Báo Giao Thông - Tin tức 24h qua, Tin nóng mới nhất hôm nay,

Hành trình nhiều chông gai của “vua rong nho”

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:45:44 15/09/2024 theo đường link https://www.baogiaothong.vn/hanh-trinh-nhieu-chong-gai-cua-vua-rong-nho-192240913170314847.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Là những người đầu tiên trồng thành công rong nho biển, nhưng con đường đến thành công của doanh nhân Nguyễn Quang Duy nhiều chông gai. Có thời điểm, ông phải cầm cố cả nhà để "đặt cược".
Mỗi ngày bán hơn 7 tấn rong nho Với doanh thu hơn 50 tỷ đồng mỗi năm, ông Nguyễn Quang Duy, Tổng giám đốc DT Group (Nha Trang, Khánh Hòa) được người dân Khánh Hòa gọi với biệt danh "vua rong nho". Thành công của ông Duy không chỉ đưa đến một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Quang Duy được nhiều người gọi với biệt danh “vua rong nho”. Ảnh: Xuân Ngọc.
Năm 2020, ông Duy lập kỷ lục Việt Nam về vùng nuôi trồng và sản lượng rong nho lớn nhất Việt Nam. Nhiều năm nay, diện tích liên tục mở rộng, nông dân trong vùng cũng nhờ được thu mua mà đổi đời.
Ông Duy luôn tự hào có quy trình sản xuất xanh hoàn toàn, nhờ đó xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc… Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày DT Group thu hoạch 7 tấn rong, trung bình mỗi tháng xuất bán 30 tấn ra thị trường nội địa và xuất khẩu 40 tấn rong nho các loại.
Sản phẩm của DT Group có 70% bán ở các hệ thống siêu thị lớn, 30% thị phần là các kênh phân phối. Theo ông Duy, điểm khác biệt của thương hiệu DT Group so với các đơn vị khác là chú trọng đến sản phẩm chế biến sâu.
"Ngoài rong nho tươi, chúng tôi còn chế biến nước uống rong nho yến sào, keo rong nho bán đi nước ngoài làm đẹp cho phụ nữ, thạch rong nho, rong nho cuộn cơm…", ông Duy nói và cho hay, công ty phải đầu tư nhà máy hơn 9 triệu USD để làm sản phẩm chế biến sâu – phân khúc mà hầu hết các doanh nghiệp khác chưa làm được.
Giúp nông dân thoát nghèo Khởi nghiệp thành công, DT Group đã giúp hơn 200 lao động có việc làm ổn định, Đến nay, sau 14 năm, từ xuất phát điểm 3ha với sản lượng chỉ 2,5 tấn/ha nuôi thử nghiệm, DT Group đã phát triển vùng rong nho liên kết của doanh nghiệp lên tới 85ha ở các vùng ao đìa tại Ninh Hòa, Cam Ranh (Khánh Hòa) và cả Ninh Thuận, Phú Yên. Dự kiến công ty liên kết trồng thêm 80ha trong thời gian tới.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, hệ sinh thái mà ông Duy tạo dựng đã giúp nhiều hộ nông dân ở Khánh Hòa nuôi rong nho liên kết thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trung bình một ao đìa có diện tích khoảng 5.000m2. Sau khi thu hoạch rong nho bán cho công ty, hộ nông dân lãi 15 triệu đồng/ao/tháng. Mỗi hộ ít thì có khoảng 3 ao đìa, nhiều lên đến 7 - 8 ao đìa. Như vậy, một năm hộ nuôi nhỏ có thể thu lãi vài trăm triệu đồng, hộ nuôi quy mô lớn cho thu nhập tiền tỷ.
Hành trình khởi nghiệp Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Duy kể, năm 2012, ông rời vị trí quản lý dược cho một công ty ở Nha Trang để bắt đầu trồng thử nghiệm 30.000m2 rong nho tại xã Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Quyết định này được đưa ra sau thời gian dài tiếp xúc và tìm hiểu về rong nho từ "mối duyên" trong công việc.
Rong nho của DT Group được sản xuất với quy trình xanh hoàn toàn.
