Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
TP - Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước chỉ hơn 5km nhưng người dân lưu thông qua đây có khi mất cả 1 giờ đồng hồ mới “thoát” ra khỏi được đoạn đường này. Đây được ví là đoạn đường có “cục máu đông” chẹn mạch lưu thông liên vùng cả chục năm qua và chờ được khơi thông.
Quốc lộ 13 kết nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước đi Tây Nguyên. Ở phía Bình Dương, tuyến quốc lộ này khang trang, thông thoáng khi nhiều lần được nâng cấp và mở rộng lên 8 làn xe. Quốc lộ 13 đoạn giáp với Thủ Đức chật chội. Tại đoạn qua TPHCM hiện chỉ 4-6 làn, tạo “nút thắt cổ chai” nên luôn ùn tắc trong nhiều năm qua.
Trước đây, quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước dài hơn 5 km, thuộc thành phần của dự án cầu, đường Bình Triệu 2, hình thành hơn 22 năm trước theo hình thức BOT. Tuy nhiên, dự án chưa được triển khai bởi hợp đồng BOT sau đó bị dừng thực hiện. Công trình mở rộng quốc lộ 13 theo hình thức BOT cũng buộc phải dừng và chuyển sang sử dụng ngân sách. Và từ đó đến nay, 22 năm dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM trình thành phố quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước. Theo tờ trình này, tổng mức đầu tư dự án gần 10 nghìn tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai trong thực tế. TPHCM cũng đã kiến nghị Trung ương bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để làm các công trình giao thông, trong đó ưu tiên dự án mở rộng quốc lộ 13 sau nhiều năm chậm trễ.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM, trong đó thành phố được đầu tư theo hình thức BOT với công trình nâng cấp, mở rộng đường. Đây là cơ sở để dự án mở rộng quốc lộ 13 được khởi động lại theo hình thức trên.
Ông Trần Quang Lâm- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, việc mở rộng quốc lộ 13 hiện rất cấp thiết bởi áp lực giao thông trên tuyến ngày càng tăng. Theo đại diện sở này, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TPHCM được duyệt khoảng 142.000 tỷ đồng , trong đó sẽ ưu tiên vốn để thực hiện mở rộng quốc lộ 13, giảm kẹt xe, tai nạn và tăng kết nối vùng.
Hiện nay, với dự án nâng cấp quốc lộ 13, Sở GTVT TPHCM đã chi hơn 3,7 tỷ đồng cho 4 gói thầu: Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...
Ban đầu, quốc lộ 13 cùng với 4 tuyến đường khác tại TPHCM gồm: quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên dự kiến sẽ được mở rộng, tuy nhiên, các dự án này đang được xem xét làm theo phương án đường trên cao.
Một lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, việc triển khai các dự án BOT theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 (bao gồm nâng cấp quốc lộ 13) cần được nghiên cứu kỹ và tính toán tác động từ nhiều phía.
“Việc mở rộng tuyến đường hiện hữu và tiến hành thu phí liệu có nhận được sự đồng tình ủng hộ hay không là vấn đề cần được tính toán. Trong những phương án đưa ra, Sở GTVT TPHCM và các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu phương án làm đường trên cao. Có thể hiểu, phương tiện nào sử dụng đường trên cao thì sẽ phải đóng phí còn phương tiện khác di chuyển bằng đường hiện hữu sẽ không phải mất phí. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để nghiên cứu”- vị lãnh đạo này cho biết.
* Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình dự án trọng điểm TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh triển khai một số dự án cấp bách, trong đó có các dự án giao thông cửa ngõ như quốc lộ 13, quốc lộ 25, đoạn nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TPHCM - Trung Lương…
* Dự án mở rộng quốc lộ 13 với mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng không chỉ giúp giảm tải lưu lượng giao thông, kết nối TPHCM - Bình Dương mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực. Dự kiến dự án sẽ được khởi công năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028. Sở GTVT TPHCM đang thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai.
Cuối tháng 9 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm đã chủ trì cuộc họp về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo đầu kỳ) 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT trên địa bàn TPHCM. Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm đã đề nghị các đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án BOT (trong đó có dự án nâng cấp quốc lộ 13).
Lãnh đạo Sở GTVT TP cho rằng mục tiêu của dự án nâng cấp quốc lộ 13 và 4 dự án BOT khác (gồm quốc lộ 1, quốc lộ 22, trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên) là cải thiện khả năng thông hành và mức phục vụ của tuyến đường hiện hữu, giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe.
Bình Dương đầu tư hơn 12.000 tỷ nâng cấp quốc lộ 13 kết nối TPHCM
Ngày 7/9, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13. Tổng mức đầu tư nâng cấp quốc lộ 13 là hơn 12.463 tỷ đồng, trong đó vốn của Nhà nước hơn 4.091 tỷ đồng, chiếm 33% tổng mức đầu tư; vốn nhà đầu tư và huy động là 8.372 tỷ đồng, chiếm 67% tổng mức đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 sẽ tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển đô thị về lâu dài, định hình trục giao thông huyết mạch.
Bình Dương nâng cấp Quốc lộ 13 từ 6 làn xe lên 8 làn xe Ảnh: H.C
Với việc đầu tư nâng cấp tuyến đường huyết mạch, Bình Dương kỳ vọng tiếp tục thu hút đầu tư cho giai đoạn phát triển mới góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, một trong những đô thị phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh.
Quy mô và phần bổ sung cải tạo, mở rộng quốc lộ 13 từ cổng chào (TP Thuận An) đến điểm đầu TP Thủ Dầu Một, mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn xe, đầu tư vỉa hè, cây xanh, thoát nước đồng bộ.
Trên tuyến quốc lộ 13 qua Bình Dương sẽ đầu tư cầu vượt tại giao lộ ngã tư Bình Hoà - Hữu Nghị (TP Thuận An) tăng khả năng thông hành, chống ùn tắc. Tại khu vực ngã 5 Phước Kiến (TP Thủ Dầu Một) đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng hầm chui. Thời gian thực hiện thi công xây lắp từ 2024 đến 2026.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tuyến quốc lộ 13 đoạn từ TP Thủ Dầu Một đến cổng chào giáp với TPHCM đang được tỉnh Bình Dương triển khai nâng cấp, mở rộng 8 làn xe . Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, thời gian qua, địa phương đã rà soát các dự án đầu tư công, qua đó đã quyết định điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt. Bình Dương ưu tiên vốn, tập trung thực hiện các công trình giao thông mang tính kết nối vùng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.