và 4 tác giả khác
Sau 3 ngày tranh tài, vòng loại khu vực Bình Dương Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 đã để lại nhiều khoảnh khắc xúc động, câu chuyện đặc biệt về tình cảm gia đình và tình yêu bóng đá.
Phan Lý Tình (trái) và em trai Phan Lý Nghĩa cùng nhau giành vé đến vòng chung kết Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Anh em Tình, Nghĩa lại đi chung kết Đều là đội nhà nhưng trận tranh hạng ba giữa Sacombank Bình Dương và Công đoàn Bình Dương 2 vẫn khiến không khí trên sân như bùng nổ khi phải quyết định bằng loạt luân lưu sau 60 phút thi đấu máu lửa, bất phân thắng bại.
Đứng ở một góc khán đài chăm chú theo dõi trận đấu, ông Phan Minh Kiệt (57 tuổi) là CĐV đặc biệt nhất trên sân khi đội nào thắng cũng... vui. Ông Kiệt chia sẻ: "Hai thằng con đá hai đội, thằng anh một đội, thằng em một đội.
Năm ngoái hai đứa làm chung công ty thì đá chung một đội. Năm nay thằng em đã chuyển sang làm chỗ khác nhưng mà vẫn gặp nhau trên sân, có điều tụi nó giờ lại là đối thủ của nhau". Suốt ba ngày thi đấu vòng loại khu vực Bình Dương, ông Kiệt đều có mặt ở hàng ghế khán giả cổ vũ mọi trận đấu có hai con trai tham gia.
Hai người con trai của ông Kiệt là Phan Lý Tình (Công đoàn Bình Dương 2) và Phan Lý Nghĩa (Sacombank Bình Dương). Quê ở Kiên Giang, cha của Tình, Nghĩa lên Bình Dương đi làm công nhân từ nhiều năm trước. Sau đó, cả hai anh em cũng chọn Bình Dương làm nơi mưu sinh, lập nghiệp.
Cuộc sống công nhân vất vả, nhưng họ đều có bóng đá là niềm vui sau những ngày làm việc. Những lần đội bóng của cả hai đá cùng giờ, kết thúc trận sớm hơn thì Nghĩa lập tức chạy sang sân của anh hai để xem anh mình thi đấu.
"Lúc làm chung với anh hai ở Công ty Thành Thắng Thăng Long, hầu như chiều nào tan ca hai anh em cũng đá bóng với nhau. Hồi tháng 8-2023, tôi chuyển đến làm công ty khác thì không còn đá chung với anh nữa. Điều tiếc nhất là năm nay không được cùng anh hai bảo vệ chức vô địch vòng loại như năm ngoái. Nhưng tôi cũng rất vui vì cả hai anh em đều sẽ ra Hà Nội dự vòng chung kết cho dù thi đấu khác đội", Nghĩa chia sẻ.
Cả nhà cùng mê bóng đá Trong ngày thi đấu cuối cùng của vòng loại khu vực Bình Dương, nhiều em nhỏ cũng đến sân cổ vũ cho cha mình. Bé Gia Bách (4 tuổi) theo mẹ lên sân để cổ vũ cho ba ở đội Công đoàn Bình Dương 2. "Chồng tôi mê bóng đá từ hồi đi học tới giờ. Học xong ở Cà Mau lên Bình Dương làm công nhân, anh vẫn đi đá với công ty ở các giải phong trào. Hai mẹ con cũng thường đi theo cổ vũ cho anh", chị Diễm My (28 tuổi) vừa dõi mắt theo chồng thi đấu vừa chia sẻ.
Ở khu khán giả, bé Gia Bách cũng gặp lại "đồng đội" là cậu bé Trần Trung Kiên (7 tuổi). Ba của Bách và Kiên làm cùng công ty, đá cùng một đội, nên những trận đấu tập hai bé cũng đi theo và cũng tập tành đá bóng như ba. Hai gia đình nhỏ đã không còn xa lạ gì với nhau khi nhiều lần cùng ngồi ở hàng ghế khán giả cổ vũ cho chồng, cho ba.
Không chỉ có Gia Bách và Trung Kiên, ngày thi đấu cuối cùng còn có nhiều em nhỏ khác theo cha mẹ đến cổ vũ cho các đội bóng. "Nhà có bốn người thì đi cả bốn, hai vợ chồng tôi với hai đứa con. Con trai năm nay học lớp 11 cũng mê bóng đá lắm nên đưa con theo luôn để con xem các đội thi đấu", chị Khuất Thị Hằng - công nhân Công ty TNHH Hài Mỹ - chỉ vào cậu con trai đang chăm chú dõi mắt vào trận đấu trên sân chia sẻ.
Hai vợ chồng chị Hằng (người quê Thanh Hóa, người quê Hà Nội) tha hương vào Bình Dương lập nghiệp đã gần 20 năm nay. Công ty chị đang làm có đội bóng và cũng thường tổ chức các giải thi đấu nội bộ và các giải phong trào.
"Đội bóng của công ty cũng thi đấu vòng loại nhưng không vào được vòng trong. Nhưng nay cả nhà vẫn đi cổ vũ vì đam mê", chị Hằng chia sẻ thêm. Ở nhà, con trai chị cũng thường xuyên đi đá bóng vào cuối tuần để rèn luyện sức khỏe và được chị ủng hộ hết mình. "Con đi đá ở các sân 5 người, 7 người với các bạn để giải trí sau cả tuần học hành. Đá bóng thì cũng không tốn kém gì, chỉ vài chục ngàn tiền sân mỗi buổi mà con có sân chơi thể thao lành mạnh thay vì mê game, mê điện thoại", chị cho biết.
Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 mang lại niềm vui lớn cho người lao động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nên duyên từ sân bóng Và cũng từ những sân bóng phong trào, đã có những chuyện tình đẹp được đơm hoa kết trái. Trong những ngày thi đấu cho đội Công đoàn Bình Dương 1, anh Nguyễn Hoàng Quy luôn nhận được sự đồng hành từ người vợ yêu dấu Đoàn Như Huyền.
Mỗi ngày, cứ vừa hết ca làm tại FPT Long Châu , chị lập tức đến sân để cổ vũ cho chồng thi đấu ở Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024.
Chị Huyền chia sẻ trong một lần tình cờ cùng bạn bè đi xem một giải bóng đá phong trào, chị gặp và làm quen anh Quy. Từ đó, chị đã kết duyên cùng anh công nhân đang làm tại Công ty sản xuất giày Shyang Hung Cheng. Năm 2024, cả hai chính thức về chung một nhà.
"Mình luôn ủng hộ chồng theo đuổi sở thích bóng đá, bởi vì tình yêu của mình bắt đầu từ sân bóng mà", chị Huyền bộc bạch khi đứng cạnh chồng sau trận tứ kết gặp Công đoàn Bình Dương 2.
Mục tiêu của Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 là tạo sân chơi ý nghĩa cho giới công nhân, viên chức. Hơn cả một cuộc thi đấu thể thao, sân bóng kết nối gia đình, đồng nghiệp và mang đến niềm vui lớn lao cho người lao động.
Bảo hiểm Bưu điện Bình Dương vô địch vòng loại 3 Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Công đoàn Hậu Giang fair-play từ trong ra ngoài Trong sân luôn thi đấu hết mình, ngoài sân thì luôn vui vẻ và nhiệt tình. Đó là hình ảnh mà đội Công đoàn Hậu Giang để lại tại vòng loại khu vực Bình Dương Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 khiến nhiều người phải tiếc nuối khi họ không thể giành vé đến vòng chung kết.
Ngay cả ban tổ chức giải cũng có chung cảm nhận với những người hâm mộ đã đến sân Sora Garden Links để theo dõi các trận đấu vừa qua. Công đoàn Hậu Giang là tập hợp của nhiều cầu thủ lớn tuổi, đa phần từ 35 tuổi trở lên. Thế nhưng, họ lại là một trong những đội ghi được nhiều bàn nhất (18 bàn) cho dù sớm dừng bước tại tứ kết.
Trận thắng đậm nhất tại vòng loại khu vực Bình Dương cũng thuộc về Công đoàn Hậu Giang, khi họ đánh bại Công đoàn Long An 2 với tỉ số 13-4. Các "lão tướng" từ miền Tây đều là những anh em viên chức.
Dù gặp bất kỳ đối thủ nào, kể cả những đội mạnh hơn, họ đều chơi tấn công rực lửa, cống hiến. Nhưng hình ảnh đẹp nhất của họ không chỉ ở lối chơi hoa mỹ, mà là ở cách chơi fair-play, thượng võ. Kể cả trong những thời điểm khó khăn, đội bóng này cũng không hề chơi xấu, tiểu xảo hay vào bóng thô bạo. Vì lẽ đó mà Công đoàn Hậu Giang chỉ phải nhận có 3 thẻ vàng, ít thứ nhì tại giải.
Bên ngoài sân cỏ, đội bóng này cũng có cách hành xử đẹp với người hâm mộ. Ban lãnh đội, ban huấn luyện và cầu thủ cũng sẵn sàng hợp tác với ban tổ chức trong nhiều vấn đề, góp phần nâng cao giải đấu.
Hình ảnh đội Công đoàn Hậu Giang chiến đấu hết mình để gỡ hòa 1-1 ngay ở phút cuối cùng trận tứ kết trước Sacombank Bình Dương chắc chắn là một trong những hình ảnh đẹp nhất vòng loại khu vực Bình Dương. Chỉ tiếc rằng sau đó trên chấm luân lưu, Công đoàn Hậu Giang lại nhận thất bại và chia tay giải. Nhưng hình ảnh của họ không bị lãng quên. Ban tổ chức đã không chút đắn đo khi trao giải đội bóng fair-play cho Công đoàn Hậu Giang.
Chân dung nhà vô địch Bảo hiểm Bưu điện Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bảo hiểm Bưu Điện Bình Dương vô địch Đội đã giành chức vô địch Vòng loại khu vực Bình Dương Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 là Bảo hiểm Bưu Điện Bình Dương, sau khi đánh bại An Nguyên Bảo 2-0 trong trận chung kết chiều 6-10. Đội giành hạng Ba là Công đoàn Bình Dương 2, còn Sacombank Bình Dương đứng hạng 4 chung cuộc.
Bảo hiểm Bưu Điện Bình Dương cũng thống trị danh hiệu cá nhân với hai danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất (Dương Sầm Bách) và Thủ môn xuất sắc nhất (Vũ Văn Khá). Vua phá lưới thuộc về Trần Đình Kỳ (Công đoàn Bình Dương 2).
Cả bốn đội bóng này đều giành vé tham dự Vòng chung kết Giải bóng đá công nhân, viên chức Việt Nam 2024 diễn ra tháng 11 tại Hà Nội.