Báo Tài nguyên & Môi trường,

Hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản: Doanh nghiệp "chây ì" tới bao giờ? Bài 2: Địa phương loay hoay xử lý

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nhóm PV
Hoàn nguyên, cải tạo môi trường là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương đã và đang tồn tại thực trạng doanh nghiệp “chây ì” hay “phớt lờ” yêu cầu của chính quyền địa phương, khiến cho họ phải loay hoay tìm giải pháp xử lý.
Giật mình với con số cần đóng cửa mỏ Được biết, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 32 quyết định đóng cửa mỏ và quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ (10 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và 22 quyết định đóng cửa mỏ), trong đó có 10 khu vực sẽ tiếp tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản, còn lại bỏ ra khỏi quy hoạch do đã hết trữ lượng hoặc địa phương quy hoạch vào mục đích khác.
Hiện tại, có 8 mỏ doanh nghiệp đã nộp hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đang thẩm định đề án đóng cửa mỏ để trình phê duyệt theo quy định; 9 mỏ doanh nghiệp đang phối hợp đơn vị tư vấn lập hồ sơ đóng cửa mỏ và đôn đốc đóng cửa mỏ 5 khu vực.
Thị xã Kinh Môn hiện có 35 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác cho 14 đơn vị là các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, 8 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp Bộ và 27 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
Riêng Tp. Chí Linh có 20 mỏ khoáng sản nằm trong danh sách phê duyệt đề án đóng cửa mỏ và quyết định đóng cửa mỏ. Trong đó, 9 mỏ đã ban hành quyết định đóng cửa mỏ; 4 mỏ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 4 mỏ đang thẩm định hồ sơ phê duyệt đề án đóng cửa mỏ; 2 mỏ doanh nghiệp đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ đóng cửa mỏ; 1 mỏ chưa lập hồ sở đóng cửa mỏ và Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã đôn đốc nhiều lần.
Trong khi đó, tại Thị xã Kinh Môn Có 28 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực (12 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, 1 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ một phần, còn lại đang hoàn thiện hồ sơ đóng cửa mỏ và phê duyệt đề án đóng cửa mỏ).
Nhiều doanh nghiệp cố tình “chây ì” trách nhiệm đóng cửa mỏ và hoàn nguyên môi trường
Tại tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận được 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản thuộc 6 nhóm khoáng sản (bao gồm cả khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì: 51 giấy phép khai thác than, 28 mỏ sét, 13 mỏ đá, 2 mỏ cát san lấp, 6 mỏ đất san lấp... Theo lộ trình đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản đá vôi, đây là địa phương tiên phong đi đầu cả nước để hướng tới chủ trường phát triển xanh.
Mặc dù lộ trình đã được vạch ra cụ thể, tuy nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn “cố thủ” chờ đến hết năm 2025, trong khi giấy phép khai thác đá vôi đã hết hạn, nhưng không thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn nguyên theo quy định. Ngoài ra, nhức nhối và phức tạp nhất vẫn là các mỏ khai thác đất sét ở Thị xã Đông Triều, hiện tại còn cả vài chục ao hồ lớn, nước sâu thăm thẳm, tập trung ở xã Việt Dân, Bình Dương, Tràng An… trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cố tình “chây ì” trách nhiệm đóng cửa mỏ và hoàn nguyên môi trường theo quy định.
Công ty Vạn Lợi khai thác khoáng sản sắt ở huyện Ngân Sơn vượt ranh giới mỏ, hiện doanh nghiệp đã dừng khai thác nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định
Còn tại tỉnh Bắc Kạn, đây có lẽ là địa phương thực hiện tốt và hiệu quả việc đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản trong số nhiều địa phương nhóm phóng viên tìm hiểu. Từ năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 21 quyết định đóng cửa mỏ. Tuy còn một vài mỏ chưa thể hoàn nguyên, đóng cửa mỏ do yếu tố lịch sử và khách quan do địa hình núi non hiểm trở, lưu vực sông... Mặc dù vậy, công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản luôn được UBND tỉnh Bắc Kạn quan tâm, chỉ đạo và các Sở, ngành, địa phương luôn đôn đốc, giám sát thường xuyên.
