Báo Người Lao Động Online,

Giao công an xử lý, công khai người "bỏ cọc" đấu giá đất

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 22:49:11 25/09/2024 theo đường link https://nld.com.vn/giao-cong-an-xu-ly-cong-khai-nguoi-bo-coc-dau-gia-dat-196240925162329201.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nguyễn Hưởng
(NLĐO)- UBND Hà Nội đề nghị Công an TP xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường nhưng không nộp tiền gây nhiễu loạn thị trường Ngày 25-9, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Khu vực 19 lô đất ở huyện Hoài Đức vừa được đấu giá thành công với giá cao ngất ngưởng từ 91 đến 133 triệu đồng/m2. Ảnh: HỮU HƯNG
Trong văn bản, Hà Nội yêu cầu hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP được giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất, trình UBND TP quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định; kịp thời cập nhật, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xác định giá đất.
Về triển khai và tổ chức đấu giá, Hà Nội yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc cung cấp thông tin về các phiên đấu giá trên hệ thống thông tin của trung ương, thành phố và địa phương theo quy định.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Công an TP xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
Ngoài ra, đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.
"UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường. Công bố danh sách công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường"- UBND TP Hà Nội yêu cầu.
Trước đó, nhiều phiên đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Một số cuộc đấu giá thu hút hàng ngàn hồ sơ tham dự, gấp nhiều lần số lô đất được bán ra.
Tại huyện Hoài Đức, mới đây hàng trăm nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng/m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng/m2, gấp 18 lần mức khởi điểm.
Sao chép thành công