Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Hướng đến xã hội học tập

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:47:29 23/09/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/huong-den-xa-hoi-hoc-tap-post391079.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13.4.2007 của Bộ Chính trị Khóa X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” (Kết luận số 49-KL/TW), đến nay, TP. Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác này. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thành phố phát triển xứng tầm là trung tâm về giáo dục - đào tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy nhiều nguồn lực
Để tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Kết luận số 49-KL/TW trong sinh hoạt thường kỳ ở các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và tổ nhân dân tự quản. Trên cơ sở đó, các cấp Hội Khuyến học thành phố đã tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội xây dựng và triển khai phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tất cả các địa phương, đơn vị trên địa bàn.
Toàn thành phố hiện có 4.349 tổ khuyến học, 1.729 chi hội khuyến học, 796 ban khuyến học, 83 hội khuyến học cấp xã và 9 hội khuyến học cấp huyện. Ảnh: V. Châu
Từ năm 2022, Hội Khuyến học thành phố triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Công dân học tập” ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh. Năm 2023, mô hình này được triển khai đại trà ở 9/9 quận, huyện và 83/83 xã, phường, thị trấn. Đến cuối năm 2023, trong số 243.798 người đăng ký “Công dân học tập” có 194.138 người được công nhận, chiếm tỷ lệ 79,6%. Toàn thành phố hiện có 4.349 tổ khuyến học, 1.729 chi hội khuyến học, 796 ban khuyến học, 83 hội khuyến học cấp xã và 9 hội khuyến học cấp huyện, với hơn 392.000 hội viên.
Để phát huy nguồn lực xã hội hóa trong công tác khuyến học, khuyến tài, Thành ủy Cần Thơ chủ trương, hàng năm chọn ngày 19.5 - ngày sinh nhật Bác Hồ làm “Ngày toàn xã hội đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài”. Ở nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện những mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác khuyến học, học khuyến tài. Các quận Ninh Kiều, Bình Thủy có mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”; quận Ô Môn có mô hình “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở); huyện Cờ Đỏ vận động Quỹ học bổng Hà Huy Giáp; huyện Phong Điền phát triển Quỹ học bổng Phan Văn Trị, ngành y tế thành lập Quỹ học bổng Lê Hữu Trác, Chi Hội Khuyến học Chùa Pitu Khôsa Răngsây có Quỹ học bổng Huỳnh Cương; nhiều địa phương có mô hình trồng chuối, thu gom phế liệu gây quỹ khuyến học… Trong giai đoạn 2019 - 2023, Quỹ Khuyến học, khuyến tài thành phố đã vận động được 266,562 tỷ đồng, trao tặng 912.166 suất học bổng, trên 15.000 xe đạp, thẻ BHYT, hàng trăm ngàn quyển tập và đồ dùng học tập trị giá trên 235 tỷ đồng.
Đi vào thực chất
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng thực tế công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở TP. Cần Thơ vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Báo cáo của Hội Khuyến học thành phố cho thấy, hiện nay, phong trào xây dựng xã hội học tập, nhất là xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tuy phát triển rộng rãi, nhưng chất lượng chưa cao; chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng một số nơi còn thấp, còn nặng tính hình thức. Việc phát triển tổ chức hội khuyến học ở các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang còn chậm và lúng túng. Công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài tuy có tiến bộ, nhưng chưa vững chắc; công tác quản lý, phân bổ và sử dụng quỹ có chiều hướng quan tâm nhiều về khuyến học hơn khuyến tài...
Để nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, một trong những yêu cầu đang đặt ra là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Trung ương và thành phố, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ hệ thống chính trị ra toàn xã hội về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trên cơ sở đó, triển khai rộng rãi các kế hoạch phối hợp giữa Hội Khuyến học thành phố với các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức trong và ngoài thành phố, nhằm phát huy nhiều nguồn lực tạo sức mạnh tổng hợp để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong quá trình triển khai các mô hình cần chú trọng yếu tố thực chất, phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của cán bộ, hội viên, Nhân dân ở từng địa phương, đơn vị, tránh tình trạng chạy theo thành tích, nặng tính hình thức.
Hiền Dung
Sao chép thành công