Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
"Alo, 5 phút nữa chú đậu xe trước ủy ban, con xuống nhận gạo cho nạn nhân da cam nhé". "Dạ chú, con xuống liền ạ". Cúp máy điện thoại, tôi vội vàng chạy xuống sảnh chờ của ủy ban xã... Chiếc xe bán tải của chú Hai (tên thật Huỳnh Hoàng Tiến) trờ tới. Chú bấm kiếng, nghiêng đầu ra: "Lấy 10 phần nhé con, nay chú bận đi các xã khác, con phụ trách chở xe máy đi vòng vòng phát và lấy hình gửi chị Nga giúp chú nhé". Tôi vâng dạ rối rít, nhận những phần nhu yếu phẩm trên xe chú.
Chú Hai cùng cán bộ làm công tác xã hội
ẢNH: NVCC
Tháng nào cũng thế, như thường lệ chú Huỳnh Hoàng Tiến, Giám đốc công ty thép Hai Tiến (ở TP.Biên Hòa,Đồng Nai), tự lái xe đến H.Định Quán (Đồng Nai) để phát quà từ thiện cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Chú là người quê xã Phú Ngọc, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Sau hòa bình lập lại, điều kiện kinh tế khó khăn nên cả gia đình chú đều chuyển xuống TP.Biên Hòa để sinh sống.
Cũng cơ duyên đưa đến, chú kinh doanh bên sản phẩm thép và mở được công ty. Từ ngày làm ăn khấm khá hơn, chú trở lại quê, thăm bà con có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân da cam. Lúc chú cho gạo, nhu yếu phẩm, lúc chú lại hỗ trợ tiền mặt để bà con mua sắm thêm.
Chú bảo: "Ngày trước nhà chú sát bên cạnh một hộ gia đình có hai nạn nhân da cam. Chú thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Ngoài những lúc yên lành thì những hôm thằng anh lên cơn, rồi tới thằng em, chúng thi nhau hành hạ ba mẹ. Chú thương những hoàn cảnh như vậy lắm, nên bây giờ lúc nào rảnh, chú lại về trao quà".
H.Định Quán ngoài những gia đình hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thì số lượng nạn nhân da cam rất nhiều, hơn 1.000 nạn nhân. Đó là hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc mà Mỹ đã để lại.
Hôm rồi chú Hai về đột xuất, chú bảo tôi: "Con lên xe đi, chỉ đường một số nạn nhân thuộc xã mình mà trước nay chú cháu mình chưa tới. Chú muốn tìm hiểu nắm bắt để mai mốt hỗ trợ thêm cho họ". Trên xe, chú cười đùa: "Con gái chú bảo, mỗi lần con buồn, ba chở con về quê, đi làm từ thiện ba nhé". Tôi đáp: "Ôi, vậy là hôm nay chú và chị buồn ạ?". Cả xe cười vang.
Chiếc xe bán tải chòng chành qua con đường đất, đi sâu vào những hộ khó khăn ở khu dân cư 13, Thác Trời. Rồi đến các hộ lân cận bên ngoài. Đến hộ nào chú cũng ân cần hỏi thăm, về điều kiện kinh tế gia đình, mức thu nhập hằng tháng và các hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Xe chúng tôi chạy từ 7 giờ 30, đến tận trưa gần 12 giờ mới xong. Tôi khá áy náy vì để cả gia đình chú đói bụng, nhưng chú xua tay:
"Trời, nhỏ này, đi làm thiện nguyện, làm công tác xã hội mà, mình chấp nhận mọi thứ để hỗ trợ kịp thời đến người khó khăn chứ. Lúc nào ăn chả được". Lúc vào quán, ăn uống xong xuôi, tôi ngỏ ý muốn trả tiền, cũng là địa phương muốn mời chú bữa cơm, nhưng chú không chịu. Chú bảo cán bộ xã thì lương được bao nhiêu đâu, chú biết mà. Mỗi lần chú lên, mời mấy đứa bây bữa cơm, có gì đâu khách sáo.
Chú Hai tặng quà cho gia đình các hộ nạn nhân da cam khó khăn
ẢNH: NVCC
Chú Hai là vậy, dù công việc công ty rất bận rộn, nhưng bằng tấm lòng bồ tát của mình, yêu thương những nạn nhân da cam vô điều kiện. Chú đã nhận hỗ trợ thường xuyên cho 140 nạn nhân trên địa bàn huyện Định Quán với gạo và nhu yếu phẩm. Ngoài ra cứ tầm một tháng, chú lại tự lái xe lên, chở chúng tôi, những cán bộ xã phụ trách mảng từ thiện xã hội để cùng đi với chú. Có được một mạnh thường quân như vậy là điều may mắn rất nhiều đối với chúng tôi. Nhất là thời điểm hiện nay, kinh tế đang rất khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của mình, chú Hai vẫn duy trì đều đặn mức trợ cấp thường xuyên cho các hộ nạn nhân da cam khó khăn hơn.
Chú bảo, làm công tác xã hội cũng là cái duyên đấy con ạ. Đâu phải mình có tiền, muốn làm là làm đâu. Chú muốn đến từng nhà, hỏi thăm gia cảnh, biết từng người cần gì và muốn hỗ trợ cái gì trước mắt. Nếu chỉ chuyển tiền qua tài khoản cho mấy đứa, đợi mấy đứa mua đồ, rồi đi trao, chụp hình gửi chú, chú cũng yên tâm vì tin tưởng các con rồi. Nhưng có đi, mới biết dân mình còn khổ nhiều con ạ. Mình trao yêu thương, chắc chắn sẽ nhận lại được nụ cười thôi.
Chúng tôi im lặng, lắng nghe những gì chú nói. Đúng là có đi làm công tác xã hội từ thiện mới hiểu thấu những vất vả khổ cực mà những người dân phải hằng ngày chịu đựng. Nhất là những hộ có nạn nhân da cam, cuộc sống vốn dĩ đã không ưu ái cho họ, để cho họ một hình hài không trọn vẹn. Người may mắn thì di chuyển được, phụ giúp gia đình được vài việc, nhưng người không may, tinh thần không tỉnh táo, phá phách đồ đạc là chuyện thường như cơm bữa.
Thấu hiểu được những hoàn cảnh đó, cộng thêm những tháng ngày miệt mài làm công tác thiện nguyện, chú Hai đã cùng chúng tôi giúp đỡ nhiều gia đình vươn lên trong cuộc sống. Chú còn hỗ trợ Hội nạn nhân da cam huyện một nguồn vốn lớn, để các gia đình có nhu cầu sẽ làm đơn, xin được vay vốn không lãi, duy trì sản xuất kinh doanh, kiếm thêm thu nhập.
Hôm nay Định Quán nắng ráo, chú Hai lại về quê tiếp tục hành trình công tác xã hội của mình. Nghe giọng ấm, rổn rảng của chú, tôi lại thấy vui vô cùng. Những bao gạo, thùng mì, chai nước mắm, bịch đường... sẽ đến được những bàn tay khao khát chờ chú Hai ngoài kia. Tôi tin, hành trình công tác xã hội của chúng tôi và chú Hai sẽ tiếp nối dài...