Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Emagazine: Hiến tặng sự sống
Emagazine: Hiến tặng sự sống
Với thông điệp “Cho đi là còn mãi…”, hàng trăm người trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tình nguyện đăng ký hiến xác, giác mạc, mô, tạng để cứu người. Nghĩa cử cao đẹp của họ đã khiến cuộc sống càng thêm tươi đẹp, ý nghĩa sẽ góp phần giảm bớt đau thương cho không ít gia đình và mang lại sự sống cho nhiều người.
Chúng tôi gặp ông Huỳnh Ngọc Tâm (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) khi vừa hết ca trực bảo vệ. Tuy đã 60 tuổi nhưng ông vẫn rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Cam Nghĩa, ông cẩn thận mở tủ lấy ra xấp thẻ hiến máu tình nguyện mà mình đã tham gia hiến hơn 30 năm nay. Mân mê từng tấm, rồi ông dừng lại rất lâu ở tấm thẻ đăng ký hiến tạng. Ông chậm rãi kể, bản thân vốn là lính công binh đóng quân tại bán đảo Cam Ranh, xuất ngũ năm 1988. Năm 1990, biết tin người bạn bị tai nạn đang cần máu để phẫu thuật, ông đã tới thẳng Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh để hiến. Nhờ được ông hiến máu kịp thời, ca phẫu thuật thành công. “Khi hiến xong, tôi cũng lo bởi thời điểm đó quan niệm cho máu là mất đi sức khỏe. Nhưng khi biết tin bạn tôi được cứu sống, tôi hạnh phúc và thấy quyết định của mình rất đúng. 6 tháng sau, tôi tiếp tục hiến máu cứu sống sản phụ bị băng huyết. Sau 2 đợt hiến máu, thấy sức khỏe bình thường nên tôi càng vững tin với quyết định của mình”, ông Tâm tâm sự. Từ đó, đều đặn hàng năm, ông tham gia hiến máu, đến nay đã được 58 lần. Ông còn hiến tiểu cầu 5 đợt, cứu sống một số trường hợp nặng như sản phụ ở Diên Khánh, cậu bé mồ côi cha mẹ ở Cam Ranh…
Ông Huỳnh Ngọc Tâm chia sẻ câu chuyện về việc đăng ký hiến tạng.
Năm 2008, trong một lần đi hiến máu, được tuyên truyền về chương trình hiến tạng cứu người, ông không ngần ngại đăng ký. “Ban đầu, vợ và con tôi không ủng hộ. Tôi phải rỉ rả hàng ngày để vợ hiểu, thay vì chôn cất thì thân thể của tôi nếu hiến tặng có thể cứu sống được người khác. Vợ tôi hiểu ra rồi cũng đồng ý”, ông Tâm chia sẻ. Sau 2 năm đăng ký, năm 2010 ông đã được cấp thẻ và cho đến nay, tấm thẻ đó luôn được ông giữ bên mình.
Ông Huỳnh Ngọc Tâm xem lại những bằng khen, giấy khen ghi nhận hoạt động hiến máu nhân đạo của mình.
Về thôn Đại Điền Đông 1 (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), hỏi đường tới nhà ông Đồng Tâm, ai cũng biết. Với hơn 40 năm công tác tại địa phương ở nhiều vị trí khác nhau, ông Tâm luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Do vậy, chúng tôi cũng hiểu vì sao ông là người đầu tiên của xã đăng ký hiến tạng vào năm 2016. Ông chia sẻ: “Khi mình chết thì cơ thể cũng sẽ trở về cát bụi. Cho nên tôi muốn hiến tạng để giúp cho những người bị bệnh có cơ hội được cứu sống. Rất hữu duyên, năm 2016, khi đang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, tôi có tham gia lớp tập huấn do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (nay là Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bộ Y tế) tổ chức tại Khánh Hòa. Sau tập huấn, tôi và 10 người đã đăng ký hiến tạng”. 6 năm sau khi nhận thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô, hiến tạng, vợ con ông Tâm mới biết đến quyết định của ông nhưng ai cũng đồng lòng ủng hộ. Anh Đồng Minh Hiệp, con trai của ông Tâm - giáo viên Trường Tiểu học Diên Điền chia sẻ: “Tôi là một trong những giáo viên tình nguyện ra Trường Sa dạy học trong giai đoạn 2013 - 2018 nên khi biết được quyết định của ba tôi rất tự hào và thấy vô cùng ý nghĩa. Vì thế, noi theo tấm gương của ba, tôi đang tìm hiểu thủ tục để đăng ký hiến tạng”.
Ông Đồng Tâm và con trai xem các thông tin ghi trên thẻ ghi nhận đăng ký hiến tạng của ông.
