Báo Lao Động Online,

Hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án cầu BOT Thái Hà

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 21:11:55 18/09/2024 theo đường link https://laodong.vn/xa-hoi/huong-thao-go-kho-khan-cho-du-an-cau-bot-thai-ha-1396080.ldo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hiếu Anh
Ngày 18.9, Bộ Giao thông Vận tải trả lời cử tri liên quan đến dự án cầu BOT Thái Hà
Đoạn đường dẫn lên cầu Thái Hà. Ảnh: Văn Hiền
Nội dung phản ánh khó khăn của dự án cầu BOT Thái Hà do phóng viên Báo Lao Động thực hiện tháng 5.2024
Thời gian qua, Báo Lao Động có nhiều bài viết về dự án cầu BOT Thái Hà gặp khó khăn khi không đạt được phương án doanh thu dẫn đến lỗ nặng.
Gần đây, cử tri Hà Nam đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án BOT cầu Thái Hà và đầu tư mở rộng hoàn thiện đoạn tuyến với chiều dài khoảng 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà.
Cử tri phản ánh, dự án đầu tư tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (gọi tắt là Dự án đường nối hai cao tốc) đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư. Theo đó, dự án có tổng chiều dài 47,7 km, quy mô 4 làn xe, chia thành 2 dự án thành phần (qua hai địa phận tỉnh Hưng Yên và Hà Nam).
Hiện nay, các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đã triển khai đầu tư đảm bảo quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, đối với đoạn tuyến dài khoảng 1,3 km kết nối từ cuối dự án thành phần 1 đến đầu dự án thành phần 2 thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà (Dự án BOT cầu Thái Hà) hiện khai thác với quy mô 2 làn xe.
Nếu không thực hiện mở rộng đoạn tuyến này sẽ không bảo đảm khai thác đồng bộ quy mô 4 làn xe cùng với hai dự án thành phần do địa phương đang đầu tư mở rộng, tạo thành điểm nghẽn, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với dự án BOT cầu Thái Hà; yêu cầu nhà đầu tư mở rộng hoàn thiện đoạn tuyến với chiều dài khoảng 1,3km từ quy mô 2 làn xe (Bm/Bn = 11m/12m) thành quy mô 4 làn xe (Bm/Bn = 21,5m/22,5m); trường hợp nhà đầu tư không có khả năng đầu tư đề nghị giao lại mặt bằng để UBND tỉnh Hà Nam đầu tư.
Trả lời vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng để thống nhất giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc và trách nhiệm chia sẻ rủi ro của các bên.
Đối với Dự án BOT cầu Thái Hà, đến nay Nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng đã thống nhất và kiến nghị giải pháp bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ dự án để bảo đảm khả thi về tài chính.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật; trong đó, dự kiến sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật PPP để có đủ cơ sở pháp lý khi xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành.
Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, ngày 5.9.2024 Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan ký kết hợp đồng dự án) đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3 km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà.
Tại cuộc họp, nhà đầu tư đề nghị tiếp tục được thực hiện đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3 km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, trong điều kiện doanh thu thu phí của Dự án bị sụt giảm (chỉ đạt 16% so với doanh thu trong hợp đồng), trường hợp bổ sung đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3 km thì khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ tăng thêm (văn bản số 6201/CĐBVN-KHĐT ngày 10.9.2024 của Cục Đường bộ Việt Nam).
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện phương án bàn giao đoạn tuyến 1,3 km cho địa phương thực hiện đầu tư mở rộng, bảo đảm khai thác đồng bộ với dự án đường nối hai cao tốc.
Sao chép thành công