Báo điện tử VOV,

Hà Nội và những dấu ấn từ công cuộc đổi mới

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 23:37:05 07/10/2024 theo đường link https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-va-nhung-dau-an-tu-cong-cuoc-doi-moi-post1126791.vov
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Trong công cuộc đổi mới, Hà Nội không chỉ đi đầu mà còn để lại nhiều dấu ấn nổi bật; với nhiều kết quả về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục... góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, 70 năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng nỗ lực và giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
70 năm kể từ ngày giải phóng là quá trình Hà Nội cùng cả nước thực hiện các nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, từ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đến khôi phục đất nước sau chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Sau 16 năm sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008
Thực tiễn gần 40 năm qua ở Thủ đô Hà Nội đã chứng minh tính đúng đắn của quá trình đổi mới. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X (1986) - Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới ở Hà Nội, đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn Thủ đô theo hướng vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai hướng đến ổn định tình hình kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (2020) tiếp tục xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và giao Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng 10 Chương trình công tác lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội trong giai đoạn 2020 - 2025 và các chỉ tiêu, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Nhật Quang đánh giá, Hà Nội đồng hành cùng 40 năm đổi mới của đất nước. Không chỉ đồng hành mà Hà Nội còn đóng vai trò là thành phố Thủ đô có tính chất dẫn dắt quá trình đổi mới này.
Gần 40 năm đổi mới đã ghi dấu ấn một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách với Hà Nội. Nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ấn tượng. Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Nhờ đó, Thủ đô Hà Nội nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng thiếu, thoát khỏi Thủ đô nghèo và vị thế ngày càng được nâng cao. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến nay và năng suất lao động ngày càng tăng (đạt bình quân trên 7%/năm). Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn 1,2 - 1,5 lần mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước.
“Cơ cấu kinh tế của Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn. Quy mô thu nhập địa phương đã tăng lên rất mạnh mẽ. Hơn 10 năm qua tăng trưởng của Hà Nội thường dẫn đầu…”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính phân tích.
Hà Nội chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
Một trong những dấu ấn về sự phát triển Thủ đô trong thời kỳ đổi mới là việc Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 15 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”. Việc sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số xã của tỉnh Hoà Bình đã giúp Hà Nội mở rộng không gian để phát triển.
Sau 16 năm sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008. Thu ngân sách nhà nước Thành phố tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2023, thu ngân sách của thành phố Hà Nội đạt trên 410.000 tỷ đồng (vượt 16,3% dự toán), đóng góp 23% tổng thu ngân sách và 26% riêng về thu nội địa cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững đã giúp diện mạo thành phố cũng như đời sống người dân Thủ đô thay đổi rõ rệt.
“Tôi cho rằng, việc mở rộng Thủ đô là một quyết định đúng đắn, sau mười mấy năm chúng ta có thể thấy sự phát triển vượt bậc của kinh tế, đời sống người dân, nhìn thấy sự khang trang rõ rệt trong từng địa bàn…”, ông Trần Văn Thanh - người dân huyện Thường Tín phấn khởi nói.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã giành được những kết quả tích cực - là một trong những địa phương hoàn thành trước 1 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Thanh Trì vừa được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
“Bây giờ Hà Nội đang tập trung cho nông thôn mới nâng cao, vì 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp…”, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho biết.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được Hà Nội xây dựng đồng bộ
Cùng với những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cao người dân, Hà Nội cũng chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó, có thể kể đến đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc. Đến năm 2050, Hà Nội có quy mô dân số thường trú khoảng 13-13,5 triệu người; thu nhập bình quân đầu người đạt 45-46 nghìn USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85%.
“Trong Kết luận 80 của Bộ Chính trị giao cho Hà Nội lập quy hoạch với một tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội. Đó là quy hoạch cho Thủ đô của nước Việt Nam phát triển…”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết.
Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được Hà Nội xây dựng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm, như các trục đường xuyên tâm, Cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân … và hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội hoàn thiện không chỉ tạo thêm diện mạo mới cho Thủ đô, mà từng bước tháo giỡ nút thắt về hạ tầng cao thông, tình trạng ùn tắc giao thông-một vấn đề vốn nan giải với đô thị….
Hà Nội đang vững bước tiếp tục phát triển
Rõ ràng, qua gần 40 năm đổi mới, Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thủ đô đã vượt qua các thời kỳ khó khăn, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục... của thành phố đứng đầu cả nước sẽ là cơ sở để Hà Nội vững bước tiếp tục phát triển. Đặc biệt từ 1/1/2025, khi Luật Thủ đô có hiệu lực, vơi nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá, Hà Nội càng có thêm cơ hội vươn tầm, phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, Thủ đô Anh hùng, thành phố văn hiến, văn minh hiện đại, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Sao chép thành công