Sau 6 năm, chúng tôi quay lại nhà ông Nguyễn Phượng Hoàng (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) - một trong những người đầu tiên ở tỉnh đăng ký tham gia hiến xác, hiến tạng. Ở góc sân, cây xoài hơn 70 tuổi vẫn xanh lá, trĩu quả như cũ, chỉ có căn nhà mái tôn, nền xi măng cũ kỹ đã được thay mới bằng ngôi nhà khang trang mái ngói, nền gạch men. Tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Hoàng Văn - con trai của ông Hoàng. Dẫn chúng tôi vào thắp nén hương cho ông Hoàng, anh Văn cho biết, ba anh đã mất được 2 năm. “Ông mất quá đột ngột, bị nhồi máu não, khi đó gia đình bối rối không biết liên hệ với ai, đơn vị nào để nhận xác nên tôi đành đưa ông về chôn cất. Tiếp nối di nguyện của ba, tôi đã đăng ký tham gia hiến tạng” anh Văn kể.
Tâm sự với chúng tôi, anh Văn cho biết, 18 năm trước, sau cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân của mẹ, ba anh bị sốc nặng. Năm 2011, khi biết đến chương trình này, ba anh đã quyết định đăng ký tham gia hiến xác. Khi ông Hoàng thông báo đăng ký tham gia hiến xác, anh Văn lúc đó vẫn chưa chấp nhận được quyết định này. Sau khi bỏ việc ở TP. Hồ Chí Minh về sống chung với ba, nghe ba tâm sự, mong muốn lớn nhất của ông sau khi mất đi, cơ thể ông có thể góp một phần nhỏ giúp các sinh viên, nhà khoa học tìm ra được các phương thức chữa bệnh khác nhau, để nhiều gia đình không phải mất người thân đột ngột như gia đình anh, anh Văn đã không kìm được nước mắt và đồng ý ký vào đơn hiến xác của ba. Anh Văn tâm sự: “Sau đó, tôi có tìm hiểu và thấy chương trình này quá ý nghĩa. Sự ra đi của người này sẽ giúp người khác hồi sinh sự sống nên tôi đã quyết định đăng ký tham gia hiến tạng”.
Vợ chồng bà Phạm Thị Út và ông Đinh Sĩ Hiệp (TP. Cam Ranh) cùng với các con trong dịp Tết.
Chúng tôi gặp gỡ gia đình bà Phạm Thị Út và ông Đinh Sĩ Hiệp (TP. Cam Ranh) vào ngày cuối tuần. Ở tuổi lục tuần, niềm vui chính của ông bà là chăm sóc, sum vầy bên con cháu. Kể về quyết định hiến tạng, ông Hiệp cho biết, cuối năm 2017, trong một lần xem chương trình lễ tri ân người hiến xác của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trên truyền hình, xúc động với nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tạng, hiến xác, ông Hiệp rủ vợ cùng đăng ký hiến tạng. Nói là làm, ngay ngày hôm sau, vợ chồng ông Hiệp tới Hội Chữ thập đỏ TP. Cam Ranh tìm hiểu thủ tục đăng ký hiến tạng và nhận được thẻ sau 2 năm đăng ký. “Lúc nhận được thẻ tôi rất hạnh phúc vì biết rằng sự sống sẽ được tiếp tục nối dài khi những người như chúng tôi về “thế giới bên kia””, bà Út nói.
Thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 150 người đã đăng ký hiến xác, hiến tạng, mô, giác mạc nhưng chỉ hơn 50 người đã nhận thẻ. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Viết Hoa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, để tạo điều kiện cho những người có nguyện vọng đăng ký hiến mô, hiến tạng, hội đã thành lập đội tư vấn, phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các trường đại học y dược... để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu, nguyện vọng nắm bắt các thông tin cần thiết và thuận lợi khi đăng ký. Năm 2016, hội đã mời lãnh đạo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia về tỉnh tập huấn những kiến thức cơ bản của hoạt động này cho cán bộ hội các cấp. “Tuy nhiên, hiện nay, do không có kinh phí nên công tác truyền thông, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động này cho hội viên chưa được thường xuyên. Để phong trào này phát triển, cùng với sự chỉ đạo tích cực từ các cấp lãnh đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bộ Y tế cần đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn truyền thông cho cơ sở hội; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác truyền thông”, ông Hoa kiến nghị.
Theo ông Hoa, khi người đăng ký hiến tạng, hiến xác bị chết não, người nhà và hội chữ thập đỏ làm thế nào để liên hệ với các cơ sở y tế cần hiến tạng theo đúng nguyện vọng? Đây cũng là băn khoăn, vướng mắc hiện nay. Do đó, theo lãnh đạo hội, các cơ quan chức năng cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất về nội dung trên để hội có căn cứ tuyên truyền, hướng dẫn đúng cho cấp hội cơ sở và người hiến.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 2 năm 2022 và 2023, mỗi năm Việt Nam đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay, chỉ có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086% dân số, rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tháng 5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “Cho đi là còn mãi”.