Báo Giáo dục & Thời đại,

Đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Nhận diện rào cản

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 22:18:05 29/09/2024 theo đường link https://giaoducthoidai.vn/dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-nhan-dien-rao-can-post701908.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hà Nguyên
Theo dõi báo trên
GD&TĐ - Dù dạy học ngoại ngữ luôn được quan tâm và có bước chuyển vượt bậc nhưng còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) trong buổi định hướng học tập đầu năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC
Ngoại ngữ vẫn là môn có số học sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất so với các môn thi khác.
Đầu vào thấp Dù điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 của Trường THPT số 2 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) là 18 nhưng nhiều học sinh có kết quả bài của môn Anh văn ở mức 1 điểm. Theo thống kê, chỉ có 50 trong tổng số 370 em có điểm bài thi môn Anh văn trên điểm trung bình. Điểm môn Tiếng Anh từ 1 - 2,5 điểm chiếm đa số. Có trường hợp, điểm thi 2 môn Toán, Ngữ văn cao, nhưng môn Anh văn vừa đủ để thoát điểm liệt.
Tương tự, trung bình điểm bài thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 của Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là 3 điểm. Trong số này, nhiều thí sinh điểm bài thi chỉ đạt ở mức 1 điểm, vừa đủ tránh điểm liệt.
Cô Nguyễn Thị Ngọc - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT số 2 Đức Phổ cho biết: “Gần như năm nào điểm bài thi môn Anh văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của nhà trường cũng thấp. Cá biệt, có học sinh khi khảo sát lại thì các kiến thức, kỹ năng gần như bằng 0. Thường thì sau bài kiểm tra giữa học kỳ I của lớp 10, tổ chuyên môn phải thống kê chất lượng để xây dựng giải pháp dạy học phù hợp. Trong đó, chú trọng phụ đạo thêm cho nhóm học sinh trung bình - yếu”.
Theo đó, để học sinh không “sợ” môn Anh văn, trong các tiết dạy, cô Ngọc thường xuyên tổ chức hoạt động như trò chơi, đố vui, xây dựng bài tập, câu hỏi theo hướng bám sát năng lực để giúp các em cải thiện cột điểm đánh giá thường xuyên.
“Trước hết, phải làm cho học sinh thấy việc học có nhiều niềm vui, không nhàm chán thì mới động viên các em theo các lớp học phụ đạo. Dù phụ đạo miễn phí nhưng nếu học quá áp lực, học sinh sẽ không đăng ký theo học thì chất lượng dạy - học không thể cải thiện”, cô Ngọc chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực của giáo viên tổ Ngoại ngữ, Trường THPT số 2 Đức Phổ đã góp phần cải thiện điểm thi môn Anh văn của học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Điểm trung bình môn Anh văn của nhà trường là 5,2 điểm, chỉ có một học sinh bị điểm liệt.
Điểm trung bình môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 của Trường THPT Hướng Phùng là 3,27. Trong đó, điểm từ 3,5 đến 4,0 chiếm khoảng 30%; số bài thi có kết quả từ 2,0 đến 3,0 điểm chiếm đa số với trên 50%. 20% bài thi có kết quả trên trung bình và không có điểm liệt.
Cô Tu Rê Diệu Thu - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hướng Phùng chia sẻ: “Học sinh Trường THPT Hướng Phùng đa phần con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em hạn chế cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nên giáo viên vừa dạy học bài mới vừa phải ôn lại kiến thức các lớp dưới cho học sinh.
Sau mỗi giờ học, giáo viên thu vở một số học sinh để chấm, nhận xét nhằm giúp các em rèn thêm kỹ năng viết, ngữ pháp. Việc chấm vở phải xoay vòng để học sinh nào cũng được chấm, sửa lỗi. Các bài tập bằng hình thức viết chủ yếu để học sinh tự làm bài ở nhà, giáo viên chấm sửa cho từng em. Hoạt động dạy học trên lớp tập trung rèn kỹ năng nghe - nói”.
Học sinh Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: NTCC
Xây dựng động cơ học tập Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng cho biết, nhà trường có 1 phòng ngoại ngữ, chỉ đáp ứng được yêu cầu dạy - học tối thiểu. “Phòng ngoại ngữ khác phòng học thông thường là có bảng tương tác, một máy tính cài phần mềm cơ sở dữ liệu dạy học môn Anh văn chứ không được trang bị mỗi học sinh/máy.
Mỗi buổi, 5 - 6 lớp có thời khóa biểu môn Anh văn, vì vậy khó thu xếp để lớp nào cũng được học ở phòng bộ môn. Chủ yếu giờ thao giảng, rèn kỹ năng… thì giáo viên mới tổ chức dạy - học ở phòng bộ môn”, thầy Thịnh nêu thực trạng.
Để khắc phục những hạn chế trong dạy - học ngoại ngữ, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã hướng dẫn các trường học có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất như tivi, máy chiếu, hệ thống máy tính kết nối Internet ở các lớp học, hệ thống phát wifi có dung lượng lớn đảm bảo nhiều người truy cập cùng lúc.
Chỉ tính trong học kỳ I, năm học 2023 - 2024, về khai thác nền tảng hỗ trợ dạy học trực tuyến có 5 trường gồm: THPT Hướng Hoá, THPT Đông Hà, THCS&THPT Cồn Tiên, THPT Nguyễn Huệ, THPT Hướng Phùng tăng trên 30%, 5 trường gồm: THPT thị xã Quảng Trị, THPT Gio Linh, THPT Vĩnh Định, THPT Cửa Tùng, THCS&THPT Bến Quan tăng từ 15 - 29,9% so với năm học 2022 - 2023.
Các trường THPT Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Hướng Hoá tích cực gửi tài liệu để Eduso số hóa đưa lên hệ thống giúp học sinh ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Hội đồng bộ môn Tiếng Anh tiếp tục phối hợp với Eduso xây dựng bài ôn tập chủ đề theo định hướng thi tốt nghiệp THPT để nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh hiệu quả.
Thầy Thạch Cảnh Bê - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đức Phổ chia sẻ: “Từ năm 2024 trở về trước, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên học sinh phải đầu tư nhiều thời gian học tập để đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Chất lượng dạy - học ngoại ngữ vì thế có sự cải thiện rõ rệt khi so sánh giữa đầu vào lớp 10 và điểm số bài thi tốt nghiệp THPT”.
Thế nhưng, theo quy định mới, từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để duy trì chất lượng, cô Nguyễn Thị Ngọc - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT số 2 Đức Phổ gợi ý: “Ngay từ năm lớp 10, giáo viên bộ môn phải hình thành được động cơ học tập đối với môn Ngoại ngữ, tạo đà để các em học tốt trong những năm tiếp theo. Học tốt môn Tiếng Anh sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho học sinh trong giao tiếp và phát triển nghề nghiệp tương lai.
Đặc biệt, những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng tuyển sinh bằng phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL, chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam... Chưa kể, đây cũng là môn điều kiện xét tốt nghiệp đại học của rất nhiều trường”.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ, tăng hơn 20.000 thí sinh so với năm 2023. Số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ chiếm 6,25% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ nhiều nhất cả nước với 21.554 thí sinh, TPHCM có 13.076 thí sinh.
Sao chép thành công