và 2 tác giả khác
Vụ việc ba thanh thiếu niên ở Long An thuê nhà và sản xuất 30.000 chai dầu gió giả, sau đó bán qua Shopee cho thấy các cơ chế kiểm soát hàng hóa của sàn thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng còn lỏng lẻo. Trương Thế An sản xuất dầu gió giả, sau đó bán hàng qua Shopee - Ảnh công an cung cấp
Lỏng lẻo ngay cả mặt hàng liên quan đến sức khỏe của người dùng.
Sàn thương mại điện tử không thể chỉ dựa vào các biện pháp xử lý vi phạm sau khi đã xảy ra mà cần chủ động hơn trong việc ngăn chặn ngay từ đầu.
Đã gỡ gian hàng bán hàng giả Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Shopee cho biết ngay sau khi xảy ra vụ Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Thế An (30 tuổi, quê TP Mỹ Tho, Tiền Giang), Hoàng Văn Hưng (19 tuổi, quê huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) về tội sản xuất hàng giả , sàn đã khóa gian hàng chuyên bán hàng giả mặt hàng dầu gió.
Tuy nhiên, khi thử làm thao tác "gõ dầu gió" trên sàn này, người mua vẫn dễ tìm thấy các gian hàng bán dầu gió khác, với quảng cáo "hàng chính hãng Eagle Brand dầu xanh Con Ó", giá bán từ 35.000 - 175.000 đồng của các gian hàng chuyên bán mỹ phẩm, hàng xách tay...
Trong phản hồi chính thức từ Shopee, nền tảng khẳng định cam kết mang lại trải nghiệm mua sắm an toàn và đáng tin cậy.
Hệ thống kiểm duyệt sản phẩm của Shopee hoạt động với cơ chế tự động và thủ công, nhằm đảm bảo mọi sản phẩm đăng bán đều tuân thủ đúng quy định pháp luật và các chính sách của công ty.
"Chúng tôi có các biện pháp xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, đối với các shop bán hàng vi phạm, Shopee sẽ tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản tùy theo mức độ vi phạm, đồng thời sẽ báo cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu vụ việc nghiêm trọng", đại diện Shopee cho biết.
Một chức năng đáng chú ý của Shopee là "Báo cáo sản phẩm vi phạm", cho phép người tiêu dùng phản ánh các sản phẩm không đạt chuẩn để Shopee tiến hành xử lý kịp thời. Hệ thống này nhằm tạo ra một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn và minh bạch cho mọi người dùng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều thương nhân phản ánh chức năng này đôi khi bị các sàn sử dụng "sai cách" và vẫn chưa quản lý được các gian hàng không nằm trong "gian hàng chính hãng".
Theo ghi nhận, các đối tượng chuyên kinh doanh hàng giả đã tận dụng sự phổ biến của những nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận một lượng lớn người mua trực tuyến, khiến việc kiểm soát và ngăn chặn trở nên phức tạp hơn. Vụ việc bị phát hiện khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng và báo cáo lên cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, vụ việc lần này tiếp tục lời cảnh báo cho người tiêu dùng về nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên các sàn thương mại điện tử.
Dù các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki... cam kết nếu khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì có thể khiếu nại để hoàn tiền, nhưng việc các đối tượng lợi dụng kẽ hở để phân phối sản phẩm giả vẫn còn nhức nhối.
Các sàn thương mại điện tử làm cách nào để bảo vệ người mua?
Lỗi người bán? Trong lần trao đổi với Tuổi Trẻ về phản ánh hàng giả trên sàn thương mại điện tử, đại diện TikTok Việt Nam cho biết khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật.
Để ngăn chặn hàng gian, hàng giả, muốn bán hàng trên nền tảng, các thương nhân phải qua quy trình xác nhận về pháp nhân, giấy tờ hàng hóa. Ngoài ra, nền tảng cũng tạo công cụ phản hồi cho người tiêu dùng.
