Báo Khánh Hòa điện tử,

Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân: Sớm tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
THÁI THỊNH
Tuy đã đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2020 và có khoảng 10 doanh nghiệp muốn đầu tư, nhưng những năm qua, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư để tiếp tục đầu tư sản xuất do vướng mắc cơ sở pháp lý liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, đất đai, tài sản công.
Vướng cơ sở pháp lý lựa chọn nhà đầu tư
Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân được UBND tỉnh phê duyệt ngày 10-3-2015, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích sử dụng đất 60ha, tổng mức đầu tư hơn 385 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tạo ra vùng sản xuất tôm giống tập trung; tạo ra cơ sở kiểm định và quản lý chất lượng giống tôm tập trung; áp dụng và thực hiện chương trình chuẩn hóa sản xuất tôm giống từ tôm bố mẹ sạch bệnh; đầu tư xây dựng các trại sản xuất giống tôm an toàn sinh học.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa giám sát tại dự án.
Đến nay, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán đầu tư hoàn thành ngày 16-9-2020, với giá trị quyết toán hơn 94,5 tỷ đồng (trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới hơn 79,6 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 14,9 tỷ đồng). Dự án đã san lấp mặt bằng, tạo diện tích 60ha để quy hoạch vùng sản xuất và kiểm định tôm giống, trong đó cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất tôm giống chiếm 29ha, còn lại 31ha dùng cho các nhà đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm giống. Dự án đã xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông đến dự án, đường giao thông nội vùng dự án, hệ thống cấp, thoát nước biển, nước ngọt cho sản xuất giống và sinh hoạt, kênh thoát lũ, ao trữ nước ngọt, ao sử dụng nước thải, hệ thống cấp điện tổng thể và chiếu sáng; xây dựng khu quản lý kiểm định diện tích hơn 1ha và thiết bị trạm biến thế.
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở NN-PTNT và các sở, ngành, địa phương có báo cáo, văn bản giải trình gửi Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý sau đầu tư đối với dự án. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, rà soát, tiếp tục hỏi ý kiến các bộ, ngành Trung ương đối với các vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định pháp luật hiện hành, hoàn thành các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, tài sản công... để sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, tổ chức sản xuất, cung cấp nguồn tôm giống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 10 doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục sau đầu tư, lựa chọn các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư sản xuất chưa thực hiện được do vướng các cơ sở pháp lý liên quan đến nhiều lĩnh vực: Đầu tư, đất đai, tài sản công. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai, dự án này thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một số năm nên thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, liên quan đến pháp luật về đấu thầu, dự án không thuộc phạm vi dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ; đồng thời, chưa được quy định theo pháp luật chuyên ngành. Do đó, dự án không thuộc diện đấu thầu có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa quy định hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung thuộc nhóm hạ tầng nào (hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hay hạ tầng khu kinh tế, khu công nghệ cao, hạ tầng thương mại). Do đó, việc quản lý cơ sở hạ tầng tại dự án sau khi đầu tư hoàn thành chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Không để dự án kéo dài
Ngày 19-9, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác quản lý sau đầu tư đối với Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân. Đoàn giám sát đã làm rõ những vấn đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến dự án; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và các quy định của pháp luật có liên quan để áp dụng, triển khai thực hiện dự án; kết quả thực hiện công tác quản lý, đánh giá hiệu quả sau khi đầu tư dự án.
Khu vực Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh gửi đoàn giám sát, thời gian qua, đối với các khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cũng như có các văn bản báo cáo gửi đến các bộ, ngành Trung ương có liên quan xem xét, hướng dẫn cụ thể, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể. Hiện nay, các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu… mới có hiệu lực thi hành, do đó cần tiếp tục chờ hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn để có cơ sở triển khai thực hiện. Ngày 23-1, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan việc triển khai sau đầu tư dự án. Cụ thể, việc hoàn thành bản đồ trích đo địa chính, tách thửa tại khu đất 29ha và tài sản gắn liền với đất, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát thủ tục giao đất, cho thuê đất theo Luật Đất đai 2024 và các quy định hiện hành; hoàn thành cập nhật các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2024 tại thị xã Ninh Hòa. Về dự thảo đề xuất dự án đối với 31ha đất dùng cho mục đích xây dựng trại sản xuất tôm giống (9 lô đất), Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát trước khi tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các nội dung giải trình của UBND tỉnh, chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương để báo cáo, kiến nghị cấp trên những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm sớm đưa dự án vào khai thác, tránh tình trạng kéo dài gây lãng phí nguồn lực kinh phí, đất đai đã đầu tư.
THÁI THỊNH
Sao chép thành công