Báo Thanh Niên,

Học sinh có điểm IELTS cao hơn thầy cô, làm sao để dạy và học hiệu quả?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:08:47 05/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/hoc-sinh-co-diem-ielts-cao-hon-thay-co-lam-sao-de-day-va-hoc-hieu-qua-185241005124329864.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Theo chuyên gia, những năm gần đây ngày càng chứng kiến nhiều học sinh có nền tảng tiếng Anh tốt và đạt điểm cao trong các bài thi quốc tế như IELTS, tạo ra thử thách đáng kể với giáo viên.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) trong một tiết học IELTS
ẢNH: NHẬT THỊNH
Thầy cô không dám tự tin dạy tiếng Anh Sáng 5.10, Tạp chí Giáo dục TP.HCM , Trung tâm phát triển GD-ĐT phía nam (Bộ GD-ĐT) cùng hệ thống DOL English phối hợp tổ chức hội thảo về giảng dạy tiếng Anh , thu hút gần 200 giáo viên phổ thông tham dự. Tại đây, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), có một số chia sẻ về việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Là người đứng đầu một trong những ngôi trường phổ thông danh tiếng nhất tại TP.HCM, bà Mai thông tin trung bình điểm thi IELTS của học sinh Trường Phổ thông năng khiếu là 7.5, cao hơn mặt bằng chung của học sinh ở các quốc gia không dùng tiếng Anh. Đây là mức "cực kỳ giỏi", theo GS-TS Mai, và điều này đặt ra không ít thách thức khi nhiều thầy cô chưa đạt được trình độ cao hơn.
"Phải nói thẳng, thầy cô không thể nào dám tự tin khi dạy tiếng Anh ở trường trong bối cảnh hiện tại. Thế nên, câu chuyện đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học rất chông gai, dù ngay tại trường chuyên. Vì vậy, các trường phải cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và tận dụng mọi nguồn lực, nhất là khi học sinh gen Z và Alpha có khả năng tiếp thu nhanh, thích ứng với công nghệ giỏi", bà Mai đề xuất.
GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhấn mạnh sự hợp tác của các tổ chức giáo dục trong nỗ lực đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học
ẢNH: NGỌC LONG
Đồng tình, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết yêu cầu và trình độ tiếng Anh của học sinh ở những năm gần đây ngày càng nâng cao, phát triển. Đó là lý do trường học phải năng động, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu này. Trong khi đó ở cấp quản lý, Sở GD-ĐT TP.HCM luôn tiên phong trong việc "trẻ hóa" việc dạy tiếng Anh trong trường công lập.
"Chẳng hạn, Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chưa yêu cầu dạy tiếng Anh từ bậc tiểu học nhưng TP.HCM đã chủ động dạy từ lớp 3. Còn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, TP.HCM đã triển khai dạy tiếng Anh ở lớp 1 thay vì lớp 3 để giúp học sinh đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển bản thân. Từ đó, tham gia đóng góp cho kinh tế, xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới ", ông Quốc chia sẻ.
Học sinh đạt IELTS cao, phải làm sao? Là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành giáo dục học tại ĐH Reading (Anh), bà Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật tại DOL English, nhấn mạnh thay vì xem việc dạy và học tiếng Anh là "cuộc đua vũ trang", tức vừa dạy vừa lo không biết trình độ tiếng Anh của mình giỏi bằng học viên hay chưa, thì thầy cô nên xem đó là hành trình giúp người học phát triển cả về mặt ngôn ngữ và tư duy.
Bà Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật tại DOL English, khuyên giáo viên không nên áp dụng một phương pháp sư phạm cho tất cả học viên
ẢNH: NGỌC LONG
"Đừng đánh giá học viên chỉ dựa trên trình độ và khuyên chung chung hãy 'học thêm từ vựng, ngữ pháp và cày đề', mà phải xem xét vấn đề mỗi bạn đang gặp phải là gì rồi giải quyết nó. Cũng cần lưu ý không phương pháp sư phạm nào có thể áp dụng hiệu quả với tất cả học viên, như ai yếu tiếng Anh thì cần biết cách ghi nhớ, sắp xếp thông tin hiệu quả, còn bạn giỏi nên được đào tạo thêm về cách xử lý ngôn ngữ như người bản xứ", bà Quỳnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Lê Tuyết Ngọc, giảng viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế và hiện là Giám đốc đào tạo IELTS quốc gia Cơ quan khảo thí MTS (Anh), nói với Thanh Niên rằng kết quả thi IELTS không phải là thước đo để đánh giá 100% trình độ của giáo viên, mà nó còn thể hiện qua bằng cấp chuyên ngành sư phạm và chứng chỉ giảng dạy IELTS nói riêng, tiếng Anh nói chung.
Bà Ngọc còn lưu ý với những trường hợp có nền tảng tiếng Anh tốt từ trước, ngoài việc tạo điều kiện để các bạn tiếp cận với chương trình, học liệu được biên soạn phù hợp với trình độ, giảng viên cũng cần hướng dẫn họ phương pháp tự học tại nhà tương thích với đặc điểm và sở thích, như học theo kiểu thính giác, thị giác hay vận động. Thầy cô cũng có thể tìm ra điểm yếu của học sinh và chuẩn bị trước tâm lý phòng thi cho các bạn.
"Với các bạn có kết quả IELTS cao mong muốn nâng điểm hơn nữa, một mô hình hiệu quả rất lớn có thể áp dụng là "teach - test - teach" (tạm dịch: dạy - kiểm tra - học lại lỗi sai qua giáo viên và tự học). Tuy nhiên để thực hiện thành công, khâu kiểm tra phải thực hiện với những chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm làm giám khảo hay thông qua các phần mềm, ứng dụng phù hợp để cho ra đánh giá chính xác nhất", nữ giám đốc khuyên.
Sao chép thành công