Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Hoà thượng Thích Minh Nguyệt với sự nghiệp cách mạng

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:45:53 23/09/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/hoa-thuong-thich-minh-nguyet-voi-su-nghiep-cach-mang-post391059.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, thế danh là Duy Kim, sinh ngày 19.12.1907 trong một gia đình trung nông tại xã Tân An, Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước).
Năm Kỷ Mùi (1919), vừa tròn 13 tuổi, Ngài lên chùa Thiên Thai (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay) xin xuất gia, tu học với Tổ Huệ Đăng - một tăng sĩ tài ba, một nhà nho uyên thâm có tỉnh thần yêu nước.
Hoà thượng Thích Minh Nguyệt
Trong thời gian tu học, Ngài được gần gũi, hầu cận Tổ Huệ Đăng, nhờ vậy, cảm thụ được ở Người tinh thần dân tộc qua các buổi tọa đàm giữa Người với cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý thức yêu nước và cách mạng bắt đầu nhen nhóm trong Ngài.
Năm Mậu Dần (1938), Ngài xin phép bổn sư đi chu du thiên hạ để mở mang trí tuệ, đồng thời thâm nhập thực tế để thấu hiểu đất nước mình, đồng bào mình. Ngài đã đến nhiều chùa như Phật Bồn ở Cần Thơ, Bửu Long ở Mỹ Tho, Long An ở Sài Gòn, Vĩnh Trăng ở Tiền Giang... Tại những nơi Ngài đến, Ngài đều thuyết giảng để giáo hóa chúng sinh.
Năm Canh Thìn (1946), cùng với cao trào chấn hưng Phật giáo là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trách nhiệm đạo - đời được đặt ra với Ngài. Trong lúc phong trào chấn hưng Phật giáo lúc thịnh, lúc suy do yếu tố thời cuộc chi phối - đặc biệt do thực dân Pháp và bọn tay sai đả phá phật giáo - phải chứng kiến cảnh đồng bào mình bị tàn sát dã man, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt càng bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Khi Hòa thượng Trí Thiên - chủ trì chùa Tam Bảo ở Rạch Giá bị bắt đày ra Côn Đảo, Ngài đã thực sự thức tỉnh, đã chuyển lòng yêu nước chung chung thành những hành động yêu nước cụ thể.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Ngài bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Với bí danh Tam Không, Ngài có mặt ở hầu khắp các chùa chiền, miếu mạo Nam Bộ để giảng giải cho tăng ni, phật tử - chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh mà Hội Phật giáo Cứu quốc là một thành viên.
Với nhiệt huyết yêu nước và cách mạng, Ngài lần lượt được các tăng ni, phật tử bầu làm Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Mỹ Tho, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn - Gia Định rồi Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Gia Định và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh Kỳ bộ Nam Bộ.
Là một công dân yêu nước nồng nàn, một tăng sĩ gắn đạo với đời, bất chấp mọi gian nguy, Ngài đã đi khắp mọi nơi, vận động các chùa chiền, hội thờ tự làm cơ sở giúp đỡ che giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong hậu địch.
Năm 1949, với tư cách Ban vận động Phật giáo Cứu quốc Nam bộ, Ngài từ Mỹ Tho về Gia Định lập Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Sài Gòn - Gia Định Chợ Lớn, cử sư Bửu Đăng làm Tỉnh Hội trưởng, sư Pháp Đông làm Tỉnh Hội phó, sư Thiện Hào làm Ủy viên phụ trách tài chính, chọn Chùa Tường Quan ở xã An Phú Đông làm trụ sở.
Năm 1952, với tư cách Ủy viên Ủy ban Mặt trận Liên Việt tỉnh Mỹ Tho, Ngài giới thiệu sư Thiện Hào vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham dự Hội nghị Dân tộc và tôn giáo do Bí thư Trung ương Cục Lê Duẩn chủ trì, sau đó ở lại căn cứ để nghiên cứu đường lối kháng chiến chống Pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, với thắng lợi vang dội của Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực dân Pháp và bè lũ đế quốc buộc phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định sẽ Tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7.1956 để thống nhất đất nước.
