Nội dung liên quan Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Báo Tuổi Trẻ Online,
Gojek rời đi, tài xế rối bời
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
00:09:06 02/10/2024
theo đường link
https://tuoitre.vn/gojek-roi-di-tai-xe-roi-boi-20241001101305016.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nhiều tài xế Gojek đến giờ vẫn không tin mình thất nghiệp. Có người đã chuyển sang chạy hãng xe khác, song cũng không ít bác tài vẫn loay hoay trăm bề khi thu nhập 'không cánh mà bay'. Nhận thông báo của hãng trước một tuần, chị Chi cho biết mình không kịp xoay xở - Ảnh: AN VI Tháng 10 này là tròn bốn năm chị Trần Thị Phan Chi (34 tuổi, quận 10) đồng hành cùng hãng xe công nghệ Gojek Chị đã lên kế hoạch tăng giờ chạy để kiếm tiền học phí cho ba đứa con gửi nhà ngoại và về quê đón Tết. Nhưng kế hoạch của nữ tài xế trở nên mù mịt với thông báo: Gojek chính thức rời Việt Nam. Bàng hoàng ngày nghỉ chạy Nữ tài xế tuổi ngoài 30 với làn da rám nắng vì rong ruổi mười mấy tiếng mỗi ngày vẫn rưng rưng khi nhớ lúc nhận thông báo của hãng xe công nghệ như cứa vào tim của chị: "Chúng tôi rất tiếc phải thông báo rằng Gojek sẽ không còn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam kể từ ngày 16-9-2024". Chị Chi nói mình nhớ như in từng chữ chua xót đó. Ngày chị Chi nhận được thông báo là một tuần trước khi hãng này dừng dịch vụ, nhưng theo chị, một tuần là quá ngắn để thay đổi công việc mình đã gắn bó bốn năm. "Tôi không thể quên khoảnh khắc đó. Mình vừa nghỉ trưa dậy chuẩn bị chạy xe thêm vài tiếng nữa, nhưng mở điện thoại thấy thông báo của hãng xe như sét đánh. Tôi bàng hoàng, không biết làm gì cả, ngồi thẫn thờ cả lúc mới bừng tỉnh để chạy", chị Chi nhớ lại. Sáu ngày đếm ngược trước khi Gojek dừng hoạt động là thời điểm khó khăn nhất của chị Chi. Không được hỗ trợ bảo hiểm xã hội hay bất kỳ quyền lợi gì suốt bốn năm chạy xe, chị quay cuồng câu chuyện cơm áo gạo tiền và chi phí học hành cho ba con nhỏ dưới quê. "Buồn vì mình sắp thất nghiệp chỉ là một phần, buồn hơn là khi biết mình sắp chia tay nơi đã nuôi sống gia đình mình suốt bốn năm", chị Chi kể mà mắt đỏ hoe. Trẻ hơn chị Chi 8 tuổi, anh Trần Thanh Hậu (26 tuổi, TP Thủ Đức) đã xếp chiếc áo Gojek làm kỷ niệm. Chạy Gojek đã giúp anh vượt qua khó khăn những ngày mới ra trường, đến nay làm lương tháng xấp xỉ 10 triệu nhưng đêm nào Hậu cũng bật app chạy vài tiếng để kiếm thêm. Anh cần làm thêm cho những dự định tương lai. Quê ở miền Trung, sáu năm học hành rồi bôn ba ở TP.HCM, anh đã gắn bó Gojek hơn năm năm. "Hai năm đầu tôi phục vụ tiệc cưới, cực lắm! Hai năm cuối đại học tôi có xe máy, bắt đầu chạy xe công nghệ. Giờ có việc ổn định rồi nên Gojek rời đi thì tôi cũng tạm thời nghỉ để tập trung việc chính", anh Hậu tâm sự. Ngày chia tay của anh Nguyễn Văn Thức (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng như bản nhạc buồn, anh nói Gojek rời anh chứ anh không muốn rời hãng này. "Rất buồn, làm đã năm năm, không danh chẳng phận, ngày chia tay cũng chỉ nhận được thông báo lạnh lùng. Chẳng có chế độ gì cho cánh tài xế tụi tui cả, nói trắng ra là như đem con bỏ chợ vậy", anh Thức nói. Thời gian Gojek thông báo quá ngắn, anh Thức chưa kịp chuẩn bị gì cho viễn cảnh ngừng chạy xe công nghệ. Anh nói mình đã cày cuốc đạt điểm cao để tăng thu nhập, giờ Gojek rời đi, anh phải đi lại từ mức ban đầu. Nói với chúng tôi, tài xế Dương Quốc Nam (40 tuổi, quận 10) cũng lắc đầu, nói nếu biết trước cảnh này anh thà đi làm công nhân. "Ký kết thì chẳng có gì ràng buộc, chỉ cần lên đóng tiền quỹ, mua áo quần và đăng ký app là chạy thôi. Bước đầu thì dễ, nhưng đến ngày họ đi chúng tôi mới thấy được hậu quả không có chế độ", anh Nam bộc bạch. Anh nhớ lại hãng xe này thường ra các chương trình thưởng cho "siêu chiến binh" - tức những người chạy nhiều, cày cuốc liên tục từ tối đến sáng. Còn như anh chỉ chạy từ 8h sáng