Báo điện tử Tổ Quốc,

Du khách quốc tế ấn tượng với cảnh quan hùng vĩ và văn hoá đặc sắc của Hà Giang

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:42:25 01/10/2024 theo đường link https://toquoc.vn/du-khach-quoc-te-an-tuong-voi-canh-quan-hung-vi-va-van-hoa-dac-sac-cua-ha-giang-20240930162418977.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Tổ Quốc) - Với nền văn hóa độc đáo, Hà Giang là một trong những vùng đất hiếm hoi vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và níu chân du khách quốc tế. Trên trang The New York Times, tác giả Jennifer Bleyer viết: "Lần đầu tiên tôi nhìn thấy quang cảnh tuyệt vời ở Hà Giang - một tỉnh miền núi ở cực bắc của Việt Nam là vào một buổi chiều trong lành khi chúng tôi đang đi trên một con đường hẹp được bao quanh bởi những núi đá vôi dựng đứng."
Một khu chợ ở làng Sà Phin chật kín những người bán hàng từ khắp nơi. Các mặt hàng ở đây là gia súc, rượu ngô địa phương, quần áo sặc sỡ và đồ gia dụng. Ảnh: Justin Mott/ New York Times.
Tài xế đã đưa chúng tôi đến với quang cảnh là những con dốc lấp lánh ánh nắng, những rặng núi răng cưa và những thung lũng treo. Tại Cổng Trời Quản Bạ Hà Giang, hướng dẫn viên đã dừng lại để chúng tôi có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh bầu trời rực rỡ mở ra trước mắt.
"Đây chỉ là khởi đầu. Chúng ta sẽ bay cao như những đám mây!", tài xế đã nói với tôi như vậy.
Với nền văn hóa được bảo tồn độc đáo (khoảng 90% là dân tộc thiểu số), Hà Giang là một trong những vùng đất hiếm hoi vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Cổng trời Quản Bạ Hà Giang được biết đến là cửa ngõ đầu tiên trong hành trình chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn.
Trong những năm gần đây, số lượng du khách nước ngoài đến Hà Giang đã tăng mạnh kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam vào năm 2010.
"Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm đến đã thôi thúc chúng tôi đến Hà Giang cũng như hầu hết những du khách mạo hiểm đến khu vực này", tác giả viết.
Theo tác giả, thị trấn yên tĩnh đến kỳ lạ khi chúng tôi đến Đồng Văn, nơi ô tô và điện thoại hầu như không còn sử dụng đến. Cảm giác như thể chúng tôi vừa hạ cánh xuống một "phiên bản châu Á" của miền Tây hoang dã nước Mỹ.
Vẻ đẹp sơ khai của đỉnh thiêng Mã Pì Lèng. Ảnh: Toquoc
Bữa tối tại khách sạn gồm các món ăn như cà chua hầm, gà luộc, rau xào tỏi, một đĩa cơm đầy ắp và nước sốt ớt tươi rắc hành tây và rau mùi, giúp chúng tôi cảm thấy no nê sau một ngày dài du lịch.
Theo tác giả, Đồng Văn trở nên sống động vào lúc bình minh, có vẻ giống như vào một buổi sáng cuối xuân của thế kỷ 18. Những người phụ nữ Hmong đội mũ đội đầu màu hồng và xanh lá cây rực rỡ đi xuống từ nơi ở trên đỉnh đồi, mang theo những chiếc giỏ tre nặng đựng ngô và rau đến chợ thị trấn. Những người buôn bán hối hả mang theo thuốc lá, trà và thuốc bổ nhân sâm tự làm. Những người nông dân dắt trâu nước quanh rìa chợ.
"Chúng tôi nán lại bên trong một ngôi nhà của một thương nhân có từ thế kỷ trước đã được cải tạo thành quán cà phê, thưởng thức những ly sinh tố xoài đặc và cà phê đậm, trước khi đi vào chợ để tìm bữa sáng. Chúng tôi mua một món bánh địa phương được gói trong lá thuốc bản to và buộc lại như những gói quà xinh xắn. Một món đặc sản của người H'Mông là bánh ngô hấp vàng ươm thật tuyệt vời", tác giả Jennifer Bleyer viết.
Bức tranh toàn cảnh về điểm đến hấp dẫn
Sua, một phụ nữ trẻ người H'Mông trắng làm việc tại khách sạn, đã dẫn chúng tôi trải nghiệm đi bộ đường dài ở vùng nông thôn. Mặc một chiếc váy dệt tay thủ công truyền thống và khăn trùm đầu màu xanh chàm, Sua mỉm cười tươi tắn và nói: "Tôi sẽ đưa các bạn đi trên con đường mòn nhỏ xinh đẹp".
Trong 5 giờ, chúng tôi đã đi theo Sua vào những ngọn đồi trên những con đường mòn hẹp, dốc cao đáng kinh ngạc và đây cũng chính là con đường chính hàng ngày của người dân địa phương đi bộ giữa các thôn xóm, cánh đồng của họ và Đồng Văn.
Sau khi leo lên một con dốc cao bên ngoài ngôi làng, chúng tôi đứng trước một bức tranh toàn cảnh kỳ lạ về các khối đá vôi có hình dạng khổng lồ đặc biệt. Thật bất ngờ, những gì trước mắt chúng tôi là một quang cảnh siêu thực với những núi đá khổng lồ, hang động và hố sụt.
Trên những trục đá cao vút, ngô được trồng trọt nhô lên giữa những tảng đá. Những ngôi nhà gắn chặt vào sườn núi. Những đốm sáng màu đỏ di chuyển trên đỉnh núi là những phụ nữ miền núi đang di chuyển xung quanh, chăm sóc mùa màng.
Tác giả trong chuyến trải nghiệm Hà Giang. Ảnh: Justin Mott/The New York Times
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường sớm cho chặng cuối cùng của hành trình khám phá Hà Giang. Hành trình dài 14 dặm từ Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc, một chặng đường mà một số người cho là tuyệt vời nhất cả nước. Được xây dựng bắt đầu từ năm 1959, con đường hẹp nối liền hai thị trấn bám vào sườn một hẻm núi lớn và sẽ không dành cho những người yếu tim.
"Quang cảnh tuyệt vời đến mức khiến tôi trầm trồ kinh ngạc. Sông Nho Quế, sâu 2.600 feet dưới đáy hẻm núi. Con đường nhô lên rồi hạ xuống, ngoằn ngoèo và cao vút. Các gia đình người H'Mông và Tày phóng xe máy qua chúng tôi, không hề nao núng trước sự chênh vênh chóng mặt bên cạnh họ", tác giả kể lại.
Ở thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm "chợ tình" khi người dân tộc thiểu số từ khắp nơi đổ về đây để tìm kiếm bạn đời.
Quay trở lại, chúng tôi đi qua chợ phiên Lũng Phìn. Phiên chợ có tất cả, với những câu chuyện phiếm từ trên đỉnh đồi mang xuống đây và ẩm thực đa dạng từ những bát súp thịt ngựa đến rượu ngô whisky.
"Lần sau đến đây, bạn phải chắc chắn phải đến đó xem", hướng dẫn viên đã nói với chúng tôi như vậy sau khi chào tạm biệt.
Và tất nhiên, chúng tôi gật đầu, tràn đầy mơ ước một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Lúc này, thị trấn vẫn tĩnh lặng, chỉ có một vài cụ già hút tẩu tre và trẻ em chạy trên phố. Chúng tôi nhìn lại họ, con đường trải dài phía sau chúng tôi, rồi bắt đầu chặng đường dài xuống chân cao nguyên đá./.
Sao chép thành công