Theo hướng dẫn của Mặt trận Liên Việt, những nhà sư từng tham gia kháng chiến chuyển sang hoạt động hợp pháp và tham gia phong trào bảo vệ hòa bình. Phong trào vừa ra đời đã bị địch đàn áp, những người lãnh đạo phong trào bị bắt giam. Sau sự kiện đó, được sự hướng dẫn của Mặt trận Liên Việt, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt vận động thành lập phong trào nhân dân cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn. Cuộc vận động nhận được sự hưởng ứng rất tích cực không chỉ của các tăng ni, phật tử, mà của đông đảo đồng bào các giới.
Phong trào đang phát triển lại bị chính quyền Diệm ngăn chặn. Hòa Hảo, Bình Xuyên, Ngô Đình Diệm mở chiến dịch tố cộng, diệt cộng, trả thù những người tham gia kháng chiến và những gia đình có người thân tập kết ra Bắc cũng như bất cứ ai có tinh thần yêu nước. Lúc này, Phật giáo Việt Nam - nhất là Phật giáo yêu nước - trở thành đối tượng đàn áp của chúng.
Năm 1960, Thích Minh Nguyệt - người lãnh đạo chủ chốt phong trào yêu nước của đồng bào Phật giáo Nam Bộ đang trụ trì Chùa Long Hòa bị Ngô Đình Diệm phát hiện, theo dõi từ năm 1956. Do một cơ sở bị lộ, tất cả cán bộ cốt cán trong đó có Hòa thượng Thích Minh Nguyệt bị bắt. Ngài bị đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm khổ sai.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Hòa thượng cùng nhiều tù chính trị khác được trả về vùng giải phóng Lộc Ninh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hòa thượng khẩn trương móc nối với các vị lãnh đạo các giáo phận vốn là những người quen biết cũ, vận động các tăng ni, phật tử ở các vùng tạm chiếm trên khắp miền Nam cùng với các giới đồng bào tiến hành cuộc đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris, chống càn quét, lấn chiếm; vận động tăng ni, phật tử thành lập Mặt trận Nhân dân cứu đói, đồng thời chuẩn bị cho lực lượng phật giáo tham gia nổi dậy cùng các mũi tiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 30.4.1975, với sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Ngài trở lại Sài Gòn. Bằng khả năng và uy tín của mình, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hòa thượng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh.
Với mục đích tăng cường đoàn kết tăng ni, phật tử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hòa thượng cho xuất bản đồng thời là Chủ nhiệm Báo “Giác ngộ” - tờ báo Phật giáo đầu tiên của các tỉnh phía Nam sau ngày đất nước thống nhất.
Hòa thượng đã cùng Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Minh Châu tham dự Hội nghị Tôn giáo thế giới được tổ chức tại Moscow và hội nghị tổ chức phật giáo châu Á vì hòa bình tại Ulaanbaatar (Ulan Bator), Thủ đô của Mông Cổ.
Để thống nhất các tổ chức Phật giáo Việt Nam sau khi đất nước thống nhất, Ban trù bị Đại hội được thành lập, Hòa thượng được cử làm Phó ban Vận động kiêm Trưởng ban Thông tin.
Năm 1981, Đại hội đại biểu Thống nhất Phật giáo được tổ chức tại Hà Nội, Hòa thượng được suy cử làm Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hòa thượng được tái cử vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Do tuổi cao, sức yếu vì bị tra tấn dã man trong suốt 17 năm giam cầm ở Côn Đảo, Hòa thượng đã viên tịch ngày 18.1.1985, thọ 77 tuổi.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã chứng minh một chân lý mà Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu trong bài tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hun đúc cho người Phật giáo Việt Nam một truyền thống gắn liền đạo nghiệp với sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc. Trong trái tim của người phật tử Việt Nam chân chính sùng kính đạo phật đều chan chứa tình cảm yêu nước nồng nàn”.
Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Sao chép thành công