Thử nghiệm đầu tiên thành công nhưng sản lượng đạt chỉ 2,5 tấn/ha, cách xa kỳ vọng. Ông mang tặng người thân, hàng xóm để tạo thị trường, nhưng lượng khách không nhiều. Hàng bán chậm, không có đầu ra, bị tồn kho nhiều, kinh doanh rơi vào thua lỗ.
Sau nhiều năm trăm trở, vừa làm vừa dò đường tìm thị trường, kinh doanh cũng không khá lên. Bởi thời điểm đó, người Việt dù dần quen với loại thực phẩm này nhưng tiêu dùng không nhiều, giá khá đắt với ngưỡng 80.000 đồng/250 gram rong tươi. Vì thế, ông "đặt cược" vào con đường xuất khẩu.
7 năm sau ngày khởi nghiệp, năm 2019, ông "xách ba lô" rời Việt Nam sang Nhật học tập công nghệ và tìm kiếm thị trường, bởi đây là đất nước được xem là "cội nguồn" của dòng rong này.
Giá bán rong nho tươi ở Nhật rất cao. Nắm được điều đó, ông Duy đi chào hàng khắp nơi, một tháng ròng rã đi từ sớm đến tối muộn, cuối cùng ông có được đơn hàng đầu tiên.
Hai vợ chồng cùng 30 công nhân tất bật làm việc để kịp giao hàng, thế nhưng, hàng vừa sang đến nơi đã bị đối tác trả về vì rong bị hư hỏng do vận chuyển lâu, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Lúc đó ông mới ngộ ra, điều quan trọng của rong nho là quản lý về hàm lượng và an toàn thực phẩm, môi trường nuôi không được sử dụng hoá chất. Sản phẩm này có thời gian bảo quản khá ngắn, từ 2 - 3 tháng, muốn bảo quản lâu hơn thì phải hạn chế tạp chất và vi khuẩn.
"Canh bạc" cuối cùng Thời điểm đó, ông Duy rơi vào tình cảnh éo le chưa từng có. Nhà không có gì đáng giá để bán, ông đành cầm cố căn nhà duy nhất của gia đình để tiếp tục sản xuất và sang Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm. Đây xem là "ván cược" cuối cùng của cuộc đời ông.
Lần này may mắn, ông được một đoàn chuyên gia Nhật Bản đến thăm và kiểm nghiệm vùng nuôi rong nho ở thị xã Ninh Hòa. Đoàn chuyên gia đã truyền lại kinh nghiệm với lời mời hợp tác xuất khẩu với giá "ưu đãi".
Từ đó, bí kíp giữ chất lượng của rong xuất khẩu mà ông Duy học được là đóng vào túi không chứa chất bảo quản, dung dịch bên trong là nước muối 100%. Sản phẩm để ở nhiệt độ từ 28 - 32 độ C, bảo quản được 6 tháng. Nhờ thành công này, công ty cũng phất lên từ đó.
Hiện, ngoài các tiêu chuẩn đã đạt, công ty đang làm chứng nhận vùng nuôi sạch và không có tác động hoá chất. Đồng thời, làm thêm chứng chỉ xanh, sản xuất sạch để tới đây có thể dán nhãn xanh cho các sản phẩm rong nho.
Ông Duy tự tin với mô hình ao đìa theo tiêu chuẩn sạch, giúp cải tạo môi trường nước và tạo điểm nhấn riêng cho Khánh Hòa: "Rong nho biển trồng tới đâu, hệ sinh thái tốt tới đó. Loại tảo biển này còn có thể làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, nhất là ở các khu vực nuôi tôm công nghiệp".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, trong quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh có ngành nghề trồng rong nho. Hiện nay, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang triển khai dự án chuỗi rong biển bền vững - Dự án GEF từ năm 2022 - 2026. Khánh Hòa là một trong những địa phương được lựa chọn để triển khai dự án.
Cụ thể, tại Khánh Hòa, dự án tập trung tạo điều kiện môi trường để phát triển ngành sản xuất rong biển; phát triển chuỗi giá trị (triển khai mô hình trồng rong nho, xây dựng chuỗi liên kết rong nho, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi...); xây dựng thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững có kết hợp trồng rong tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng tại địa phương.
Sao chép thành công