét giữ lại do ông Võ Hà Thanh (Đốc phủ Thanh) xây năm 1922, khánh thành năm 1924. Công trình dự kiến đập đỏ một phần khi đường ven sông dài 5,2 km (từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) khởi công cách đây 3 năm. Nhà cổ diện tích sử dụng hàng nghìn m2 và khu đất đất được định 5,4 tỷ đồng.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ năm 2016, đơn vị này nhận thấy một số giá trị về mặt kiến trúc của công trình nên đề nghị bổ sung vào danh mục xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ban Quản lý di tích danh thắng nhiều lần liên hệ gia đình phối hợp lập hồ sơ xếp hạng di tích nhưng phía chủ nhà không đồng ý do "đang tranh chấp quyền sở hữu giữa các thế hệ sau của ông Võ Hà Thanh". Không nhận được sự đồng tình, Sở chỉ đạo dừng làm hồ sơ, đưa ra danh mục xếp hạng.
Tuy nhiên năm 2023 khi tuyến đường ven sông triển khai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận được đơn của bà Đặng Thị Linh Phương (người hiện trông giữ biệt thự) kiến nghị giữ lại tòa nhà. Đơn vị này đã có văn bản đề nghị Ban Quản dự án TP Biên Hòa xem xét, giải quyết.
Tòa nhà từng được thuê làm phim trường để quay bộ phim Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc năm 1996. Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai, ngôi nhà có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa ở địa phương. Nếu được giữ lại, tòa nhà sẽ tạo sự kết nối về văn hóa, lịch sử và du lịch với các công trình cổ dọc sông Đồng Nai.
Phước Tuấn
Sao chép thành công