Nội dung liên quan Tỉnh Bình Dương, Việt Nam

Báo điện tử VOV,

Giấy phép môi trường, áp lực lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bình Dương

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:07:00 05/10/2024 theo đường link https://vov.vn/kinh-te/giay-phep-moi-truong-ap-luc-lon-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-o-binh-duong-post1126179.vov
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Ngày 4/10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị đối thoại với gần 100 đại diện hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước. Trong đó nỗi lo về giấy phép môi trường được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Nỗi lo giấy phép môi trường Đại diện các hiệp hội ngành hàng trong tỉnh Bình Dương nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới, các doanh nghiệp đã chủ động vượt qua thách thức và đạt được mức tăng trưởng sản xuất kinh doanh ước tính từ 15-20% trong năm 2024.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành gỗ, dệt may, gốm sứ, đang đối mặt với nhiều khó khăn khi hoàn thiện thủ tục giấy phép môi trường theo quy định mới.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã hoạt động lâu năm và chưa cập nhật đầy đủ các quy định để hoàn thiện giấy phép môi trường.
Việc thực hiện đồng thời nhiều quy định mới đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, gây áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo diện tích cây xanh trong khuôn viên doanh nghiệp.
Ông Liêm nói thêm: "Các quy định mới về môi trường, giấy phép môi trường rất khó cho doanh nghiệp và thời hạn thực hiện lại cận kề vào năm 2025. Do đó, vấn đề này chúng tôi phải tìm cách cùng tháo gỡ và có những kiến nghị với tỉnh, sở ngành có liên quan để hỗ trợ, làm sao không thiệt hại lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp".
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy-Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương trả lời thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định PCCC
Trước khi đầu tư nguồn lực lớn để hoàn thiện giấy phép liên quan đến phòng cháy chữa cháy và môi trường, các doanh nghiệp gỗ, may mặc, gốm sứ... cũng đang rất lo lắng về việc có thể phải di dời theo quyết định của tỉnh nhằm bảo vệ môi trường. Điều này khiến họ ngần ngại đầu tư, bởi nếu phải di dời thì những khoản đầu tư trước đó sẽ trở nên lãng phí.
Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, việc chưa có danh sách cụ thể các doanh nghiệp phải di dời khiến doanh nghiệp khó đưa ra quyết định đầu tư.
"Các sở, ban ngành nên khảo sát cụ thể doanh nghiệp nào được tồn tại, doanh nghiệp nào di dời. Doanh nghiệp di dời thì cần có lộ trình, hướng dẫn họ thực hiện trong vài năm nếu đầu tư vài tỷ mà di dời đi phải bỏ thì lãng phí”, ông Tín đề nghị.
Một vấn đề khác được các doanh nghiệp đặt ra là việc tiếp cận nguồn vốn vay. Các doanh nghiệp mong muốn được cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay và có các chính sách hỗ trợ về hoàn thuế và chuyển đổi số.
Đồng hành cùng doanh nghiệp Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã thành lập Ban chỉ đạo Giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo đã tổ chức nhiều phiên họp, tiếp nhận và xử lý hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp, phối hợp với các sở ngành liên quan để tìm giải pháp.
Đến nay, đã có 130/139 trường hợp được giải quyết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Lãnh đao tỉnh Bình Dươn trao đổi với doanh nghiệp bên ngoài hội nghị
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, ngành chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp nắm bắt được các chính sách hỗ trợ, các quy định pháp luật mà thực hiện đúng.
"Tôi đề nghị sở, ngành, UBND phải mời, gặp gỡ doanh nghiệp hoặc từ ngành hàng, bàn cụ thể việc gì làm trước, làm sau và thời gian hoàn thành, phải có tiến độ xử lí từng việc. Chúng ta cùng phối hợp nhau bàn để giải quyết nhưng không vượt ra khỏi lằn ranh của quy định pháp luật", ông Nguyễn Văn Lợi nói.
Bình Dương có nhiều doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư
Lũy kế đến nay, Bình Dương có 72.319 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.134.123 tỷ đồng. Bình Dương hiện có 4.322 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 41 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023. Các khu công nghiệp tại Bình Dương cũng có sự phát triển mạnh mẽ.
Sao chép thành công