Nội dung liên quan Xã Đức Long, Huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình, Tin Trong Nước
Báo Thanh Niên,
Gian nan tìm chữ mùa 'treo cống'
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
14:50:53 30/09/2024
theo đường link
https://thanhnien.vn/gian-nan-tim-chu-mua-treo-cong-185240929161821439.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Cứ đến giờ đi học, hàng chục chiếc thuyền nhỏ đúc bằng xi măng lại tấp nập chở hàng trăm học sinh ở thôn Cao Thắng (xã Đức Long, H.Nho quan, Ninh Bình ) đi ra từ những căn nhà ngập nước . Hành trình "tìm chữ " của các em nhỏ nơi đây gian nan hơn bao giờ hết khi gần 20 ngày qua cả thôn vẫn bị cô lập do mưa lũ. Nước lũ… đến hẹn lại lên Những ngày cuối tháng 9, khi lũ đã rút quá nửa thì khu đất ở đầu thôn Cao Thắng mới trồi lên khỏi mặt nước. Vị trí này trở thành "bến thuyền" để tập kết học sinh trước khi được xe ô tô do người dân thuê chở các em đến trường "tìm chữ". Hầu như năm nào thôn Cao Thắng cũng bị cô lập bởi nước lũ ẢNH: MINH HẢI Mới hơn 6 giờ sáng, chị Phạm Thị Hiên (45 tuổi) đã lạch cạch chèo chiếc thuyền xi măng dài hơn 2 m đưa bốn con nhỏ từ nhà ra khu đất đầu thôn để bắt đầu đi học. Chị Hiên cho biết, gần 20 ngày qua chị phải nghỉ làm công nhân để ở nhà đưa đón các con đi học, bởi lũ sông Hoàng Long đổ về từ ngày 9.9 đã gây ngập nhà, ngập đường. Cách duy nhất để người dân nơi đây đi làm, đi học là chèo thuyền ra "bến" đầu thôn. Chị Phạm Thị Hiên ngày ngày chèo thuyền đưa các con đi "tìm chữ" ẢNH: MINH HẢI "Ngày ít cũng 8 lượt chèo đi chèo về, còn nhiều thì hơn 10 lượt. Nhà tôi cách vị trí này (khu đất đầu làng - PV) khoảng 100 m, chèo hết khoảng 10 phút", chị Hiên phản ánh. Do đường vẫn ngập, nước vào thôn xuống chậm, nên để các con không bị gián đoạn việc học hành, chị Hiên đành nghỉ làm công nhân hằng ngày đưa đón con đi học. Nhà chỉ còn chồng chị đi làm thợ hồ nuôi cả gia đình. Chị Hiên kể tiếp, 4 đứa con của chị đang là học sinh các cấp. Sáng cùng lúc chở 4 đứa một chuyến, đến trưa tan trường chị phải đón bằng 2 chuyến vì các con về vào các giờ khác nhau, đứa về trước thì chở trước, đứa về sau chở sau. Công việc buổi chiều cũng lặp lại như buổi sáng. "Coi như cả ngày chỉ quanh quẩn với việc nấu cơm và chở con đi học, không có thời gian làm việc gì cả", chị Hiên chia sẻ về gần 20 ngày qua của chị cũng như hàng trăm gia đình ở thôn Cao Thắng. Còn anh Lưu Danh Tiêu (41 tuổi) thì phải mất khoảng 20 phút mới có thể đưa 3 đứa con từ nhà ra đầu làng để đi học. Nhà anh Tiêu cách điểm tập kết khoảng 500 m. Gần 20 ngày qua anh phải chèo thuyền đưa đón con đi học, đưa đón vợ đi làm công nhân mỗi ngày. Các em học sinh “vượt lũ” để "tìm chữ" ẢNH: MINH HẢI "Cháu lớn học lớp 6, cháu thứ hai học lớp 4 và cháu út học mầm non. Tôi thì nghề nghiệp không ổn định, lúc làm thợ đá, lúc thợ xây còn vợ đi làm công nhân nên đợt lũ này vợ chồng thống nhất tôi nghỉ làm để chèo thuyền đưa đón con cái, vợ vẫn đi làm bình thường. Mỗi lượt chèo mất khoảng 20 phút vì nhà hơi xa. Cứ mùa mưa lũ dân chúng tôi phải chèo thuyền ra ngoài như này là thường rồi, nhưng đợt lũ này dài ngày quá, gần 20 ngày rồi nước chưa rút hết", anh Tiêu phàn nàn. Anh Lưu Danh Tiêu mất 20 phút cho mỗi lần chèo thuyền đưa các con ra bến ẢNH: MINH HẢI Theo anh, năm nào cũng đến mùa này là lũ lại lên. Năm ngập ít thì 7 ngày, nhiều thì 10 