Vì thậm chí hàng hóa từ người bán hàng là thật, nhưng qua người giao hàng lại bị thay đổi. Khi đó, nền tảng chịu rủi ro đầu tiên, bù đắp cho người mua, rà soát quy trình, tìm hiểu khâu nào bị sai, do người bán hay vận chuyển, ai vi phạm sẽ bị phạt.
"Đối với các phiên livestream lớn trên TikTok, nếu người mua thấy hàng hóa không đúng, không chuẩn chất lượng, mô tả quá sai, có thể khiếu nại và được trả lại 200% giá trị hàng hóa", vị này cho biết.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng các sàn thương mại điện tử không thể chỉ đổ lỗi cho các đối tượng gian lận mà không nhìn nhận vai trò của mình trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ tự động hoặc chỉ hành động khi có khiếu nại từ người tiêu dùng không đủ để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả.
Sàn thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nguồn hàng, đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. Khi các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hay vi phạm pháp luật được phép bày bán, rõ ràng hệ thống kiểm soát của sàn đã thất bại.
Trách nhiệm của sàn thương mại không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nền tảng, mà còn phải đảm bảo quy trình duyệt và kiểm tra sản phẩm hoạt động hiệu quả. Về phía người mua hàng, sự cảnh giác và thông tin của khách vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2023, đơn vị này đã xử lý 764 vụ việc vi phạm đối với lĩnh vực thương mại điện tử, phạt tiền 12 tỉ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỉ đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quản lý nhà nước về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý hàng loạt trường hợp bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Khi cơ quan chức năng thông báo về việc cá nhân, doanh nghiệp trên vi phạm quy định pháp luật, các nền tảng mới gỡ tài khoản.
Truy quét hàng giả trên sàn, mạng xã hội như "bắt bóng trong đêm" Một số thủ đoạn lừa đảo và cảnh báo của Shopee - Ảnh chụp màn hình
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 bộ đã yêu cầu các sàn, website rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm; năm 2022 gỡ bỏ và khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; năm 2023 gỡ bỏ và khóa 6.254 gian hàng, 23.359 sản phẩm vi phạm.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định mới phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tăng cường quản lý giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng.
Theo đó, các quy định sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán, quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể. Kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cuối tháng 9, cơ quan đã tạm giữ nhiều sản phẩm hàng giả tại một số điểm kinh doanh trên TikTok Shop và Facebook, bao gồm các mặt hàng như quần áo, loa...
Những lần kiểm tra trước đó, cơ quan này cũng phát hiện nhiều trường hợp buôn bán hàng giả mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel với mức giá rẻ bất ngờ nhằm thu hút khách hàng. Đặc biệt, hàng giả đã xâm nhập vào những lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thuốc chữa bệnh...
Các đối tượng bán hàng thường lợi dụng hình ảnh sản phẩm chính hãng, thay đổi tên thương hiệu để vượt qua hệ thống kiểm duyệt của các sàn thương mại điện tử.
Hình thức giao dịch chủ yếu diễn ra "ảo", không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, khiến việc thu thập bằng chứng và xử lý trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hiện tại vẫn chưa đủ mạnh để răn đe, công tác truy quét hàng giả trở nên giống như "bắt bóng trong đêm".
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết cần tăng trách nhiệm của sàn Shopee, Lazada, TikTok Shop... trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái. Cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm tra, truy quét hàng giả trên sàn, mạng xã hội trong thời gian tới.
Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng giải pháp định danh người bán sẽ là bước đi quyết liệt để xử lý triệt để, giảm thiểu việc bán hàng giả.
Hiện nay, việc định danh người bán đã trở nên đơn giản hơn khi các giấy tờ cá nhân đã được tích hợp vào căn cước công dân và có thể quản lý qua ứng dụng VNeID.
Nếu yêu cầu người bán khi mở gian hàng trên mạng phải định danh bằng thông tin cá nhân, các gian hàng vi phạm, buôn bán hàng giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý nghiêm ngặt, bị khóa và gỡ bỏ hoàn toàn.
Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tiếp tục vi phạm, giải quyết vấn đề hàng giả một cách triệt để.