Báo Người Lao Động Online,

Động thái mới nhất của UBND TP HCM về dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 22:48:56 25/09/2024 theo đường link https://nld.com.vn/dong-thai-moi-nhat-cua-ubnd-tp-hcm-ve-du-an-chong-ngap-10000-ti-dong-196240925182936321.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
PHAN ANH
(NLĐO)- Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng UBND TP HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).
Báo cáo do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ký.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã trễ hẹn nhiều năm - Ảnh: QUỐC ANH
Trong báo cáo, UBND TP HCM nêu 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Vướng mắc đầu tiên là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Thứ hai là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Hiện nay, chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.
Để khắc phục thiếu sót liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư, UBND TP HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh phương án thanh toán Hợp đồng BT đã ký kết, theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo phù hợp với quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Sau khi điều chỉnh phụ lục Hợp đồng BT với nội dung như nêu trên thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót tại Điều 1 Nghị quyết 40/2021 của Chính phủ, có đủ cơ sở để thanh toán các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành.
Theo đó, đối với các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT, UBND TP HCM thực hiện trình tự thanh toán quỹ đất như các dự án BT thông thường theo quy định.
Một vướng mắc khác tại dự án là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.
Theo UBND TP HCM, do tổng mức đầu tư dự án có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý thì cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay.
Do đó, TP HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án. Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót tại Điều 1 Nghị quyết 40/2021.
Đây chính là cơ sở để TP HCM có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình, giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.
Dự án thuộc nhóm A; hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP); hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách TP HCM.
Mục tiêu dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.
Quy mô xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn và xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh (giai đoạn 1), bao gồm khoảng 6 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 43 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống Scada.
Tổng mức đầu tư là gần 10.000 tỉ đồng.
Theo hợp đồng BT và các phụ lục hợp đồng đã ký kết, TP HCM thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỉ đồng). Phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỉ đồng).
Dự án chính thức khởi công vào tháng 6-2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành dù đã thực hiện hơn 90% khối lượng.
Tại Báo cáo 871 ngày 28-11-2023 của nhà đầu tư, lũy kế giá trị giải ngân để thực hiện dự án đến thời điểm báo cáo là hơn 8.276 tỉ đồng/9.976 tỉ đồng. Nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành công trình là khoảng 1.800 tỉ đồng.
Sao chép thành công