đến chiều chẳng được nhận quyền lợi gì cả. "Tôi có một group nhiều tài xế Gojek ở TP.HCM, ai cũng than thở, đa phần trong group phải trên 90% thu nhập chính từ chạy xe. Giờ hãng rời đi, mọi thứ như đổ sụp xuống", anh Nam kể. Anh Trần Thanh Hậu xếp chiếc áo Gojek làm vật kỷ niệm - Ảnh: AN VI Lo lắng và gắng xoay xở Gặp tài xế tên Phan Bích Hải, tuổi đời 54, tuổi nghề chạm con số 3. Ông Hải ngồi ở vỉa hè đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), khoác trên người chiếc áo mới cáu của một hãng xe công nghệ khác nhưng trên đầu vẫn đội mũ bảo hiểm Gojek, mắt ông xa xăm như gánh cả bầu tâm sự. "Chú chạy Gojek hay hãng nào vậy?", chúng tôi hỏi. Người đàn ông cười khà khà rồi nói hơn chục ngày trước mình vẫn là tài xế Gojek, còn giờ đã chuyển sang chở hàng cho hãng khác. Đã lớn tuổi, ông Hải nói mình chỉ quen xài app Gojek, giờ chuyển sang ứng dụng của hãng mới, lọ mọ hoài mà chưa rành nên thường lỡ cuốc. Thương nhất là khi nghe bác tài 54 tuổi nói về những "điểm nóng" hồi xưa, giờ đi ngang chỉ còn kỷ niệm. "Nhiều khi thành thói quen, cứ đi ngang lại vô thức ghé vào những điểm cũ đợi khách, rồi quay sang thấy đang chở bịch đồ to tướng chứ làm gì có người nào", ông Hải cười gượng gạo. Những nếp nhăn trên gương mặt ông co lại khi nhớ về khoảng thời gian gần nửa tháng thất nghiệp kể từ ngày Gojek gửi thông báo. Đó là lúc ông vừa trả khách, thấy điện thoại rung tưởng khách đặt nữa, nhưng mở thông báo ông bàng hoàng khi thấy thông tin mình sắp phải thất nghiệp. Còn với chị Trần Thị Phan Chi, hôm về quê gần đây chị nhận được câu hỏi ngây thơ nhưng vô cùng khó của đứa con gái lớn: Công ty mẹ rời Việt Nam rồi, mẹ sắp thất nghiệp hả? Chị Chi trả lời con rằng sắp chạy cho hãng xe mới, nhưng thật ra lúc này người phụ nữ 34 tuổi vẫn đang thất nghiệp và phải sống gói ghém với số tiền tiết kiệm cuối cùng. Một tuần trước khi nhận thông báo rời khỏi Việt Nam của hãng xe công nghệ, chị Chi đã dậy sớm hơn, chạy khuya hơn để kiếm tiền về quê ăn Tết với gia đình. "Ai dè chạy ngày chạy đêm thì Gojek thông báo rời đi, công sức cày cuốc tăng điểm coi như phí", chị Chi tiếc nuối. Sau cả tuần bó gối, nghĩ về ba đứa con, chị Chi có một quyết định táo bạo: nghỉ chạy xe công nghệ! Chị kể mình đã cầm xe máy, chiếc xe đã gắn bó suốt bốn năm rong ruổi và chị xem nó như người bạn. Nhưng giờ cầm xe là cách chị đánh liều cho "canh bạc" tương lai. "Xe này không chính chủ nên chỉ cầm được 5 triệu thôi. Tôi dùng tiền đó sắm tủ đặt trước phòng trọ, sáng bán bánh mì, trưa bán thêm cơm văn phòng", chị Chi kể. Với số vốn ít ỏi, chỉ cần bán ế vài ngày là đứt vốn, chị tâm sự đây chỉ là cách trước mắt, chị vẫn thích rong ruổi đường xa hơn. Chị mơ tới ngày đăng ký lái xe ô tô công nghệ, giấc mơ còn quá xa... Nghỉ chạy xe, tìm thêm việc làm đêm Gojek rời đi, Hậu nghỉ chạy và cho biết mình đang thương lượng với công ty khác để nhận thêm việc về nhà vào ban đêm. "Cũng buồn lắm, tối nào cũng ra đường quen rồi, giờ nằm phòng tù túng quá. Nhiều lúc tôi đi mua đồ ăn cũng cố chạy vòng vòng vài cây số cho khuây khỏa rồi mới về", anh Hậu nói về cảm giác trống vắng khi phải nghỉ chạy xe. Nhưng không phải ai cũng có sẵn công việc như anh Hậu, cũng chẳng phải người nào cũng kiên cường như bác tài Bích Hải. Những trường hợp khó khăn, phải đánh cược tương lai như chị Chi xuất hiện rất nhiều kể từ khi Gojek tạm biệt Việt Nam. Ông Phan Bích Hải đã sang chạy hãng mới nhưng vẫn tiếc chiếc nón Gojek - Ảnh: AN VI Tuổi ngoài 50, bác tài Bích Hải không dám đánh liều đổi hẳn nghề. Ông kỳ vọng vào hãng xe mới mà mình đầu quân. "Qua hãng mới đồng nghĩa mình phải đi lại từ đầu, phải ráng chạy để tích lũy điểm nâng tiền thưởng lên mới mong trụ nổi", ông Hải nói. Ông cố chạy thêm vài tiếng mỗi ngày để bù lại phần nào. Ông cũng cắt giảm hai cữ cà phê trong ngày, thuốc lá cũng hút ít lại để đủ tiền duy trì cho tới khi thu nhập được cải thiện.