Báo 24h.com.vn,

Giá rau tăng vọt sau bão: Nông dân chật vật khắc phục, người tiêu dùng chia sẻ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 05:37:09 06/10/2024 theo đường link https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/gia-rau-tang-vot-sau-bao-nong-dan-chat-vat-khac-phuc-nguoi-tieu-dung-chia-se-c52a1608292.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Chia sẻ
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc
Giọng đọc
Sau cơn bão số 3, thị trường rau, củ quả tại Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm. Rau xanh, một mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày, đã trở nên xa xỉ khi giá tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí vượt qua giá các loại thực phẩm như thịt, cá. Người nông dân chật vật khôi phục sản xuất
Người nông dân, vốn đã phải vật lộn với thiên tai, nay càng thêm khó khăn khi mùa màng bị tàn phá nặng nề. Tại các vùng ngoại thành Hà Nội, nhiều cánh đồng rau xanh bị ngập úng, khiến cho phần lớn sản lượng rau không thể thu hoạch kịp thời. Những nỗ lực cứu vãn tình hình sau bão cũng không thể giúp họ phục hồi ngay lập tức.
Sau cơn bão số 3, người nông dân phải chật vật khôi phục sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Cơn bão đến bất ngờ và quá mạnh, chúng tôi không kịp thu hoạch hết rau. Sau bão, nhiều diện tích trồng rau đã bị hỏng hoàn toàn. Giờ chúng tôi chỉ có thể dựa vào số rau còn sót lại, nhưng giá thành cao cũng không thể bù đắp hết thiệt hại."
Việc khôi phục sản xuất sau bão cần nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, các nông dân không thể nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, dẫn đến nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu.
Còn rất nhiều các ruộng rau khác vẫn chưa thể khắc phục kịp thời sau cơn bão.
Tại các vùng chuyên canh rau xanh, người nông dân đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ việc cải tạo đất, xử lý môi trường cho đến bài toán chi phí để mua cây giống và phân bón phục vụ sản xuất. Trong tình cảnh này, rất nhiều hộ gia đình trồng rau phải áp dụng nhiều giải pháp "lấy ngắn nuôi dài" nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định lại nguồn cung cho thị trường.
Là một trong những hộ gia đình phải tạo lại ruộng rau sau lũ lụt, chị Lương Thị Hiền (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi cùng các hộ trồng rau tại đây đang phải cải tạo toàn bộ ruộng vườn sau cơn bão. Chúng tôi buộc phải dọn dẹp thủ công, không thể sử dụng máy móc, khiến quá trình này tốn rất nhiều thời gian và công sức. Hiện tại, vẫn chưa biết khi nào chúng tôi mới có thể khôi phục hoàn toàn để trồng rau và đưa ra thị trường trở lại. Vì vậy, chúng tôi đang ưu tiên trồng các loại rau cải, rau ngắn ngày, chỉ mất khoảng 1-1,5 tháng để thu hoạch, để thay thế tạm thời cho các loại rau khác”.Giá rau tăng chóng mặt, người mua chia sẻ khó khăn
Tại các thị trường tiêu dùng Hà Nội, giá rau xanh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước bão. Các loại rau phổ biến như rau muống, cải xanh và cà chua đều có mức giá tăng vọt. Chẳng hạn, rau ngót được bán với giá 18.000 đồng/bó, còn cà chua đã tăng mạnh lên 30.000-40.000 đồng/kg. Tại chợ dân sinh quận Cầu Giấy, giá rau thậm chí đã vượt qua cả giá thịt và cá.
Bạn Yến Nhi (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sống tại quận Cầu Giấy, chia sẻ: "Giá rau bây giờ cao gấp đôi trước đây. Hôm nay mình phải mua một bó rau với giá 20.000 đồng. Để bữa ăn đủ rau, mình thường phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn rất nhiều để không bị hụt vào tiền ăn hằng tháng”.
Người nông dân thất thu khiến các tiểu thương cũng chật vật trong việc tìm nguồn cung mới để duy trì việc buôn bán. Anh Thái, tiểu thương tại chợ rau Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội), là một trong số đó. Trước đây, mỗi sào rau có thể thu hoạch hàng tạ. Hiện nay, anh Thái phải dậy sớm hơn để đi gom rau khắp xã mới đủ cho một xe hàng. Anh chia sẻ: "Hàng ngày, tôi phải dậy sớm hơn, đến các đầu mối khác nhau để nhập được nhiều loại rau, củ đa dạng. Hiện tại, rau vẫn chưa thể trồng lại với số lượng lớn, trong khi giá nhập hàng lại rất cao. Những ruộng rau bạt ngàn trước kia đã bị quét sạch. Những tiểu thương như chúng tôi nhập hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, những loại rau trồng lâu ngày có giá cả càng đắt đỏ hơn”.
Chia sẻ với nhóm phóng viên, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự cảm thông với người nông dân. Chị Hương, sống tại quận Hà Đông, cho biết: "Chúng tôi hiểu nông dân đang chịu nhiều thiệt hại sau bão. Vì vậy, dù giá có tăng, tôi vẫn mua để ủng hộ họ. Rau xanh là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn của gia đình tôi nên tôi vẫn cố gắng mua để đảm bảo cân bằng các chất trong bữa ăn”.
Dù giá thành cao nhưng rau xanh vẫn là một loại thực phẩm được ưu tiên trong các bữa ăn.
Trước tình trạng giá rau xanh tăng cao, nhiều siêu thị và nhà bán lẻ đã nhập khẩu rau từ các khu vực khác để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và không thể thay thế hoàn toàn sản phẩm nội địa.
Trong thời gian tới, hy vọng thị trường rau củ sẽ sớm khôi phục sản xuất, đưa nguồn cung rau củ trở lại bình thường. Khi giá cả ổn định, sức tiêu thụ sẽ được thúc đẩy, mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Sao chép thành công