Báo Công Thương-Tin tức kinh tế cập nhật mới nhất 24h qua,

Giá thành rẻ, chất lượng tốt, cát nhân tạo vẫn khó tiếp cận thị trường

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:21:13 18/09/2024 theo đường link https://congthuong.vn/gia-thanh-re-chat-luong-tot-cat-nhan-tao-van-kho-tiep-can-thi-truong-346495.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tận dụng nguồn nguyên liệu đá thải, cát nhân tạo được tạo ra với chất lượng tốt và bán với giá thành rẻ, thế nhưng lại khó tiếp cận thị trường do tâm lý e ngại.
Quy trình tạo ra cát nhân tạo
Thanh Hóa là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó, có cát, đá. Tuy nhiên, qua thời gian, trữ lượng cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, cũng như khai thác cát đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguồn nguyên liệu đá thải, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường.
Đại diện Công ty TNHH Hoàng Tuấn (Khu công nghiệp Hoàng Long, TP. Thanh Hóa) cho biết, doanh nghiệp được giao khai thác mỏ đá tại xã Hà Tân (Hà Trung). Trong quá trình khai thác, một lượng lớn đá vụn thải ra bị bỏ đi, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Công ty TNHH Hoàng Tuấn. Ảnh: Quốc Huy
Vào năm 2019, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá để tạo ra sản phẩm cát sạch chất lượng cao. Dây chuyền áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, tổng nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng với công suất đạt 150.000 tấn/năm.
Đây là dây chuyền sản xuất cát nhân tạo đồng bộ, cát nhân tạo sẽ được tạo ra qua các quy trình sau: Nguyên liệu đá thải được đổ vào máy cấp liệu rung, sau đó được tách ra ngoài theo băng chuyền về khu vực máy đập thô và tiếp tục được đưa vào máy kẹp hàm và máy nghiền phản kích.
Sau công đoạn nghiền, đá sẽ được sàng phân loại theo các kích cỡ khác nhau, rồi chuyển qua máy nghiền cát. Quá trình này làm cho vật liệu va đập chuyển động tương hỗ với tốc độ cao, ma sát giữa các nguyên liệu tạo thành sản phẩm cát thô. Nguyên liệu đã qua máy nghiền cát chuyển lại máy sàng rung để tiếp tục sàng lọc, các hạt cát sàng lọc đủ độ nhỏ theo tiêu chuẩn sẽ qua băng tải chuyển đến máy rửa để làm sạch trước khi xuất xưởng.
Cát nhân tạo được sản xuất ra với chất lượng tốt, giá thành rẻ. Ảnh: Quốc Huy
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhận định, cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như hạt đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở mức độ nội bộ doanh nghiệp; có nghĩa, doanh nghiệp tự sản xuất và tự tiêu thụ cho nhu cầu sử dụng của mình. Trong khi đó, giá bán cát nhân tạo thấp hơn nhiều so với cát tự nhiên, tiết kiệm được xi măng trong quá trình xây dựng.
Khó tiếp cận thị trường
Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên; năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có 18 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá với tổng công suất 1.390.000m3/năm. Trong đó, các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền có công suất lớn là Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Công ty TNHH MTV Tân Thành 2, Công ty CP Nghi Sơn 36, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên... Những doanh nghiệp này đều có dây chuyền sản xuất với công suất đăng ký là 150.000m3/năm và được cấp phép khai thác mỏ đá, hoặc sản xuất bê tông tươi thương phẩm.
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư dây chuyền sản xuất ra cát nhân tạo nhưng chỉ mới dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu cho đơn vị mình. Ảnh: Quốc Huy
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn - chia sẻ, dùng cát nhân tạo đã giải quyết được tình trạng nhiều lúc cát tự nhiên khan hiếm, không có vật liệu để sản xuất thì cát nhân tạo đã một phần giải quyết được những khó khăn cho công ty. Tuy nhiên để cát nhân tạo tiếp cận thị trường, vẫn còn gặp khó khăn như cát nhân tạo chưa được thông tin rộng rãi đến người dân. Người dân chưa thực sự hiểu hết được chất lượng cũng như chưa có sự tin tưởng về cát nhân tạo, qua đó gây khó khăn cho việc đưa cát vào sử dụng rộng rãi và thường xuyên.
Để kích cầu sản xuất cát nhân tạo, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách kích thích sản xuất. Ở Thanh Hóa, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”.
Cát nhân tạo dù có chất lượng tốt, giá thành rẻ nhưng vẫn khó tiếp cận thị trường. Ảnh internet
Nhìn nhận từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng Phòng Quản lý Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Thanh Hóa - cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18 triệu m3, nhưng nhu cầu được dự báo cần khoảng 26,01 triệu m3, còn thiếu khoảng 8,01 triệu m3. Nhu cầu này chưa tính nguồn cát xây dựng cho công trình quốc gia trên địa bàn và nhu cầu xây dựng nhà dân. Để bù vào sự thiếu hụt này, cát nhân tạo đang là một phần của giải pháp. Nguồn vật liệu này còn đóng vai trò làm giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên, giảm hiện tượng khai thác cát trái phép gây sạt lở lòng sông, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương có mỏ cát tự nhiên.
Tuy nhiên, người dân vẫn không mặn mà với nguồn cát này, xuất phát từ tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Hiện nay, các dây chuyền sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở sản phẩm cát bê tông. Nếu sản xuất cát xây trát, doanh nghiệp chỉ cần thay mặt sàng với chi phí chưa đầy 100 triệu đồng; nhưng doanh nghiệp có sản xuất ra cát xây trát nhân tạo cũng khó tiếp cận được thị trường.
Quốc Huy
Bạn thấy bài viết này thế nào? Kém Bình thường Hứa hẹn ★★★
Tốt ★★★★
Rất tốt
Sao chép thành công