ngày, riêng đợt này kéo tận đến gần 20 ngày rồi mà nước mới rút quá nửa. "Giờ mới có thể tập kết ở chỗ đầu làng chứ mấy hôm trước ngập sâu hơn phải chèo đến tận dốc Quèn (cách thôn khoảng 1 km - PV) thì các cháu mới đi học bằng đường bộ được. Sống ở đây thì phải chịu thôi, mùa lũ không chỉ khó khăn lúc đi làm, mà lúc đau ốm đột xuất hay trẻ con đi học cũng gian nan lắm", anh Tiêu cho hay. Chưa kể, mỗi tháng vợ chồng anh còn mất hơn 1,1 triệu đồng thuê xe ô tô chở các con từ đầu thôn ra đến trường (trường học cách thôn khoảng 3 km - PV). Và ở Cao Thắng, hầu hết các gia đình đều phải sử dụng dịch vụ này. Mong mỏi nâng cấp trục đường chính Người dân Cao Thắng thường lấy dấu mốc từ tháng 7 đến cuối tháng 10 là mùa lụt, hay gọi là mùa "treo cống", bởi cứ xong vụ lúa chiêm xuân, từ ngày 1.7 hằng năm các cửa cống từ sông Hoàng Long nối với thôn Cao Thắng lại mở cửa để chia lũ, giảm áp lực cho đê. Đến cuối tháng 10, khi những đợt gió mùa đông bắc đổ về thì cống lại được đóng lại để giữ nước chuẩn bị vụ cấy mới. Cũng kể từ lúc này thì không còn mưa lũ lớn. Người dân thôn Cao Thắng đã quen với cảnh đi thuyền "tìm chữ" ẢNH: MINH HẢI Bà Bùi Thị Nhi, Bí thư Chi bộ thôn Cao Thắng cho biết, Cao Thắng là thôn có số lượng hộ và nhân khẩu lớn nhất trong xã. Hiện toàn thôn có hơn 200 hộ, với hơn 1.000 khẩu, trong đó có gần 400 học sinh. Những ngày lũ về, hàng trăm học sinh của thôn lại được bố mẹ, người thân dùng thuyền chở đi học. Lũ cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác như vậy nhưng vì sự học mà người dân Cao Thắng sẵn sàng chịu gian nan, vất vả để con em họ tìm được cái chữ. "Đợt lũ này kéo dài. Những hôm nước ngập sâu, người dân phải dùng hàng chục chiếc thuyền chở học sinh từ nhà ra đến dốc Quèn, chèo mất khoảng 30 phút mới đến nơi. Chèo thuyền đưa học sinh đi học cũng nguy hiểm, nhưng ở đây người dân, học sinh cũng quen rồi. Cũng may mắn là từ trước đến nay chưa xảy ra sự cố nguy hiểm nào ảnh hưởng đến các em học sinh. Ngày trước, trong thôn có điểm trường mầm non lẻ nhưng sau đó trường đạt chuẩn thì các điểm lẻ chuyển về trường trung tâm hết. Mà có xây trường ở trong đây thì cũng trong tình cảnh bị ngập thôi", bà Nhi lo lắng. Nói về những mùa "treo cống", nữ bí thư chi bộ cho biết, lũ thì năm ít cũng 1 - 2 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 7 - 10 ngày. Riêng năm 2017 và đợt lũ này lớn, kéo dài hơn. "Cuối năm ngoái, đoạn đường đất mấy trăm mét ở đầu thôn được nâng cấp làm đường bê tông, đường cao hơn trước cũng giúp người dân bớt vất vả, nhưng nếu được đầu tư cả tuyến đường chính trong thôn thì cuộc sống người dân lẫn việc đi học của học sinh sẽ bớt vất vả hơn khi lũ về", bà Nhi bày tỏ. Trong khi đó, ông Đinh Quang Hòe, Chủ tịch UBND xã Đức Long cho rằng Cao Thắng là vùng sống chung với lũ. Việc người dân nơi đây đi thuyền đã thành thói quen rồi. "Từ trước đến nay chưa từng xảy ra tai nạn trong quá trình chở học sinh đi học. Khi có lũ lớn, có sóng thì cho học sinh nghỉ học, khi nước rút bớt không có sóng mới dùng thuyền chở học sinh ra đầu thôn để đi học", ông Hòe nói và cho biết, lũ lụt còn giúp người dân Cao Thắng có nguồn thu từ đánh bắt thủy sản . Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, trong tương lai sẽ nâng cấp, đầu tư tuyến đường trục chính của thôn Cao Thắng, để người dân đỡ phần nào khó khăn mỗi khi mùa lũ đến.