Nhìn chung các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi hết hạn giấy phép khai thác đã thực hiện đầy đủ công tác đóng cửa mỏ theo quy định, đưa mỏ về trạng thái an toàn, cải tạo phục hồi môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (đối với các mỏ còn khoáng sản) và bàn giao đất cho địa phương quản lý. Điển hình như: Huyện Chợ Mới và Na Rì, các mỏ khai thác cát, đá vôi và nhất là vàng sa khoáng trước đây đã được đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường và bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chính quyền loay hoay xử lý Có thể nói, tình trạng nhiều công ty sau khi hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản, lấy cạn tài nguyên xong “chây ì” trong việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường không chỉ xảy ra ở các địa phương trên mà thực trạng này đang tồn tại ở cả 63 tỉnh thành, với quy mô và mức độ phức tạp khác nhau, cuối cùng thì chính quyền địa phương vẫn phải loay hoay tìm giải pháp để xử lý.
Sau trận mưa to kéo dài hồi tháng 7/2024, Công ty TNHH Thanh Tuyền đã khai thác mỏ sét sát vào đường dân sinh ở xóm Ba Nhà, thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, khiến đất sạt lở tạo thành hàm ếch kéo dài gần chục mét, con đường dẫn vào xóm bị tê liệt trong nhiều ngày. Chính quyền xã phải lập chốt parie tạm và cảnh báo phương tiện, người dân đi vào xóm.
Hiện nay, trên địa bàn TX. Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh còn nhiều công ty khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác đất sét đã hết thời hạn cấp phép nhưng chưa thực hiện đóng cửa mỏ, “chây ì” trách nhiệm hoàn nguyên và cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản. Trong đó, phải kể tới Công ty TNHH Thành Tâm 668, Công ty CP Thanh Tuyền, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đông Dương, Công ty CP Gốm Đất Việt…
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Đông Triều, cho biết: Để đẩy nhanh việc thực hiện trách nhiệm cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản đã hết thời hạn, Thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương báo cáo hoàn thành thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường theo quy định.
Đồi 68 ở Tp. Chí Linh, tỉnh Hải Dương bị nhiều doanh nghiệp khai thác đất sét và để lại hiện trường nham nhở nhưng chưa hoàn thành trách nhiệm hoàn nguyên môi trường
Trong khi đó tại Tp. Chí Linh và Thị xã Kinh Môn, đây là hai địa phương của tỉnh Hải Dương tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản, tuy nhiên công tác hoàn nguyên và cải tạo môi trường sau khai thác khoáng sản vẫn là vấn đề nóng mà cử tri và chính quyền đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Thị xã Kinh Môn, thẳng thắn: Nguyên nhân của những tồn tại trong công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương thiếu đồng bộ... Một số chủ mỏ không nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, chưa có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì.
Ông Nguyễn Văn Đản, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Chí Linh thì cho rằng: Trên địa bàn thành phố đang khan hiếm nguồn vật liệu san lấp, từ đó dẫn đến nhiều mỏ khoáng sản không có vật liệu để thực hiện công tác hoàn thổ, cải thiện môi trường theo đề án đóng cửa mỏ. Lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường còn thiếu, đặc biệt ở cấp huyện và các xã, phường. Hiện tại TP. Chí Linh, phòng Tài nguyên và Môi trường chưa có cán bộ được đào tạo chuyên môn về khoáng sản. Đối với 19 xã, phường trên địa bàn thành phố cũng chưa có cán bộ chuyên trách quản lý khoáng sản, các địa bàn có khoáng sản mới chỉ bố trí được cán bộ kiêm nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai, môi trường và khoáng sản, đồng thời cán bộ quản lý môi trường cấp phường năng lực còn hạn chế, chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật khoáng sản, đất đai và môi trường để thực hiện biện pháp quản lý và tham mưu.
Trao đổi về những bất cập và điểm mặt các công ty chây ì đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường, bà Ngô Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương), cho biết: Mỏ Sét Ceramic làm gạch của Công ty CP nguyên liệu Vigracera đã được đôn đốc nhiều lần lập hồ sơ đóng cửa mỏ, nhưng doanh nghiệp này vẫn không thực hiện. Sở sẽ gửi văn bản đôn đốc thêm 1 lần nữa, nếu doanh nghiệp này không thực hiện, thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định.
Sao chép thành công